Bộ NN&PTNT đề xuất Thủ tướng xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Chỉ thị nhằm khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương những nhiệm vụ cụ thể và những vấn đề cần tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.
Cụ thể, đề xuất giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, dự báo và nắm chắc tình hình sản xuất, tăng cường phòng chống sinh vật gây hại, chủ động ứng phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết để bảo vệ an toàn các vụ sản xuất đảm bảo mục tiêu 43 triệu tấn lúa của năm 2023.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật để đảm bảo tăng khối lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam...
Đối với Bộ Công thương, cần tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu gạo trên cơ sở theo dõi chặt chẽ và dự báo sát tình hình xuất, nhập khẩu; nhu cầu tiêu thụ; giá cả lương thực trong khu vực và trên thị trường thế giới để có các biện pháp chủ động, linh hoạt điều tiết việc kinh doanh, xuất nhập khẩu gạo để đảm bảo nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan củng cố các thị trường truyền thống, chủ lực, tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Đồng thời phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ NN-PTNT chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
Kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào phục sản xuất nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật … để đảm bảo các điều kiện sẵn sàng cho sản xuất.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, bám sát đồng ruộng; chủ động và linh hoạt trong điều hành sản xuất lúa gạo đảm bảo đạt và vượt các mục tiêu năng suất, sản lượng theo kế hoạch trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định kỹ thuật và an toàn thực phẩm của Việt Nam cũng như nước nhập khẩu.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần chủ động nắm bắt các thông tin về thị trường lúa gạo thế giới, nhu cầu và năng lực của các thương nhân xuất nhập khẩu gạo để thông tin kịp thời đến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và cộng đồng sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam.
Tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ngành hàng gạo đặc biệt là đối với các thị trường quốc tế để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Gạo là điểm sáng xuất khẩu, 7 tháng 2023, ngành hàng này đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Triển vọng ngành gạo được đánh giá tích cực trong 5 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, và lệnh hạn chế xuất khẩu của một số quốc gia.
Bộ Công thương vừa ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện nghiêm túc quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo, thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước (Ấn Độ, UAE, Nga), để góp phần tiêu thụ thóc, gạo; bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, Bộ đề nghị VFA và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho; tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐCP nêu trên.
Chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu, kịp thời báo cáo Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo trên thị trường trong nước và quốc tế; đề xuất giải pháp phù hợp với bộ, ngành liên quan.