Tăng chi tiêu công để kích cầu

Tăng chi tiêu công để kích cầu

(ĐTCK) Trong bối cảnh DN bí đầu ra sản phẩm, ngân hàng bí đầu ra cho dòng vốn, làm sao để tăng tổng cầu cho nền kinh tế vẫn là vấn đề nóng nhất trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 30/5 của Quốc hội về giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Tăng chi tiêu công để kích cầu ảnh 1

Nâng mức bội chi để trả nợ DN

Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ nhằm phục hồi kinh tế, nhưng theo nhiều đại biểu Quốc hội, tình hình thực tế vẫn chưa biến chuyển như mong đợi với những nghịch lý tồn kho cao, sức cầu yếu, ngân hàng thừa tiền mà không thể cho vay, DN thiếu vốn nhưng không thể tiếp cận…

Theo báo cáo của Chính phủ, lãi suất cho vay phổ biến đối với một số lĩnh vực được ưu tiên hiện ở mức 9 - 11%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác ở mức 11 - 13%/năm trong khối NHTM nhà nước, 12 - 15%/năm ở khối NHTM cổ phần. Như vậy, ở phía đầu vào, nguồn vốn đã có với lãi suất về mức hợp lý để đầu tư sản xuất - kinh doanh, song tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,29% trong 5 tháng đầu năm. Nguyên nhân cơ bản là do đầu ra không có nên DN chỉ sản xuất cầm chừng, những DN có nhu cầu vay vốn lại vướng mắc về nợ quá hạn.

Do đó, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP. Hải Phòng) cho rằng, cốt lõi của vấn đề  là phải xử lý nợ xấu để khơi thông dòng tiền, đưa vốn vào sản xuất; kèm theo đó, phải có giải pháp kích cầu, giải phóng hàng tồn kho.

Nhưng đặt ra vấn đề kích cầu lại dẫn đến câu chuyện lựa chọn chính sách mục tiêu tăng trưởng hay kiềm chế lạm phát. Theo đại biểu Lê Đắc Lâm (tỉnh Sóc Trăng), để kiềm chế lạm phát trong thời gian qua, tăng trưởng đã bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều công trình, dự án dở dang, gây lãng phí nguồn vốn. Bởi vậy, cần bố trí nguồn vốn để hoàn thành nốt các dự án, công trình sắp hoàn thành. Tăng đầu tư có thể khiến lạm phát nhích lên, nhưng nếu dự án được đầu tư hiệu quả sẽ mang lại giá trị cho tăng trưởng. Phần việc này đòi hỏi sự chủ động vào cuộc của Nhà nước, bởi có thể nói, DN và ngân hàng đã thực sự hết cách.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đán (tỉnh Bình Dương) đồng tình với việc tiếp tục đầu tư cho các dự án dở dang nhưng lưu ý nên có sự lựa chọn, chẳng hạn dự án đã hoàn thành trên 80%, dự án trọng điểm thì tiếp tục đầu tư.

“Kiềm chế lạm phát vẫn phải là mục tiêu ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng cần giữ mức tăng trưởng hợp lý”, đại biểu Đán nói.

Đối với những e ngại về lạm phát, theo đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM), lạm phát không còn là con ngựa bất kham và đây là cơ hội cho chúng ta thực hiện biện pháp mạnh để tái cơ cấu, hướng tới mục tiêu dài hạn mà trước đây không dám thực hiện do những bất ổn của kinh tế vĩ mô. Nếu không đạt được mức độ tăng trưởng kinh tế 7 - 8% mỗi năm trong trung hạn thì khó thực hiện được công nghiệp hóa cũng như không có nguồn lực để giải quyết các vấn đề xã hội. Hơn nữa, với sức mua hiện nay, giai đoạn 2013 - 2014, nền kinh tế không quá lo về lạm phát.

Do đó, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị tăng mức bội chi lên hơn mức 4,3% nhằm trả nợ đọng xây dựng cơ bản, trả một số khoản ngân sách nợ DN. Trong điều kiện khả năng hấp thụ nguồn vốn hạn chế thì đầu tư công, chi tiêu công phải làm nhiệm vụ kích cầu, khi sức cầu trở lại thì mới có thể cung vốn tín dụng theo cơ chế thị trường.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng nhấn mạnh ưu tiên phục hồi kinh tế và cho rằng, những giải pháp hỗ trợ về thuế phải đi kèm với kích cầu. Nếu không tăng được sức mua thì việc miễn, giảm thuế sẽ không có ý nghĩa.

 

Từ lạm phát bị động sang chủ động

Bên cạnh các giải pháp tình thế để gỡ khó trước mắt, các đại biểu Quốc hội lưu ý, cần xây dựng kế hoạch, giải pháp có tính dài hơi. Đại biểu Trần Du Lịch đề xuất, trong 2,5 năm còn lại của kế hoạch 5 năm, chúng ta phải xây dựng chương trình mục tiêu trung hạn: phục hồi tăng trưởng kinh tế và chính sách chủ đạo là lạm phát mục tiêu, chuyển từ lạm phát bị động sang lạm phát chủ động với mức tăng CPI khoảng 6,5 - 7% trong các năm 2013 - 2015 và giảm dần xuống dưới 5% trong các năm tiếp theo. Như vậy, cần có sự chủ động để phối hợp 3 chính sách: tiền tệ, chi tiêu công và thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước đang kiểm soát, đảm bảo cân bằng mục tiêu lạm phát và tăng trưởng.

