Tăng đầu tư cho khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo để thúc đẩy tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Nhân lực và khoa học - công nghệ góp phần quan trọng tạo động lực tăng trưởng. Để thúc đẩy tăng trưởng, cần chú trọng đầu tư cho khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo.

Tăng trưởng kinh tế ở đầu vào phụ thuộc vào lượng vốn đầu tư, số lượng lao động, nhưng quan trọng hơn là năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), bao gồm năng suất vốn (hiệu quả đầu tư), năng suất lao động và các yếu tố khác.

Những năm gần đây, tỷ trọng đóng góp của TFP vào tốc độ tăng GDP có xu hướng cao lên, chỉ bị giảm trong 2 năm đại dịch Covid-19 (2020 - 2021) và có xu hướng cao trở lại vào năm 2022.

Đây là kết quả của việc nâng cao hiệu quả đầu tư và năng suất lao động. Hiệu quả đầu tư được đo bằng hệ số ICOR, tức là để tăng 1 đồng GDP (giá so sánh), thì phải đầu tư bao nhiêu đồng vốn đầu tư (giá so sánh). Theo đó, ICOR cao thì hiệu quả đầu tư thấp và ngược lại.

ICOR của Việt Nam bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 6,96; giai đoạn 2011 - 2015 là 6,25; giai đoạn 2016 - 2019 là 6,14, cho thấy hiệu quả đầu tư có xu hướng tăng lên. Kết quả này có được một phần nhờ sự chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn đầu tư (tỷ trọng đầu tư từ ngoài nhà nước có hiệu quả đầu tư cao hơn tăng lên) và phần quan trọng do tác động của khoa học - công nghệ.

Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại cao (trong các năm từ 2016 đến năm 2019 đều tăng trên 6%, năm 2022 tăng khoảng 5,4% và mục tiêu 2023 tăng 5 - 6%). Ngoài yếu tố chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành có năng suất lao động thấp sang ngành có năng suất lao động cao, có yếu tố quan trọng là khoa học - công nghệ.

Đây cũng là biểu hiện của việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, số lượng lao động, sang dựa vào TFP, từ số lượng sang chất lượng.

Những năm gần đây, đầu tư cho khoa học - công nghệ được chú trọng hơn. Tỷ trọng nguồn kinh phí cho khoa học - công nghệ gồm có ngân sách nhà nước (năm 2015 là 33,05%, năm 2019 là 28,55%), ngoài ngân sách nhà nước (năm 2015 là 64,08%, năm 2019 là 62,33%) và ngoài nước (năm 2015 là 2,89%, năm 2019 là 4,12%)…

Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, hiện nay, các cấp đào tạo ở nước ta, từ mẫu giáo, phổ thông, tới trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học đều đạt quy mô lớn; nhiều chỉ số giáo dục đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 95,7% - thuộc loại cao trong khu vực. Các chỉ số về giáo dục cộng với tuổi thọ cao đã góp phần làm cho Chỉ số Phát triển con người (HDI) cao hơn nhiều nước có thu nhập bình quân đầu người cao hơn, thể hiện định hướng vì sự phát triển con người của Việt Nam.

Bậc giáo dục phổ thông hiện có trên 26.200 trường học, với gần 18 triệu học sinh và 813.000 giáo viên trực tiếp giảng dạy. Vấn đề đối với bậc học này hiện nay là cần chuẩn hóa việc phân chia trường, giáo viên, giáo trình, giảm số học sinh/lớp học, nhất là ở các đô thị lớn, quan tâm hơn nữa đến đội ngũ giáo viên.

Bậc giáo dục đại học, cao đẳng có 242 trường (ngoài công lập chiếm gần 27,3%), với 76.600 giáo viên (ngoài công lập chiếm 23,8%), hơn 1,9 triệu sinh viên, bình quân gần 195 sinh viên/1.000 dân, chưa đạt mục tiêu 200 sinh viên/1.000 dân đặt ra từ 15 năm trước. Điểm hạn chế của bậc giáo dục này là cơ cấu đào tạo ngành nghề còn bất hợp lý; còn khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực hành, giữa đào tạo và nhu cầu thị trường…

Giáo dục nghề nghiệp có trên 3.000 cơ sở (ngoài công lập chiếm 55,2%), với 84.000 giáo viên (ngoài công lập chiếm 43,5%). Số học sinh, sinh viên tốt nghiệp đạt 2,190 triệu (ngoài công lập chiếm 54,8%).

Có thể thấy, giáo dục ngoài công lập hiện chiếm tỷ trọng khá, xét về cả số trường, số giáo viên và số học sinh, sinh viên. Việc xã hội hóa đã thu hút nhiều nguồn lực của xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo trong cơ chế thị trường; các trường đại học công lập đang thực hiện chủ trương “tự chủ đại học” với nhiều nội dung.

Kết quả giáo dục - đào tạo góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo qua các năm: năm 2021 đạt 26,1% và kỳ vọng năm 2023 đạt mục tiêu 27,5%. Cơ cấu trình độ đào tạo có sự cải thiện, tuy nhiên, thị trường nhân lực của nước ta vẫn trong tình trạng “thày nhiều hơn thợ” và cần có giải pháp để khắc phục hiệu quả.

Tin bài liên quan