Tăng dự trữ ngoại hối - cần và khả thi?

Tăng dự trữ ngoại hối - cần và khả thi?

0:00 / 0:00
0:00
Dự trữ ngoại hối là chỉ tiêu rất quan trọng về nhiều mặt. Năm nay, Việt Nam cần và có khả năng tăng dự trữ ngoại hối.

Diễn biến dự trữ ngoại hối của Việt Nam có một số điểm đáng lưu ý. Theo đó, xu hướng cơ bản là tăng lên qua các năm. Cuối năm 2021 so với cuối năm 2001 đã tăng 105,606 tỷ USD, bình quân mỗi năm tăng hơn 5 tỷ USD, trong đó có 9 năm tăng cao hơn mức tăng chung.

Nói đó là “xu hướng cơ bản” bởi có 3 năm dự trữ ngoại hối đã bị giảm: năm 2015 giảm 5,939 tỷ USD, năm 2009 giảm 7,443 tỷ USD, năm 2010 giảm 3,980 tỷ USD. Quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam mấy năm gần đây đã vượt 3 tháng nhập khẩu (năm 2019 đạt 3,7 tháng, năm 2020 đạt 4,3 tháng, năm 2021 đạt trên 3,9 tháng, năm 2022 đạt 3 tháng).

Ngoài ra, quy mô dự trữ ngoại hối năm 2021 đứng thứ bậc khá hơn năm 2015 (tăng từ thứ 6 lên thứ 5 Đông Nam Á, từ thứ 17 lên 13 châu Á, từ thứ 38 lên thứ 21 thế giới) và thuộc loại khá của thế giới.

Sự cần thiết của việc tăng dự trữ ngoại hối xuất phát từ vai trò của quan trọng của chỉ tiêu này. Bên cạnh vai trò bảo đảm an toàn tài chính của quốc gia, dự trữ ngoại hối còn có nhiều vai trò cụ thể. Trong đó, khi dự trữ ngoại hối cao, Nhà nước có thể chủ động can thiệp thị trường ngoại hối, nợ quốc gia, ổn định tỷ giá, có nghĩa là góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô….

Ngoài ra, cần thiết phải tăng dự trữ ngoại hối, bởi theo một số nguồn tin, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sau khi đạt quy mô kỷ lục vào quý I/2022 đã sụt giảm để hỗ trợ tỷ giá, khi giá USD lên cao và nhiều nước trong khu vực, trên thế giới phá giá để ứng phó với USD-Index tăng cao. Hơn nữa, quy mô nhập khẩu giảm sâu (7 tháng đầu năm 2023 giảm 17,4% so với cùng kỳ). Và mục tiêu của Chiến lược tài chính đến năm 2030, trong đó thời kỳ 2021-2025 nợ nước ngoài ở dưới mức 50% GDP…

Một yếu tố đáng lưu ý khác là phải ổn định tỷ giá, khi bình quân 7 tháng so với cùng kỳ đã tăng 2,39% - vượt định hướng và có xu hướng tăng cao hơn trong cả năm. Tính đến ngày 15/8, tỷ giá đã vượt 24.000 VND/USD.

Tính khả thi của tăng dự trữ ngoại hối xuất phát từ nhiều điểm. Rõ nhất là xuất siêu hàng hóa trong 7 tháng năm 2023 liên tục tăng lên qua các tháng; sau 7 tháng đạt xấp xỉ 16,5 tỷ USD, dự báo năm 2023 sẽ là năm thứ 8 liên tiếp xuất siêu và có thể đạt mức kỷ lục, vượt xa mức kỷ lục gần 20 tỷ USD đã đạt được vào năm 2020.

Lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ thực hiện vốn đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt 11,58 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ và cao nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm qua. Kiều hối từ năm 2018 đến nay đã vượt 16 tỷ USD. Từ kết quả 7 tháng, dự đoán cả năm 2023 có thể vượt 19 tỷ USD.

Một yếu tố quan trọng là CPI bình quân qua các kỳ giảm dần từ đầu năm đến nay (tháng 1 là 4,89%, 2 tháng còn 4,6%, 3 tháng còn 4,18%, 4 tháng còn 3,84%, 5 tháng còn 3,55%, 6 tháng còn 3,29%, 7 tháng còn 3,12%), khả năng cả năm sẽ kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu. Tốc độ tăng giá USD thấp xa so với CPI trong 7 tháng (2,39% so với 3,12%) góp phần làm giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ…

Ngoài ra, các tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ, đặc biệt nợ nước ngoài/GDP đều ở mức thấp hơn mức trần theo quy định của Quốc hội.

Tất cả các yếu tố trên tạo thời cơ cho việc mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, đạt kỷ lục mới, vượt kỷ lục cũ (110 tỷ USD) đã đạt được vào quý I/2023. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp thu hút số VND đưa ra để trung hòa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

Tin bài liên quan