“Trong khuôn khổ lạm phát mục tiêu như vậy, tôi đề nghị phối hợp chính sách tiền tệ và chi tiêu công để làm sao trong 3 năm đó, tổng đầu tư xã hội đạt mức 30 - 32% GDP, giúp tạo tiền đề cho sự phát triển giai đoạn sau”, ông Trần Du Lịch nói.                                               

 

Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN Việt Nam

Trong phiên họp chiều 30/5, mặc dù chưa đến nội dung trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, nhưng Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã được yêu cầu giải trình trước Quốc hội về tình hình nợ xấu và thị trường vàng. Theo Thống đốc, tính từ tháng 4/2012 đến nay, tổng số nợ mà hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại cho nền kinh tế, cho các DN đã lên tới 284.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ.

Bên cạnh đó, năm 2012, hệ thống ngân hàng đã xử lý được 70.000 tỷ đồng nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro và hiện vẫn đang tiếp tục xử lý nợ xấu bằng nguồn này. Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) ra đời sẽ giải quyết được 40.000 - 70.000 tỷ đồng nợ xấu ngay trong năm 2013. Bên cạnh đó, Thống đốc cam kết giải ngân 15.000 - 20.000 tỷ đồng từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng ngay trong năm nay để hỗ trợ giải quyết tồn kho bất động sản.

Về thị trường vàng, Thống đốc NHNN cho biết, tính đến ngày 3/5/2013, các ngân hàng đã tất toán trên 80% số dư huy động vốn bằng vàng (hơn 100 tấn). Đồng thời, những biện pháp quản lý triển khai gần đây đã có hiệu quả tích cực mà bằng chứng là trước đây, chỉ cần giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau 400.000 đồng là lập tức có biến động tỷ giá, nhưng nay có lúc chênh lệnh giá vàng nội ngoại lên tới 5 - 6 triệu đồng, nhưng tỷ giá và thị trường vàng vẫn ổn định, không xuất hiện những cơn “sốt” vàng như trước đây.

Về chênh lệch giá vàng nội - ngoại, giải trình của người đứng đầu NHNN cho rằng, trước đây khi có sự chênh lệch giá thì xảy ra buôn lậu, ảnh hưởng thị trường ngoại hối và để bình ổn thị trường này NHNN phải can thiệp bằng cách cho nhập khẩu vàng. Đây chỉ là mục tiêu tình thế để hạn chế tác động tiêu cực của thị trường vàng. Trong khuôn khổ pháp lý mới, mặc dù giá vàng nội - ngoại chênh lệch nhiều nhưng tỷ giá vẫn ổn định, giá vàng chênh lệch cũng làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng. Về trung và dài hạn, chênh lệch giá vàng sẽ được thu hẹp. Đối với khoản thu từ mức chênh lệch do giá đấu thầu NHNN bán ra với giá thế giới, NHNN khẳng định, can thiệp thị trường vàng không vì mục tiêu lợi nhuận mà chỉ nhằm điều tiết và quản lý nhà nước đối với thị trường và khoản chênh lệch thuộc về ngân sách nhà nước.

 

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Quốc hội

Có một số ý kiến đánh giá tình hình kinh tế xấu hơn so với báo cáo của Chính phủ, đặt vấn đề số liệu báo cáo liệu có đúng thực tế? Ở đây, chúng ta phải hiểu là các đại biểu Quốc hội cung cấp cái nhìn của cử tri, tức là cái nhìn của những người bị tác động bởi chính sách điều hành. Còn báo cáo của Chính phủ là báo cáo của cơ quan quản lý nhà nước, dựa trên số liệu mà cơ quan quản lý thu được.

Đơn cử như chỉ số niềm tin, điều tra cho thấy 48% DN đánh giá chính sách yếu tế kinh tế vĩ mô là nguy cơ lớn nhất gây ra rủi ro, 22% DN đánh giá lao động Việt Nam là yếu tố rủi ro cho DN vì khả năng nhảy việc lớn, vì trình độ tay nghề còn thấp. Như vậy, 2/3 nguyên nhân cho những rủi ro của DN xuất phát từ vấn đề nội tại của nền kinh tế. Đây là điều đáng lo. Hay như chỉ số phòng chống tham nhũng, năm 2011 chỉ có 28% DN thừa nhận có “bôi trơn” thì công việc mới “chạy”, nhưng cùng một mẫu điều tra như cũ, tỷ lệ này đã là 41% vào năm 2012. Tức là sau một năm, số lượng DN cảm nhận có “bôi trơn” mới được việc đã tăng gấp rưỡi. Thế giới cũng đánh tụt 11 hạng về đấu tranh phòng chống tham nhũng, minh bạch, công khai trong chính sách của Việt Nam . Ở góc độ của các đại biểu Quốc hội, chúng ta cung cấp thêm góc nhìn như thế, để thấy rõ hơn toàn cảnh bức tranh môi trường kinh doanh hiện tại.

“2/3 rủi ro xuất phát từ vấn đề nội tại”
“VAMC sẽ giải quyết 40.000 - 70.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013”