Theo Ban tổ chức, Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thuỷ sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng gây nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng. Thêm vào đó, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tới 2030 dự kiến xây dựng 14 nhà máy nhiệt điện than ở các vùng ven sông và ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ đặt thêm những áp lực và trở ngại lớn cho các nỗ lực ứng phó và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu tại vùng đồng bằng này.
Các tham luận tại Hội thảo hướng tới các mục tiêu nhận diện những thách thức đối với an ninh nguồn nước ở đồng bằng sông Cửu Long, trong mối liên hệ với phát triển năng lượng nhiệt điện và biến đổi khí hậu; chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội và giải pháp đảm bảo cân bằng an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng ở Đồng bằng sông Cửu Long.