Dòng sông của thời niên thiếu
Dòng sông, ai đó đã từng nói đó là sự hiện thân cho những trầm luân trôi nổi của cuộc đời mỗi con người: “Sông có khúc, người có lúc, bến bờ lúc trong, lúc đục, lúc bình yên, lúc nổi sóng”.
Ngày xưa, nhà thơ Tế Hanh, một thi nhân thuộc thế hệ phong trào Thơ Mới từng viết:“ Quê hương tôi có con sông xanh biếc /Nước gương trong soi tóc những hàng tre/Tâm hồn tôi là những buổi trưa hè/Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng…”
Có lẽ cũng như nhà thơ Tế Hanh, mỗi người lớn lên ai cũng có cho riêng mình một dòng sông kỷ niệm với những buổi trưa hè nắng đổ lửa bạn bè tụm năm tụm bảy ngụp lặn thỏa thuê trên dòng nước mát trong veo ở con sông quê.
Cũng như hầu hết các nơi khác trên dải đất Miền Trung, quê hương tôi cũng có dòng sông quê đã đi vào ca dao, câu hát: “Nước Kiến Giang chưa bao giờ cạn, sống vẫn reo Nhật Lệ, Bảo Ninh, vang câu hò Mẹ Suốt…” Sông Kiến Giang, nguồn nước trong lành đã nuôi dưỡng tâm hồn của bao nhiêu thế hệ người con xứ, chính bên dòng nước ấy, một con người kỳ tài đã lớn lên và đi vào huyền thoại thế giới, đó chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Dòng sông Kiến Giang hiền hoà lành tính như chính mỗi người dân quê lúa Lệ Thuỷ. Dòng sông chảy vắt qua giữa lòng thị trấn Kiến Giang, gộp với Hói Xuân Hồi chia ba thị trấn nhỏ và tạo nên khung cảnh của một đô thị sông nước. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã từng nhận xét: “Đây là một đặc điểm hiếm có ở các đô thị Miền Trung”.
Sông Kiến Giang tấp nập nhộn nhịp mỗi dịp Tết Độc Lập (Quốc khánh 2/9) |
Trên dòng sông ấy, hàng năm cứ mỗi độ tháng 9 về, trong ngày Tết Độc lập 2/9, trai tráng thanh niên từ khắp các làng quê sông nước của huyện Lệ Thuỷ lại hội tụ về đây để tham gia tranh tài đua thuyền truyền thống. Sau bao nhiêu năm qua đi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang giờ đây đã trở thành một lễ hội văn hoá đặc sắc của không chỉ người dân Lệ Thuỷ mà còn với cả tỉnh Quảng Bình, thu hút rất đông đảo du khách trong và ngoài nước đến theo dõi.
Riêng tôi, lễ hội đua thuyền sông Kiến Giang vẫn là một phần khó quên nhất của tuổi thơ. Đó không hẳn là việc phải chen lấn xô đẩy giữa dòng người chật chội dọc hai bên bờ sông để được chứng kiến cảnh các trai bơi hò hét thi thố với nhau giữa sóng nước.
Đó đơn giản chỉ là những ngày đạp chiếc xe đạp khung Phượng Hoàng cũ lọc cà lọc cọc đi hơn 20 cây số từ nhà đến trung tâm huyện lỵ sầm uất để được nhìn thấy đám đông đổ về từ khắp nơi xem đua ghe; được nghe tiếng súng “búng phao” (súng hiệu lệnh xuất phát cuộc đua bơi); được ăn bát bún giò đậm đà trong một gánh hàng bún ở chợ Tréo, được vào hiệu sách nằm sát bên cổng chợ mua và đọc những cuốn sách võ thuật để về tự luyện tập với mộng ước trở thành một võ sư...
Niềm vui của hành trình 20 cây số ấy quá nhỏ bé và tầm thường so những đám bạn cùng trang lứa. Nhưng đối với tôi- cậu nhóc gầy đen đến từ một vùng trung du miền núi xa trung tâm huyện lỵ thì ý nghĩa vô cùng đặc biệt...
…Và rồi dòng sông ấy theo năm tháng đã trở thành những hoài niệm đẹp, những kỷ niệm đẹp mà mỗi khi trên đường đời mệt mỏi tôi lại cố lật dở trí nhớ mình ra để mong tìm lại những cảm xúc ban sơ thuở thiếu thời, làm động lực cho mình bước tiếp.
