
Liên tục khoảng hơn 1 tuần nay, cổ phiếu APG có các lệnh mua lớn từ khối ngoại, riêng 2 phiên 24-25/3 có lệnh thoả thuận hơn 7 triệu cổ phiếu, phiên 27/3 khối ngoại mua khớp lệnh thêm hơn 1,6 triệu đơn vị. Tổng cộng chỉ riêng 3 phiên này, ngoại khối đang sở hữu hơn 8,67 triệu cổ phiếu.
Phiên hôm nay (31/3), nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng hơn 900.000 cổ phiếu APG. Tính đến 31/3/2025, nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu gần 10% vốn tại APG (vốn điều lệ sau phát hành khoảng 2.300 tỷ đồng).
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều khả năng APG sắp chào đón cổ đông lớn nước ngoài.
Nhìn lại các nội dung nghị quyết APG công bố cũng cho thấy, công ty chứng khoán này sau tái cơ cấu đang đẩy mạnh hợp tác kinh doanh cùng các đối tác nước ngoài, chẳng hạn việc APG muốn vay số tiền 16 triệu USD, tương đương 300 tỷ đồng, từ công ty/quỹ đầu tư nước ngoài để bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh.
Nhìn lại thời gian từ sau khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 lần 2 thành công, với tờ trình quan trọng là bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2022 – 2026, APG có nhiều chuyển động đáng chú ý.
Trước tiên là tái cơ cấu danh mục đầu tư, mạnh tay cắt lỗ, nổi trội là việc bán ra hàng triệu cổ phiếu GKM và LDP khiến kết quả kinh doanh quý IV/2024 lỗ 51 tỷ đồng, đưa số lỗ năm 2024 lên gần 150 tỷ đồng. Mới đây, mã APG bị Sở GDCK TP.HCM (HOSE) cắt margin với nguyên nhân lợi nhuận sau thuế trên BCTC kiểm toán 2024 là số âm. Đây là kết quả đã được dự báo từ trước.
Song song đó, nằm trong kế hoạch tái cấu trúc, APG cũng quyết liệt đóng cửa toàn bộ chi nhánh/phòng giao dịch tại Hà Nội và chuyển trụ sở vào quận 3, TP.HCM.
Trong giai đoạn 2025 - 2030, APG dự kiến quy mô doanh thu và lợi nhuận sẽ đạt gần 1.680 tỷ và 838 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty cũng định hướng trở thành công ty chứng khoán cung cấp giải pháp đầu tư và quản lý tài sản hàng đầu tại Việt Nam.