Tăng giá điện là cần thiết, nhưng đừng giật cục

0:00 / 0:00
0:00
Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 của Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đặc biệt là giá điện. 
PGS-TS. Ngô Trí Long.

PGS-TS. Ngô Trí Long.

“Thực ra, việc điều chỉnh tăng giá bán điện đã được nghiên cứu từ lâu, vấn đề là đừng điều chỉnh giật cục”, chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Câu chuyện về tăng giá bán lẻ điện đang nóng lên sau khi Chính phủ cho phép nghiên cứu điều chỉnh giá bán điện. Thưa ông, đã bắt đầu vào hè nên tăng giá điện càng trở lên nhạy cảm?

Nghị quyết 50/NQ-CP yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương xây dựng phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý; đánh giá kỹ tác động, chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, đặc biệt là mặt hàng điện, xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu khác.

Kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý I vừa qua cũng khẳng định, đối với mặt hàng điện, dịch vụ hàng không, học phí, viện phí, các bộ, ngành có liên quan phải rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá để chủ động có phương án điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến thị trường, mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Nguyên tắc của việc điều chỉnh giá là có tăng, có giảm như điều chỉnh mặt hàng xăng dầu bán lẻ, nhưng với giá điện thì chỉ có điều chỉnh tăng, ngoại trừ vài lần giảm cho một số đối tượng trong thời gian diễn ra Covid-19. Vấn đề bây giờ là tăng giá điện phù hợp về mức độ và thời điểm, tránh gây cộng hưởng lạm phát.

Mùa hè đã đến, tiêu thụ điện tăng cao, vì thế, tăng giá bán điện trong những tháng hè liệu có phù hợp?

Nếu giảm giá dịch vụ công, viện phí, học phí, giá điện, xăng dầu thì lúc nào cũng phù hợp; ngược lại, khi tăng giá thì không lúc nào là phù hợp. Đây là tâm lý chung của xã hội, của người tiêu dùng.

Việt Nam đang theo đuổi cơ chế thị trường, mà đã là thị trường thì giá cả phải có tăng, có giảm. Đối với mặt hàng điện và những loại hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá thì việc tăng hay giảm không chỉ phải phù hợp với diễn biến thị trường, các yếu tố hình thành giá, mà còn phải tính đến tác động đối với kinh tế - xã hội, đời sống của người dân, ổn định kinh tế vĩ mô và phải kiểm soát được lạm phát.

Trong quý I năm nay, tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm GDP. Trong xã hội hiện đại, mọi sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, kể cả sản xuất thủ công cũng không thể thiếu điện, nếu không kịp thời điều chỉnh giá điện, ngành điện không còn tiền để đầu tư thì khả năng thiếu điện trong tương lai gần sẽ xảy ra. Trường hợp thiếu điện hoặc chất lượng điện không bảo đảm thực sự là tai họa với cả nền kinh tế.

Vậy theo ông, tăng giá điện bao nhiêu là hợp lý?

Rất khó nói tăng bao nhiêu là hợp lý. Trong cơ chế thị trường, đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, vấn đề là làm sao định giá sát với giá thị trường, không sát giá thị trường thì không ngành nghề nào tồn tại được.

Đợt tăng giá bán lẻ điện bình của Việt Nam gần nhất là vào tháng 3/2019. Từ đó đến nay, giá đầu vào của ngành điện tăng mạnh khiến giá điện của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với bình quân trên thế giới và cũng thuộc diện thấp nhất khu vực ASEAN, chỉ bằng 51% so với Philippines - quốc gia có giá điện cao nhất khu vực.

Việc kìm giá điện quá lâu, quá mức đã khiến ngành điện bị lỗ nặng. Năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị lỗ hơn hơn 26.235 tỷ đồng. Năm 2023, nếu không tăng giá bán lẻ điện bình quân, thì số lỗ còn lớn hơn nhiều.

Như vậy, để giải quyết số lỗ của EVN và bảo đảm cho ngành điện kinh doanh có lãi thì phải tăng giá bán lẻ điện rất cao, thưa ông?

Rất nhiều chính sách của Việt Nam được chuyên gia nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là giật cục. Điều hành giá điện giật cục tức là kìm giá quá lâu, đến khi không thể chịu được nữa, như cái lò xo bị nén xuống quá mức, khi bật tăng thì tăng rất mạnh. Nếu tăng ngay giá điện đủ để EVN giải quyết số lỗ cộng dồn mấy năm gần đây và bảo đảm kinh doanh có lãi thì vô cùng nguy hiểm, bởi ngay lập tức lạm phát sẽ tăng mạnh, đầu vào của doanh nghiệp tăng, sức cạnh tranh giảm mạnh.

Vì vậy, điều hành giá điện tuyệt đối không được giật cục, mà phải có lộ trình. Việc tăng giá điện đã được nghiên cứu từ lâu và đến thời điểm này, chắc chắn Chính phủ sẽ cho phép tăng, vấn đề là cần nghiên cứu lộ trình tăng, mỗi lần tăng bao nhiêu để tránh giật cục.

Nhiều chuyên gia cho rằng, điều hành giá bán lẻ điện cần phải như điều hành giá bán lẻ xăng dầu, tức là cứ 10 ngày điều chỉnh một lần. Quan điểm của ông thế nào?

Ý tưởng này rất hay, nhưng không phù hợp với trình độ của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Điện có tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội, bởi từ người nghèo đến người giàu, cơ quan, công sở, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang đều sử dụng điện. Vì vậy, nếu tăng/giảm liên tục không chỉ ảnh hưởng đến người dân, mà khiến doanh nghiệp rất khó tính toán trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tôi nghĩ rằng, vẫn điều chỉnh giá điện 6 tháng/lần theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điểu chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là phù hợp. Theo đó, hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu.

Tin bài liên quan