Võ học phương Đông có một môn võ gọi là Hình Ý Quyền, đây là môn võ được sáng tạo dựa trên hình tượng của các loài thú như long, hổ, hầu, mã, kê, yến, xà, đà, thái, ứng, hùng (rồng, hổ, khỉ, ngựa, gà, én, rắn, kỳ đà, lạ, ứng, gấu, báo)…
Trong đó, đỉnh cao của môn võ này là khi người luyện võ đạt đến mức hợp nhất được 3 yếu tố “Tâm - Ý - Khí”, tức là không chỉ sử dụng tinh luyện các động tác chiêu thức có tạo hình giống với kỹ năng tự vệ sinh tồn của loài cầm thú (hình) mà còn thể hiện được cái “thần” sắc của loài vật đó (ý).
Hình Ý Quyền mô phỏng động tác các loài động vật.
Cũng tương tự câu chuyện trên, trong giới võ thuật Triều Tiên cho đến nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện của một danh gia kiếm pháp thời xa xưa nhờ hàng ngày quan sát phân tích các động tác, tư thế của con mèo yêu quý mà luyện nên bộ kiếm pháp tuyệt luân vô địch thiên hạ.
Đỉnh cao của võ thuật là khi người tập sử dụng tinh thông các chiêu thức động tác giống với các loài động vật cũng như thể hiện được cái "thần" sắc của loài động vật đó.
Lại nói đến chó, chó được xem là loài vật thân thiết gần gũi nhất với con người và cũng là loại vật trung thành, xuất hiện trong tín ngưỡng tâm linh của nhiều quốc gia Á Đông. Tuy nhiên, trong võ thuật, tượng hình chó lại ít thấy được nhắc đến như các loài miêu, hầu, hổ, báo…
Họa hoằn chó chỉ xuất hiện trong các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung với môn “Đả Cẩu Bổng” (Đả Cẩu côn- gậy đánh chó) của các đời Bang chủ Cái Bang. Thế nhưng, tượng hình chó ở đây cũng không hề gắn liền với hình ý trong võ thuật.
Nói vậy không có nghĩa loài chó không có những bản lĩnh võ công đáng để con người học hỏi. Về đặc điểm riêng, chó không chỉ thính nhạy mà còn rất nhanh nhẹn khôn ngoan không hề thua kém loài mèo (linh miêu), một trong những loài vật nổi tiếng trong võ thuật.
Phân tích về đặc trưng chiến đấu loài chó, trước hết đó là khả năng thủ thế, di chuyển ra đòn và chớp thời cơ hoàn hảo. Chúng ta thường thấy rằng, trước khi lao vào tấn công một con vật đối thủ nào đó, loài chó sẽ thu mình lại bất động, nhe răng, gầm gừ tạo uy thế áp đảo; hoặc nếu chiến đấu với một đối thủ yếu thế hơn về sức mạnh, chó sẽ di chuyển vòng quanh vờn đối thủ để tìm sơ hở.
Loài chó thường tấn công khi đạt thời điểm và khoảng cách thích hợp nhất.
Điểm đặc biệt cần phải nhắc đến nữa đó chính là việc loài chó giữ khoảng cách rất chuẩn xác với đối thủ của mình, hoàn toàn không quá gần để bị tấn công bất ngờ, cũng như không quá xa - đủ để có thể lao vào tấn công đối phương khi có cơ hội.
Điều này cũng tương tự như bài học cơ bản của Lý Tiểu Long đã dạy cho các môn đồ của mình về kỹ thuật di chuyển (bộ pháp). Ông cho rằng, 79% của võ thuật nằm ở kỹ thuật di chuyển, di chuyển để tạo ra cơ hội tấn công cũng như giúp mình thoát khỏi các đòn tấn công của đối phương.
Không những vậy, kỹ năng di chuyển cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng đó là chi phối đến các kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu của chân tay.
