Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật là mảng nội dung quan trọng trong các ấn phẩm của Báo Đầu tư.

Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật là mảng nội dung quan trọng trong các ấn phẩm của Báo Đầu tư.

Tăng hàm lượng thông tin phổ biến pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam hiện nay, cái tâm, cái tầm và tinh thần thượng tôn pháp luật của các doanh nhân giúp khối doanh nghiệp tư nhân trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Vì thế, thông tin pháp luật đến với các doanh nhân cần đúng và đầy đủ, việc này có vai trò quan trọng của báo chí chính thống.

Chính sách, pháp luật kinh doanh tiếp tục thay đổi

Hệ thống pháp luật kinh doanh của Việt Nam đang dần hoàn thiện khi các nhà làm luật nỗ lực trong việc kiến tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Nhưng thế giới thay đổi không ngừng, đặc biệt biến động địa chính trị, dịch bệnh Covid-19 và sự phát triển của khoa học công nghệ là các nhân tố dẫn đến nhiều chính sách, quy định không còn phù hợp, cần được điều chỉnh. Vì vậy, chính sách kinh doanh cũng cần thay đổi để thích ứng.

Lưu ý, “vùng xám” và “lỗ hổng” của pháp luật luôn tồn tại. Khi một hoạt động kinh doanh nào đó chưa có đầy đủ hành lang pháp lý, doanh nhân cần “lắng nghe” thị trường. Pháp luật trong kinh doanh là ý chí của nhà làm luật, nhưng thị trường giữ vai trò quan trọng khi văn bản luật được thực thi. Nếu doanh nhân ra quyết định kinh doanh bất chấp điều đó, gây thiệt hại cho cổ đông, khách hàng..., tất yếu sẽ nhận hậu quả xấu.

Luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group
Luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group

Doanh nhân có trách nhiệm tìm hiểu pháp luật để tuân thủ, đó là chưa kể xã hội yêu cầu cao hơn, vì họ được xem là tầng lớp tinh hoa trong xã hội. Một doanh nhân chân chính không bao giờ lấy lý do dịch bệnh Covid-19 hay tình trạng khó khăn tài chính chung để vi phạm pháp luật, bình dân gọi là “đói ăn vụng, túng làm liều”. Nếu mang tư duy “con buôn” thể hiện qua hành vi đó, họ có thể bị “đào thải” trước khi cơ quan chức năng điều tra, xử lý.

Tinh thần thượng tôn pháp luật ngày càng cao

Doanh nhân khối tư nhân tại các quốc gia có nền kinh tế mới nổi như Việt Nam đều hiểu được việc họ có nhiều cơ hội hơn khi đồng hành cùng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, chiến lược phát triển tổng thể của đất nước. Với Chính phủ kiến tạo và hỗ trợ như hiện nay, thông tin chính sách minh bạch và dễ tiếp cận hơn, cơ chế tương tác hai chiều Nhà nước - doanh nghiệp cởi mở hơn...

Việc tuân thủ pháp luật của doanh nhân, sự đúng đắn trong hoạt động doanh nghiệp ngày càng tiến bộ theo thời gian. Những người cố tình vi phạm hay tiếp tục sử dụng “vùng xám”, “lỗ hổng” pháp luật sẽ không được chấp nhận như một lẽ đương nhiên, kể cả từ chính quyền và dư luận xã hội, chứ không thể đổ lỗi cho cơ chế.

Tất nhiên, có các vụ việc doanh nhân vô tình vi phạm pháp luật, gây ra sóng gió, thậm chí đổ vỡ hoạt động của doanh nghiệp. Đó là khủng hoảng pháp lý trong kinh doanh. Việc này có thể kiểm soát và phòng ngừa khi doanh nhân có tinh thần thượng tôn pháp luật.

