Liên minh châu Âu (EU) có thể cần gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga, ngoại trưởng sắp tới của EU nói hôm thứ Hai, nhưng bà cũng đặt câu hỏi rằng, liệu các biện pháp trừng phạt có thực sự ảnh hưởng đến những tính toán chính trị của Kremlin.
Trong một buổi chất vấn 3 giờ đồng hồ tại Nghị viện châu Âu, sau khi được đề cử bởi các nhà lãnh đạo EU hồi tháng 8, bà Federica Mogherini, nói rằng, khối này sẽ cần điều chỉnh các biện pháp trừng phạt (Nga) tùy theo tình hình ở Đông Ukraine và sự can thiệp của Nga vào nước láng giềng của họ.
Kremlin đã bác bỏ cáo buộc của phương Tây về việc nước này gửi quân đến Đông Ukraine và đang bố trí cũng như tài trợ cho các phiến quân thân Nga ở khu vực này.
“Chúng ta có lẽ cần tăng cường các biện pháp trừng phạt… nếu mọi chuyện trở nên xấu hơn”, bà nói. “Nhưng chúng ta cũng có thể bãi bỏ trừng phạt nếu mọi thứ tốt lên”.
Bà Mogherini, người hiện đang là Bộ trưởng Ngoại giao Italia, nói rằng, Moscow phải hoàn toàn đồng ý với tất cả các điểm của thỏa thuận ngừng bắn được ký ở Minsk hồi tháng trước. Bà nhấn mạnh lại quan điểm của mình rằng, không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trả lời một câu hỏi sau đó từ một nghị sĩ châu Âu, bà Mogherini nói rằng, bà tin nền kinh tế Nga “đang bắt đầu trở nên rất tồi tệ” bởi các biện pháp trừng phạt của EU.
Tuy nhiên, bà cũng nghi ngờ tác dụng của các biện pháp trừng phạt trong việc thay đổi lập trường chính sách của Tổng thống Nga Putin.
“Chúng liệu có ảnh hưởng đến các quyết định chính trị của Nga hay không? Tôi nghĩ, chúng ta vẫn có một dấu hỏi về vấn đề này”, bà nói và cho rằng, điều này làm cho một giải pháp chính trị đối với cuộc xung đột là con đường tốt nhất ở phía trước”.
“Ý tôi là người Ukraine phải vào cuộc, bởi vì suy cho cùng, họ là những người phải đối đầu với Nga”, bà nói.
Thỏa thuận ngừng bắn kéo dài hàng tháng giữa quân đội Ukraine và phiến quân ly khai đã giúp giảm bớt đổ máu, nhưng giao tranh hàng ngày vẫn diễn ra, đặc biệt xung quanh thành phố bị quân nổi dậy chiếm đóng Donetsk.
Trong suốt 3 giờ đồng hồ đối chất, bà Mogherini đã chỉ ra một loạt các vấn đề về chính sách đối ngoại, bao gồm cuộc chiến với nhà nước hồi giáo IS ở Iraq và Syria, việc mở rộng EU, cải cách chính trị ở Cuba và đàm phán hạn nhân với Iran.
Nhưng bà bị chất vấn nhiều nhất về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, bởi các nghị sỹ EU băn khoăn rằng, bà hiện có vẻ không sẵn sàng gây áp lực cho Nga liên quan đến các hành động của nước này ở Ukraine.
Bà Mogherini sẽ thay thế bà Catherine Ashton phụ trách lĩnh vực đối ngoại của EU từ ngày 1/11 tới, trừ khi Nghị viện châu Âu bãi bỏ đề xuất của ông Jean-Claude Juncker về nội các của Ủy ban châu Âu.