Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày đầu tuần (6/5) đã giảm 15 điểm khi cùng thị trường thế giới đón nhận thông tin Mỹ sẽ tăng thuế thêm 25% với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này đi ngược với kỳ vọng của giới đầu tư toàn cầu về việc Mỹ - Trung sẽ tiến đến một thỏa thuận thương mại.
Tuy nhiên, như nhận định và thực tế khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra đến nay, Việt Nam đang được hưởng lợi từ cuộc chiến này. Cụ thể, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn gia tăng. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quý I/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (đầu tư nước ngoài) đạt 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2018. Cả nước có 785 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 3,82 tỷ USD, tăng 80,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Các ngành hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại là giày dép, gỗ, thương mại đều tăng trưởng xuất khẩu. Theo số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt mức tăng trưởng ấn tượng 28,73%, vượt mạnh lên các thị trường khác, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Ngược lại, thị trường Trung Quốc giảm mạnh ngay từ đầu năm và giảm 8,5% trong cả quý I do nhu cầu nội địa Trung Quốc yếu đi. Các thị trường xuất khẩu lớn khác của Việt Nam như EU, Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ tăng nhẹ 2,5%, 6,5% và 6,4%.
Nếu xu hướng này tiếp tục thì kinh tế vĩ mô tiếp tục có điều kiện thuận lợi để bình ổn trong thời gian tới. Cuối tuần trước, ghi nhận trên thị trường tự do cho thấy, giá USD xuống thấp hơn tỷ giá chính thức liên ngân hàng. Đây là yếu tố nền tảng của thị trường chứng khoán.
Dẫu vậy, thị trường chứng khoán vẫn chịu áp lực tâm lý khi nội tại của thị trường vốn không có nhiều thông tin tích cực có thể tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Về phía các doanh nghiệp, theo thống kê của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC), có 692 công ty niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2019 với tổng lợi nhuận sau thuế 51.860 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ 2018. Tỷ lệ công ty có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng dương chiếm 45% và số công ty lỗ chiếm 13% số công ty đã công bố.
Nhóm 3 công ty cải thiện về lợi nhuận tuyệt đối lớn nhất gồm VCB (tăng 1.202 tỷ đồng), STB (tăng 448 tỷ đồng), GAS (tăng 422 tỷ đồng), trong khi 3 công ty có lợi nhuận giảm mạnh nhất gồm VHM (giảm 1.365 tỷ đồng), GMD (giảm 1.152 tỷ đồng) và VPB (giảm 666 tỷ đồng). Tính riêng nhóm VN30, 30 công ty công bố kết quả kinh doanh với mức lợi nhuận giảm 5% và có 11 cổ phiếu có tăng trưởng âm so cùng kỳ gồm VHM, GMD, VPB, HPG, SSI, EIB, DPM, CTD, DHG, CII và ROS.
“Mùa công bố kết quả kinh doanh quý I/2019 về cơ bản sắp khép lại với mức sụt giảm từ kết quả kinh doanh chính và không còn lợi nhuận bất thường nhiều các cổ phiếu lớn”, BSC nhận định.
Như vậy, bên cạnh yếu tố nội tại là hiệu quả kinh doanh chưa vững của doanh nghiệp, các thông tin từ kinh tế thế giới như diễn biến bất thường của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo thêm áp lực lên tâm lý thị trường, khiến bên bán mất kiên nhẫn, không muốn nắm giữ cổ phiếu, trong khi bên mua không vội vã mua vào.
Tuy nhiên, áp lực bán trên thị trường không lớn khi nhiều cổ phiếu đã giảm giá trong thời gian khá dài. Nhiều cổ phiếu đang vẽ biểu đồ giảm giá gần xuống mức kháng cự thấp nhất. Lượng tiền margin trên thị trường còn dồi dào.
Nền tảng kinh tế vi mô và các yếu tố kỹ thuật có khả năng ảnh hưởng đến giao dịch trên thị trường đều đang ở mức an toan. Vì thế, tâm lý ở giai đoạn hiện nay chỉ khiến giá cổ phiếu bị bào mòn dần và các phiên tăng giảm đan xen, chứ khó có các cú sốc giảm sâu hay tăng mạnh.