Thách thức khách quan đối với năng lực tuân thủ pháp luật

Mặc dù vậy, chúng ta cần có cái nhìn công bằng với trường hợp doanh nhân/nhà đầu tư tuân thủ pháp luật ở cấp độ cơ bản nhưng vẫn chịu những rủi ro pháp lý, rủi ro kinh doanh bởi các thách thức mang tính khách quan.

Biến động địa chính trị trên thế giới, dịch bệnh Covid-19 và sự phát triển của khoa học công nghệ là các nhân tố dẫn đến nhiều chính sách không còn phù hợp và cần điều chỉnh, kéo theo chính sách kinh doanh thay đổi để thích ứng.

Một là, sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật và tính thống nhất giữa quy định và thực thi gây cản trở hoạt động kinh doanh. Nhà đầu tư sợ nhất tình trạng thiếu nhất quán, gọi là “trên trải thảm, dưới rải đinh” và “cơ chế một cửa (ra vào) nhưng nhiều phòng”. Cơ chế chưa hoàn thiện dễ dẫn đến tiêu cực, “vi rút tham nhũng” có môi trường để phát triển.

Hai là, khi các hiệp định thương mại tự do hay liên minh các khu vực được thiết lập phổ biến tạo ra cơ hội kinh doanh, nhưng cũng có thách thức trong việc tuân thủ các quy định trong giao thương quốc tế. Về vấn đề này, doanh nghiệp Thái Lan có sự hỗ trợ của chính phủ trong kết nối thị trường, có sự tham vấn pháp lý từ nhiều phía... Chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm các nước để kiến tạo môi trường cho doanh nhân Việt tích cực đi ra thế giới, không để họ mãi “tự bơi” với tinh thần tự mày mò.

Ba là, mạng xã hội phát triển tạo ra nhiều “cơ quan tài phán” và “cơ quan điều tra” ảo đối với hoạt động doanh nghiệp khi phát hiện ra hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo đó, cộng đồng mạng có thể triệt tiêu (đóng cửa) một doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) hay một doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup) trước áp lực từ dư luận, dù cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận, những người có trách nhiệm chưa có ý kiến gì.

Doanh nghiệp vi phạm tất nhiên phải bị xử lý, nhưng cần đúng đối tượng và đúng mức độ bởi cơ quan có thẩm quyền, chứ không thể đến từ cộng đồng mạng với không ít hành vi cố tình “truyền thông bẩn” với mục đích tống tiền hoặc trục lợi.

Tăng cường vai trò của báo chí chính thống

Ở góc độ truyền thông tài chính, báo chí chính thống là kênh thông tin tin cậy, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư tài chính, nơi có các cổ đông không tham gia điều hành doanh nghiệp.

Trong “cuộc chiến” bảo vệ các doanh nghiệp, doanh nhân chân chính trước các hành vi “truyền thông bẩn”, báo chí chính thống cần có thái độ cảnh giác và hành xử quyết liệt. Báo chí chính thống phải là người tiên phong trong công cuộc chiến với “truyền thông bẩn” trong thông tin kinh doanh.

Một trong những việc có thể hành động hàng ngày là giúp cơ quan chức năng nhanh chóng có chế tài với các KOL, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội khi họ đưa thông tin sai lệch (hoặc chưa chuẩn xác) trong khi chưa có kết luận từ người có thẩm quyền hay phán quyết của cơ quan tài phán.

Chúng tôi luôn đặt niềm tin vào các ấn phẩm báo chí chính thống trong ngành kinh tế, tài chính như hệ thống ấn phẩm của Báo Đầu tư hiện nay đang chủ động trong các đề tài về pháp luật kinh tế. Báo chí chính thống còn đưa ra các góc nhìn cho các nhà đầu tư, doanh nhân hiểu rõ các quy định pháp luật cần thiết để tránh vô tình vi phạm.

Trách nhiệm tuyên truyền pháp luật của Nhà nước cần được đồng hành bởi các cơ quan báo chí và các tổ chức, cá nhân đang làm việc trong môi trường đầu tư, kinh doanh. Việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho doanh nhân sẽ có đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Tin bài liên quan