Tăng cường liên kết du lịch ĐBSCL và các tỉnh Tây Bắc

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 21/9, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cùng ngành du lịch các tỉnh ĐBSCL tổ chức Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với các tỉnh vùng Tây Bắc tại Lào Cai.
Lãnh đạo du lịch, doanh nghiệp du lịch ĐBSCL và các tỉnh Tây Bắc cùng ký kết hợp tác phát triển du lịch

Lãnh đạo du lịch, doanh nghiệp du lịch ĐBSCL và các tỉnh Tây Bắc cùng ký kết hợp tác phát triển du lịch

Với chủ đề “Kết nối - Hợp tác - Phát triển”, đây là hoạt động tiếp theo sự kiện Tuần Du lịch - Văn hóa Tây Bắc tại TP. Cần Thơ năm 2023, do nhóm hợp tác, phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc vào đầu tháng 7/2023, với nhiều nội dung quan trọng, hoạt động đặc sắc, được công chúng đón nhận, ngành du lịch ĐBSCL nhiệt tình hưởng ứng và để lại những ấn tượng khó phai trong lòng du khách về vùng đất hùng vĩ về thiên nhiên, hào hùng về lịch sử, độc đáo về bản sắc văn hóa.

Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL Lê Thanh Phong nhấn mạnh, tiếp nối thành công trên, Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với các tỉnh Tây Bắc tại Lào Cai lần này sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác, kết nối du lịch 2 vùng miền, ngày càng gần lại nhau hơn và cùng nhau phát huy tiềm năng để đưa du lịch hai vùng ở hai đầu đất nước cùng cất cánh.

Theo ông Phong, năm 2022, các tỉnh, thành đồng ĐBSCL đã thu hút hơn 37 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đón gần 27 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch hơn 26 nghìn tỷ đồng, đưa du lịch ĐBSCL phục hồi và tăng trưởng khá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng.

Ông Dương Hoàng Sum - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trà Vinh cho biết thêm, thông qua Hội nghị này, Trà Vinh sẽ giới thiệu đến du khách vùng Tây Bắc về du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng là thế mạnh của tỉnh Trà Vinh: Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, Điểm du lịch cộng đồng Cồn Hô, Điểm du lịch nông nghiệp hạnh phúc Sokfarm, làng văn hóa – du lịch Khmer… Khám phá nét văn hóa đậm màu sắc của cộng đồng các dân tộc tại Trà Vinh như: Lễ hội Ok Om Bok, lễ Chôl Chnâm Thmây, lễ Sen Đon ta của đồng bào dân tộc Khmer, lễ hội cúng biển Mỹ Long của ngư dân ven biển, lễ hội Vu lan của đồng bào Hoa,…

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch Lào Cai Hà Văn Thắng cho biết, với điều kiện địa lý, điều kiện tự nhiên vùng Tây Bắc và tiềm năng du lịch to lớn với nền văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc… Tây Bắc luôn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách ưa thích sự khoáng đạt, mạo hiểm muốn tìm đến thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, trải nghiệm nguyên bản về văn hóa, khí hậu đặc trưng.

Thông qua sự kiện này, các tỉnh vùng Tây Bắc sẽ không ngừng đưa hoạt động du lịch vùng Tây Bắc và ĐBSCL ngày càng kết nối chặt chẽ, để cùng khai thác những lợi thế cạnh tranh của các địa phương, cùng nhau nối vòng tay lớn, khai thác và phát huy hết những tiềm năng, lợi thế, để du lịch của hai vùng ngày càng phát triển nhanh và bền vững.

Phát biểu chỉ đạo, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam biểu dương, đánh giá cao hoạt động kết nối, phát triển du lịch hai vùng miền, đóng góp vào thành công chung của phát triển du lịch. Khẳng định hai vùng còn rất nhiều dư địa để phát triển du lịch khi được thiên nhiên ưu đãi về giá trị tài nguyên thiên nhiên, khí hậu đa dạng và phong phú, lợi thế về du lịch biển đảo, sông nước; du lịch địa hình đồi núi; du lịch về văn hóa - lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch sinh thái... Thông qua hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch này sẽ tạo điều kiện cơ hội cho doanh nghiệp hai vùng miền kết nối hợp tác phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Tin bài liên quan