Tại Diễn đàn Chính sách cạnh tranh quốc gia do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, cạnh tranh là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường, là động lực giúp đạt được hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Cạnh tranh cũng là động lực để doanh nghiệp vươn lên và phát triển...
“Vậy mà tư duy sợ cạnh tranh vẫn đang hiện hữu trong quản lý nhà nước, khiến nền kinh tế kém hiệu quả, làm hao mòn nguồn lực và tiềm năng của quốc gia…”, ông Cung nhận xét.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng, “ngại” cạnh tranh là như vậy, song cơ quan quản lý nhà nước vẫn “thích” quản lý, thậm chí là “nghiện” quản lý. Cũng bởi thị trường nặng về quản lý, thiếu cạnh tranh, nên quản lý nhà nước mất đi vai trò cốt yếu là phân bổ nguồn lực, mà chủ yếu là “xin-cho”, từ đó tạo ra tình trạng “sân trước, sân sau”.
“Có một thực tế khá phổ biến là các cơ quan soạn thảo pháp luật khi lý giải cho mục tiêu của một chính sách, mục đích của một quy định, hay một đạo luật chuẩn bị ban hành vẫn luôn lấy lý do là nhằm ‘đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước’, hay để ‘tăng cường quản lý nhà nước’.
Nhưng thực chất, những văn bản pháp lý cũng như hàng ngàn điều kiện kinh doanh đã được ban hành lại chưa đạt được mục tiêu này, mà ngược lại, còn gây hiệu ứng ngược, khiến chi phí kinh doanh trở nên đắt đỏ, tạo ra nhiều rào cản trong gia nhập thị trường đối với doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng cho rằng, tình trạng lạm dụng ban hành các điều kiện kinh doanh của một số bộ, ngành thời gian qua vừa khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, vừa khiến Nhà nước phải mất rất nhiều công sức rà soát để cắt giảm bớt các điều kiện kinh doanh và giải quyết hậu quả.
Ông Đậu Anh Tuấn nêu dẫn chứng, việc quy định chỉ một số doanh nghiệp được thu mua lúa gạo với giá sàn tại một thời kỳ đã tạo nên một nhóm doanh nghiệp thống lĩnh, độc quyền trong kinh doanh lúa gạo.
“Điều này hạn chế sự cạnh tranh của các doanh nghiệp khác trong việc tiêu thụ lúa gạo, làm giảm năng lực hoạt động và hiệu quả của ngành lúa gạo nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung…”, ông Tuấn nói.
TS. Trần Mai Hiến, Chánh Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh quốc gia thẳng thắn chỉ ra những vi phạm điển hình của cơ quan quản lý nhà nước trong cạnh tranh, đó là tình trạng chỉ định sử dụng hàng hóa dịch vụ; đưa ra rất nhiều chuẩn mực nghề nghiệp; phân cấp cho các đơn vị chuyên ngành…
“Không chỉ các bộ, ngành, mà các địa phương cũng đặt ra các quy định, điều kiện, chuẩn mực chuyên môn, đặc thù theo vùng miền, khu vực… Điều này tạo ra ngày càng nhiều rào cản trong cạnh tranh và gia nhập thị trường cho doanh nghiệp.
Hệ lụy của việc phải đối mặt với gánh nặng quá lớn về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh khắt khe là doanh nghiệp giảm động lực hướng tới hoạt động kinh doanh chân chính, mà thay vào đó là các hoạt động ‘ngầm’, hoạt động phi chính thức...”, ông Hiến nói.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, xét về thể chế về cạnh tranh, hiện nay, tuy Việt Nam đã có pháp luật về cạnh tranh (Luật Cạnh tranh), cũng như cơ quan quản lý, hiệp hội về cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh, Hội đồng Cạnh tranh quốc gia), song hầu như vẫn chưa phát huy được vai trò quản lý cạnh tranh thực sự.
“Cơ quan quản lý cần thay đổi cách quản lý theo kiểu ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’ như hiện nay; phải tách bạch rõ ràng các chức năng, nhiệm vụ để loại bỏ đặc quyền, đặc lợi ra khỏi hoạt động xây dựng chính sách, đảm bảo tính cạnh tranh và minh bạch của hệ thống thể chế; giám sát, ngăn chặn việc ra các giấy phép mới; tăng cường vai trò rà soát, phản biện của các cơ quan độc lập, các tổ chức và hiệp hội…”, đại diện VCCI đề xuất.
TS. Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM khuyến nghị bổ sung thêm chức năng, vai trò phản biện chính sách cạnh tranh vào Dự thảo Luật Cạnh tranh đang được Bộ Công thương soạn thảo để đảm bảo kiểm soát được hoạt động cạnh tranh, tránh cản trở hoặc làm méo mó cạnh tranh…