Tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI để phát triển

Tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI để phát triển

(ĐTCK) Nền kinh tế Việt Nam như một chiếc xe, chiếc xe đó không thể vận hành trơn tru nếu chỉ có một bánh là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động mạnh mẽ, mà cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các bộ phận.

Mối liên kết quan trọng

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông ví von về tầm quan trọng của mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài như vậy tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 (VBF 2017), khai mạc ngày 16/6 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, trong 3 thập kỷ vừa qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào ưu thế lao động trẻ, khai thác tài nguyên thô…

Tuy nhiên, khi các nguồn lực này giảm dần, động lực cho tăng trưởng dần bị thu hẹp, nguy cơ bẫy thu nhập trung bình đang hiện hữu, thì dòng vốn FDI được xem là sức sống mới cho nền kinh tế để đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh và bền vững.

“Chính phủ chủ trương thu hút FDI đồng thời với phát triển khu vực tư nhân trong nước. Tuy nhiên, FDI phải chất lượng cao hơn, thân thiện với môi trường, công nghệ tiên tiến, có khả năng dẫn dắt, đồng thời hỗ trợ khu vực trong nước cùng phát triển để tham gia vào chuỗi công nghệ và cung ứng toàn cầu. Do đó, việc tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa khu vực kinh tế trong nước và FDI là vấn đề quan trọng hiện nay”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Trước nhu cầu hội nhập và phát triển, nhằm bắt kịp với xu thế phát triển toàn cầu và thúc đẩy mối liên kết với các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn lớn của thế giới để lớn mạnh, ông Đông cho rằng, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải biết nắm bắt thời cơ, xây dựng chí hướng lớn với tinh thần dám nghĩ, dám làm và khát vọng bay cao, bay xa thì mới có thể lớn mạnh, tham gia vào sân chơi chung với các tập đoàn trong khu vực và trên thế giới.

Doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển lâu dài, đứng vững trước bối cảnh hội nhập cần áp dụng tiến bộ khoa học, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, có phương pháp quản trị tiên tiến và vận hành chuyên nghiệp.

Doanh nghiệp Nhật mong được kết nối

Ông Hirohide Sagara - Trưởng đại diện Tập đoàn Marubeni tại Việt Nam, đồng Chủ tịch VBF cho biết, việc xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp trong nước là một trong những chiến lược quan trọng của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam, trong đó trường hợp các doanh nghiệp Nhật Bản là ví dụ điển hình.

Đây cũng là lý do giải thích tại sao hầu hết doanh nghiệp Nhật đều đưa ra đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc kết nối với các doanh nghiệp trong nước trong báo cáo hoạt động sản xuất - kinh doanh được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố hàng năm.

Theo ông Hirohide Sagara, sự thay đổi của các chính sách toàn cầu đã đặt ra nhiều cơ hội, thách thức và yêu cầu đổi mới cho Việt Nam, tác động mạnh mẽ tới việc thu hút đầu tư vào khu vực tư nhân, trong đó liên kết giữa doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.

Tiềm năng để phát triển các mối liên kết này đã được nhìn nhận rõ, song Việt Nam vẫn chưa tận dụng được những lợi ích từ các dòng vốn FDI.

Thực tế, mối liên kết thường xuyên và hoạt động kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn mờ nhạt, hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Đây là điều cần được khắc phục trong thời gian tới để có thể tăng cường mối liên kết giữa hai khu vực trong và ngoài nước, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển của chính các doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ

Đánh giá cao chủ đề của diễn đàn và tính thiết thực của việc đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, đây là một trong những vấn đề quan trọng được Chính phủ quan tâm.

Phó Thủ tướng tán thành sáng kiến thiết lập các cuộc đối thoại ngồi lại với nhau giữa các hiệp hội và doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm giải pháp kết nối thành công hai khu vực kinh tế quan trọng này.

“Chính phủ Việt Nam coi thành công của doanh nghiệp FDI là thành công của mình. Tôi mong doanh nghiệp FDI coi thành công của doanh nghiệp Việt Nam cũng như vậy”, Phó Thủ tướng nói và tái khẳng định quan điểm của Việt Nam coi FDI là một bộ phận hữu cơ, quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Theo đó, Chính phủ tiếp tục chủ trương thu hút mạnh mẽ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, tuy nhiên thu hút có chọn lọc với việc ưu tiên doanh nghiệp FDI phù hợp định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, quản trị tốt, có thị trường và sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để cả hai khu vực hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Để giải quyết sự lệch pha còn hiện hữu giữa hai khu vực, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cải cách để tạo môi trường, điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cả khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước phát triển. Chính phủ cũng sẽ có chính sách để kết nối thành công hai khu vực kinh tế này trong một nền kinh tế thống nhất, để các doanh nghiệp đủ sức mạnh tham gia chuỗi giá trị khu vực, thế giới, nâng cao khả năng cạnh tranh.

“Cần tập trung nguồn lực để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp tư nhân”

Tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI để phát triển ảnh 1

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam 

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp PCI 2016, chỉ có khoảng 14% doanh nghiệp tư nhân có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Tín hiệu tích cực là con số này có dấu hiệu cải thiện theo thời gian, dù chậm.

Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn là các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thấp và có xu hướng sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước ít hơn. Nguyên nhân của vấn đề này do doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế trong thông tin kết nối cung cầu, chưa đáp ứng những tiêu chuẩn về quản lý sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Để tăng mức độ kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và khu vực tư nhân, doanh nghiệp trong nước cần tăng chất lượng nguồn nhân lực, rút ngắn khoảng cách về công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh - là chìa khóa thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI.

Chính nội lực yếu nên chưa tranh thủ được ngoại lực. Việt Nam cần phải tập trung nguồn lực nhiều hơn nữa để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ cần nhanh chóng hiện thực hoá các chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, Chính phủ khi xây dựng khu công nghiệp riêng cho khu vực FDI cần tính đến sự nối kết với các khu, cụm công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Môi trường pháp lý thuận lợi là nhân tố thiết yếu"

Tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI để phát triển ảnh 2

 Ông Fred Burke, Trưởng nhóm Công tác đầu tư và thương mại, VBF

Giảm thiểu các rào cản đối với sự hợp tác hiệu quả giữa các công ty trong nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài và công ty nước ngoài thì Việt Nam mới có thể trở thành một nhân tố then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những thất bại gần đây về hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến cho cải cách hành chính trong nước trở nên quan trọng hơn bao giờ hết nhằm phát huy tối đa tiềm năng của các doanh nghiệp trong nước. Việc tạo thuận lợi thương mại, Hiệp định WTO mới có thể tiết kiệm 20% chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam thành lập Ủy ban quốc gia về tạo thuận lợi thương mại để gỡ bỏ những trở ngại đối với doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài trong việc hợp tác hiệu quả. Tuy nhiên, các yêu cầu mới về cấp phép đã cản trở sự phát triển của chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam cần được giúp đỡ để tuân thủ các quy định về thuế, thay vì bị làm khó do các thay đổi trong quy định để có thể tuân thủ các yêu cầu của đối tác quốc tế.

Môi trường pháp lý thuận lợi là nhân tố thiết yếu đối với sự thành công của doanh nghiệp Việt Nam, bởi họ sẽ không thể tham gia chuỗi cung ứng quốc tế do không tuân thủ các quy định quốc tế nghiêm ngặt về đạo đức kinh doanh cũng như tiếp cận nguồn tài chính từ các tổ chức quốc tế. Như vậy, chuẩn mực kế toán Việt Nam cần phải được điều chỉnh phù hợp hơn với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.

Tin bài liên quan