Tại Hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính - Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam (VCCI) vừa diễn ra chiều 20/4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó tổng giám đốc VietinBank kể lại câu chuyện tại một Hội thảo đầu tháng 10/2017.
“Có doanh nghiệp nói rằng, doanh nghiệp và ngân hàng như là người bạn tình với nhau. Doanh nghiệp như cô gái đẹp, còn chúng tôi là những người đàn ông vây quanh. Và thời gian tới sẽ thiếu phụ nữ, nhiều đàn ông. Tôi nghĩ rằng, giai đoạn này là hết sức thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Tuy nhiên, có khó khăn cho doanh nghiệp vay là tài sản đảm bảo hay thiếu thông tin có độ tin cậy cao tạo sự thuận lợi cho ngân hàng”.
Đây là thực tế hầu hết các ngân hàng đều gặp. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ VPBank cho biết, thị trường Việt Nam vốn đặc thù bởi thông tin chưa được liên kết toàn diện và minh bạch, dẫn tới việc các ngân hàng đều cho vay vốn dưới hình thức là phải có tài sản thế chấp.
Đây chính là rào cản cho doanh nghiệp và cá nhân bởi ở góc độ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, 70% là không có đủ tài sản thế chấp để vay ngân hàng.
“Câu chuyện con gà - quả trứng cái nào có trước này chính là rào cản cho sự phát triển của nền kinh tế cũng như mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào trước năm 2020 của Chính phủ”, ông Hưng nói
Chỉ ra những khó khăn nhưng điều đó không có nghĩa vì những khó khăn mà các ngân hàng không có động thái hỗ trợ doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Kim Oanh, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, những năm qua, Vietcombank đã tạo ra những sản phẩm, tối ưu hóa mô hình hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận.
Cụ thể, Vietcombank đã thực hiện theo Thông tư 39 ban hành quy trình, tối đa hóa sự minh bạch. Ngoài ra, Ngân hàng quy định về thời gian phục vụ, bên cạnh quy định về phí mà ngân hàng được thu.
Bên cạnh đó, Vietcombank thực hiện nhiều dự án cải tổ, tái cấu trúc các chương trình, sản phẩm cho từng đối tượng khách hay tái cấu trúc lại mô hình tín dụng…
Bà Nguyễn Kim Oanh, Phó tổng giám đốc Vietcombank tại Hội thảo
Còn tại VPBank, ông Hưng cho biết, một trong những cải cách đột phá của VPBank trong 3 năm qua chính là sự thay đổi về tư duy và sau đó là hệ thống quy trình tập trung vào cung cấp tín dụng mà không cần tài sản thế chấp, hay còn gọi là vay tín chấp.
Quy trình mới đòi hỏi có hệ thống đánh giá tín dụng (score card) dựa trên các tiêu chí đa dạng như tình hình kinh doanh, dòng tiền, năng lực doanh nghiệp…cũng như có năng lực quản trị rủi ro tốt. Quy trình được cải tiến theo mô hình tập trung, đảm bảo tính chất khách quan trong từng công đoạn: phê duyệt, giải ngân, theo dõi nợ….
“Sau giai đoạn 3 năm âm thầm tăng trưởng đều đặn, đến năm 2017, riêng tại phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), vay tín chấp đã trở thành sản phẩm ấn tượng nhất của VPBank SME, tăng trưởng gấp 2,5 lần từ mức dư nợ 2,481 tỷ năm 2016 lên 5.312 tỷ đồng tại cuối năm 2017.
Quan trọng hơn, cải tiến này đã làm thay đổi được câu chuyện mà nhiều doanh nghiệp vẫn than thở là không vay được vốn. VPBank hiện vẫn tiếp tục theo dõi phản ứng của khách hàng để liên tục chỉnh sửa quy trình và cải tiến các điểm tiếp xúc khách hàng, đảm bảo trải nghiệm ngày càng đơn giản và nhanh gọn”, ông Hưng nói
Thông tin từ NHNN cho biết, trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, NHNN đã tổ chức triển khai thường xuyên, liên tục để kiểm soát chặt việc ban hành các thủ tục hành chính, đảm bảo tinh thần cải cách, minh bạch.
Toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại NHNN được quản lý và thực hiện thống nhất theo tiêu chuẩn ISO và cơ chế một cửa từ khâu nhận hồ sơ đến khi trả kết quả.
Chỉ tính riêng trong hai năm 2016, 2017 NHNN đã rà soát, đơn giản hóa và ban hành theo thẩm quyền các thông tư bãi bỏ 22 thủ tục hành chính, ban hành phương án sửa đổi 48 thủ tục hành chính; tổng số chi phí tuân thủ cắt giảm hơn 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Về cải cách thủ tục hành chính của các tổ chức tín dụng, mặc dù cũng là loại hình doanh nghiệp, nhưng theo chỉ đạo của NHNN, hệ thống các thủ tục hành chính đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vay vốn và sử dụng các dịch vụ.
Các tổ chức tín dụng đã tích cực đổi mới thủ tục giao dịch; công bố công khai trên trang tin điện tử các thông tin về hồ sơ tín dụng, dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; quy định tiêu chuẩn chất lượng đối với các dịch vụ; cắt bỏ nhiều loại phí cho vay không cần thiết.
Quy trình sản phẩm dịch vụ cho khách hàng được cải tiến thuận tiện, nhanh gọn, sản phẩm được đa dạng hóa thông qua việc ứng dụng công nghệ (Internet Banking, Mobile Banking...).
Rõ ràng, vấn đề bây giờ không còn là câu chuyện con gà - quả trứng bởi tài sản bảo đảm không còn là điều kiện duy nhất cho vay.
“Doanh nghiệp cần phải tạo được uy tín với khách hàng từ trình độ quản trị, tiếp đó là dữ liệu tài chính của doanh nghiệp, từ đó ngân hàng có niềm tin để phê duyệt dự án, xác định giá cho vay và đặc biệt, hồ sơ tài chính phải thống nhất…”, bà Oanh nhấn mạnh.