Dòng sông của cuộc đời
Nếu sông Kiến Giang là những hoài niệm cho tuổi thơ thì dòng Hương Giang lại như một lát cắt của tâm hồn. Có thể nói dòng sông Hương là dòng sông của thi ca, nhạc hoạ, là dòng sông in dấu với bao nhiêu thế hệ thi nhân, mặc khách, nghệ sĩ mà tên tuổi họ đã in đậm trong lòng của nhiều thế hệ người Việt Nam như Hàn Mặc Tử, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn...
Nói đến sông Hương, người ta hay nói đến một dòng sông êm đềm, lặng lờ, buồn man mác. Có nhà văn từng nói rằng, khi lặng ngắm dòng nước sông Hương trôi đi con người thường dấy lên cảm giác trầm tư, trống rỗng, đượm buồn - buồn nhưng không hiểu tại sao mình lại buồn.
Nhà thơ Hàn Mặc Tử có lẽ cũng nghiệm được điều này nên sinh thời trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” ông viết: “Gió theo lối gió, mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay/ Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay…”
Những ngày còn sinh sống và học tập ở Huế, mỗi khi rảnh rỗi, tôi thi thoảng lại chạy xe máy lên chùa Bảo Lâm ở trên phường Thuỷ Xuân, gần chỗ đồi Vọng Cảnh (thành phố Huế) để uống trà và đàm đạo với sư thầy là bạn học cùng lớp đại học với tôi.
Chùa nằm trên một ngọn đồi, nhỏ bé và đơn sơ, bốn bề cây xanh tươi tốt sum suê. Phía trước chùa, nơi có một hương án nhỏ mà từ đó có thể nhìn thấy được bao quát sông Hương và toàn bộ cánh đồng lúa vùng Hương Long, Hương An, chiều xuống, tôi và sư thầy thường ra đây để ngồi uống trà và ngắm sông.
Sông Hương, dòng sông thi ca, nhạc hóa của "xứ Huế" kinh kỳ. |
Có lần trò chuyện về nỗi buồn sông Hương, sư thầy lý giải:“Tôi nghiệm ra rằng, khi chiều tàn nhìn về phía thượng nguồn sông Hương, nhìn về xa xa những rặng núi, nhìn những đàn chim bay về tổ, những con đò nhỏ bé đang trôi đi giữa dòng nước mênh mông… thì trong lòng hay tự sinh ra cảm xúc buồn man mác. Nỗi buồn ấy theo tôi thấy có hai cung bậc, đó là trước mắt thì như chính ánh chiều tàn sắp tắt nên con người ta hay có cảm giác tiếc nuối hoàng hôn. Còn rộng hơn đó là nỗi buồn của hình ảnh con đò bé nhỏ, hữu hạn vô định giữa mênh mông dòng nước, cũng như chính cuộc đời của mỗi con người mà chú, tui, hay không ai cả sẽ biết rằng con đò ấy sẽ đưa mình trôi về đâu giữa dòng sông cuộc đời”.
Những năm đại học ở Huế, có đôi lần tôi đi theo các ghe chở khách vãn cảnh ngắm sông Hương. Nhiều người có lẽ không biết rằng, nếu chỉ nhìn thôi thì dòng sông Hương khá bình lặng, êm đềm. Kỳ thực sự tĩnh lặng ấy chỉ là bề nổi khi giữa dòng sông sâu kia là những dòng nước ngầm chảy khá xiết.
Có lẽ tính cách con người Huế cũng có phần tương tự như thế, vừa trầm tư, nhẹ nhàng và sâu lắng, nhưng cũng rất dữ dội và mạnh mẽ. Giống như lời từ trong trong bài thơ “Huế tình yêu của tôi” của nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình – đã được nhạc sĩ nhạc sĩ Trương Thị Tuyết Mai phổ nhạc:“ Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được / Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư / Tình yêu từ chiếc nón bài thơ / Từ giọng nói âm thầm sâu lắng lạ/ Ơi Huế của ta, ta có Huế tự hào / Vượt qua phong ba, Huế đi lên kiên cường / Cả nước yêu thương ôm Huế vào lòng Sẻ chia đắng cay gian khổ mặn nồng…”
Và có lẽ, chính những dòng nước ấy, tính cách ấy đã tạo nên một phong vị Huế rất đặc biệt, một xứ Huế trầm lắng khiến cho chính chính những người đã từng sinh sống, từng gắn mình trên mảnh đất cố kinh này như chúng tôi cũng đã bị ngấm vào để rồi tâm hồn trở nên lắng lại trong chính những năm tháng về sau - khi đã rời xa Huế.