Lý Tiểu Long so sánh nắm đấm và cú đá như một họng pháo, thì di chuyển chính là việc điều chỉnh khẩu pháo sao cho khả năng bắn trúng mục tiêu của khẩu pháo tốt nhất.
Có thể nói rằng, kỹ năng di chuyển tấn công của loài chó là cực kỳ chính xác, hoàn hảo, bất cứ khi nào loài chó lao vào tấn công đối thủ thì thường đó là thời điểm và khoảng cách chính xác nhất mà nó đã ước lượng được.
Ta cũng có thể thấy khi chó mẹ huấn luyện kỹ năng sinh tồn, săn mồi cho cho con của mình (hoặc khi tấn công các con mồi yếu thế hơn về sức mạnh), chó thường di chuyển qua về, xoay vòng rất linh hoạt. Trong võ thuật đây được gọi là bộ pháp sàng ngang – đảo vòng (di chuyển vòng quanh đối thủ).
Bộ pháp này khiến cho đối thủ bị phân tâm và không nắm bắt được nhịp điệu tấn công cũng như khiến đối thủ khó ước lượng được khoảng cách chính xác của ta để ra đòn.
Một trong những bậc thầy về lối đánh dựa vào bộ pháp này là võ sĩ huyền thoại Mohamed Ali, hay gần đây nhất là “độc cô cầu bại” làng quyền anh thế giới Mayweather.
Mayweather trong các trận đấu của mình thường sử dụng phương thức che chắn kỹ phần mặt và tích cực di chuyển vòng để tạo sự ức chế cho đối phương, dụ đối phương ra đòn trong bất lực dẫn đến xuống sức sau đó ông dễ dàng knockout đối thủ.
Thứ nữa chính là phương thức tấn công của loài chó. Người ta thường thấy loài chó khi tấn công con mồi hoặc đối thủ rất dứt khoát, mạnh mẽ, không rụt rè.
Khác với hổ, hùng (gấu) sử dụng bộ móng vuốt (trảo) để tấn công con mồi (tát), loài chó chỉ tấn công đối thủ bằng động tác cắn, cắn vào các điểm sơ hở của đối thủ như cổ, chân, bụng, nách, đuôi, lưng…Tuy nhiên, phương thức tấn công của loài chó cũng không hoàn toàn đơn điệu như trên.
Chó rất biết cách sử dụng đôi chân của mình, không chỉ di chuyển mà còn để ra đòn “dứ” (đòn hư) dụ đối phương tấn công trước và để lộ sơ hở; hoặc cũng có khi hai chân được sử dụng để chồm lên đối thủ, tỳ đè và cắn. Rơi vào thế yếu khi bị áp đảo, chó cũng sử dụng chân để cản lại, hoặc đạp văng đối thủ ra nhằm hạn chế cơ thể bị trúng đòn.
Điều này hoàn toàn tương tự với cú đấm Jab trong Boxing (đấm thọc thẳng tay trước), cú đấm được thực hiện nhằm định vị khoảng cách với đối phương và làm cho đối phương nâng tay lên đỡ để tạo ra kẻ hở vùng chấn thủy hoặc mạn sườn.
Trong tình huống bất ngờ, cú đấm thọc với tính bất ngờ cao sẽ phá vỡ hệ thống phòng ngự kín kẻ của đối thủ,nếu đối thủ dùng phương thức tử thủ.
Đối với võ cổ truyền, đòn đạp chân trước lại thường sử dụng để đá hoặc đạp vào vùng bụng đối phương khi đối phương lao vào trực diện. Hoặc trong Judo (Nhu đạo), các võ sĩ cũng thường xuyên sử dụng chân trước để hất văng đối thủ qua đầu trong tư thế nằm ngửa.
Nói vậy để có thể thấy rằng, chó thực sự không chỉ thân thiện, gần gũi như người ta thường thấy mà còn có một thân võ công đáng nể. Hoàn toàn xứng đáng đứng vào ngang hàng với các loài long, hổ, báo, xà, hạc trong tượng hình võ thuật.