Công ty Quốc Cường Gia Lai
Sau hơn 1 năm kể từ khi Công ty Quốc Cường Gia Lai chính thức nộp đơn kiện Công ty Sunny Island ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai mới chính thức lên tiếng về diễn biến của vụ việc này.
Bà Loan cho biết, rất cảm ơn Công ty Sunny Island đã đầu tư vào dự án, nhưng Sunny Island đã “đầu tư không tới, trả tiền không đạt theo kế hoạch đã cam kết trong hợp đồng”. So với các điều khoản trong hợp đồng, họ đã vi phạm, vì vậy Quốc Cường Gia Lai kiện ra VIAC để phân xử. Bà Loan khẳng định, nếu Quốc Cường Gia Lai sai thì đã không dám đi kiện.
Hiện VIAC đã đưa vụ việc ra tranh tụng 1 lần và khả năng đến sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ có phán quyết.
Theo hợp đồng ký kết vào quý I/2017 giữa Công ty Quốc Cường Gia Lai và Sunny Island, Quốc Cường Gia Lai sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý đến khi đủ điều kiện chuyển nhượng dự án sẽ chuyển nhượng 100% dự án cho Sunny Island. Tuy nhiên, tiến độ pháp lý sẽ thực hiện song song tiến độ thanh toán của Sunny Island. Nhưng đến đầu năm 2021, phía Sunny Island mới thanh toán tương đương đợt 2, với số tiền 2.882,8 tỷ đồng, trong khi Quốc Cường Gia Lai đã thực hiện thủ tục pháp lý tương ứng đến đợt thanh toán thứ 5.
Cụ thể, theo tinh thần hợp đồng đến tháng 9/2017, Sunny Island phải thanh toán gần 5.000 tỷ đồng để Công ty Quốc Cường Gia Lai thanh toán khoản nợ cho Ngân hàng BIDV để làm nhà tái định cư, đền bù đất hoán đổi nhà ở xã hội phục vụ dự án và giải phóng mặt bằng để được giao đất.
Ngay sau khi được giao đất, phía Sunny Island phải thanh toán tiếp 5.000 tỷ đồng và số tiền còn lại sẽ thanh toán khi dự án đủ điều kiện chuyển nhượng. Nhưng đến tháng 10/2017, Sunny Island chỉ thanh toán số tiền hơn 2.882,8 tỷ đồng và từ tháng 11/2017 đến đầu năm 2021 phía Sunny Island không thanh toán tiếp.
“Hợp đồng quy định, nếu Quốc Cường Gia Lai sai thì phải đền 2.882 tỷ đồng cộng 50% số tiền đã nhận, tức khoảng hơn 4.200 tỷ đồng. Nếu Sunny sai thì Quốc Cường Gia Lai chỉ trả lại cho Sunny khoảng 1.400 tỷ đồng, chứ không phải trả lại toàn bộ số tiền đã nhận”, bà Loan nói.
Vụ việc của Quốc Cường Gia Lai là trường hợp điển hình cho thấy rủi ro từ hoạt động M&A. Bởi đằng sau những thương vụ M&A là những điều khoản cam kết, ràng buộc chặt chẽ về nghĩa vụ của cả 2 bên.
Nghiên cứu mới đây của Đại học Havard cho thấy, tỷ lệ thất bại của các thương vụ M&A lên tới 75 - 90%. Con số này chứng tỏ, mặc dù mục đích hướng tới của các nhà quản trị khi thực hiện các thương vụ M&A rất rõ ràng nhằm cộng hưởng doanh thu và tiết kiệm chi phí quy mô lớn, nhưng những thách thức đôi khi cũng rất lớn.
Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc Nova Group cho biết, việc tìm kiếm các mảnh ghép là cả một quá trình đầy gian truân và để phép cộng 1+1 có thể lớn hơn 2 là điều không dễ dàng.
Ba năm trước, NovaGroup mua lại 51% vốn của một công ty gia đình chuyên cung cấp dịch vụ thi công cảnh quan tại các dự án bất động sản. Những hạng mục thi công dịch vụ cảnh quan tại các dự án của Novaland được giao cho công ty này phụ trách. Sau khi trở thành một mảnh ghép trong hệ sinh thái bất động sản của NovaGroup, từ mức trung bình hàng năm khoảng 20 tỷ đồng, đến nay, doanh số của công ty này đã cán mốc 250 tỷ đồng.
“Một thương vụ thành công như vậy là rất hiếm hoi. Cũng có những thương vụ NovaGroup phải dừng lại giữa chừng khi xác định giá trị cộng hưởng sẽ không được như mong muốn”, ông Phiên nói.
Theo ông Warrick Cleine, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, lẽ thường tình, nhà đầu tư có xu hướng tìm đến các đối tác mà họ có thể tin tưởng. Do đó, trong M&A, doanh nghiệp càng minh bạch thông tin, đối tác và các nhà đầu tư càng được thuận lợi trong việc thẩm định, rà soát và định giá doanh nghiệp, tránh các rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là về mặt pháp lý.
Có thể nói, minh bạch hóa hoạt động kinh doanh là một yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp có thể “bán mình” với giá cao. Mua một doanh nghiệp là chuyện không hề đơn giản, nhà đầu tư phải bỏ tiền thật ở hiện tại, nhưng lại không thể biết chắc khoản đầu tư có sinh lời hay không trong tương lai.
Nếu doanh nghiệp xác định được hướng phát triển rõ ràng và có báo cáo tài chính đủ minh bạch, không có vấn đề rủi ro trong thuế và pháp lý, sẽ giúp tạo lòng tin đối với nhà đầu tư, tạo điều kiện để chủ đầu tư định giá doanh nghiệp.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn duy trì việc sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán không thống nhất, một để báo cáo thuế, một để làm việc với ngân hàng hoặc khi chào đầu tư, dẫn đến sự mơ hồ trong thông tin về thực tế hoạt động. Điều này khiến rủi ro hậu M&A của các thương vụ là rất lớn.