Hài hòa lợi ích các bên là điều sống còn cho sự phát triển của doanh nghiệp

Hài hòa lợi ích các bên là điều sống còn cho sự phát triển của doanh nghiệp

Tản mạn về 3 lợi ích trong doanh nghiệp

(ĐTCK) Hơn 20 năm tìm hiểu và tư vấn chiến lược quản trị cho doanh nghiệp, nhiều lần tôi nhận được câu hỏi, trong doanh nghiệp, liệu có cần thiết phải cân đối 3 lợi ích: công ty, cổ đông và người lao động không?

Tại sao phải hài hòa 3 lợi ích?

Câu trả lời chắc chắn là có và vấn đề này hiển nhiên không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, mà còn ở các nước phát triển. Thực tế, nói cân đối lợi ích của 3 nhóm này là chưa thực sự chuẩn, có lẽ nên dùng từ “hài hòa” thì đúng hơn và rõ ràng, việc hài hòa này là hết sức cần thiết, là điều sống còn cho sự phát triển bền vững và lâu dài của mọi doanh nghiệp, tổ chức.

Hài hòa 3 lợi ích là việc phải được thực hiện trên cơ sở chiến lược công ty, tình hình và điều kiện thực tế của doanh nghiệp trong từng giai đoạn và một số yếu tố khác có liên quan.

Nếu doanh nghiệp đang ở giai đoạn kinh doanh khó khăn, hay mới khởi nghiệp, rõ ràng, mọi ưu tiên lợi ích cần tập trung cho doanh nghiệp đó, rồi đến người lao động ở mức độ tối thiểu cần thiết và sau cùng mới là cổ đông. Thậm chí, trong nhiều trường hợp phải hy sinh lợi ích cổ đông một thời gian dài vì sự tồn tại của công ty.

Tùy vào chiến lược kinh doanh và điều kiện thực tế của doanh nghiệp trong từng thời kỳ mà sắp xếp thứ tự 3 lợi ích giữa công ty, cổ đông và người lao động phù hợp

Ở giai đoạn khác, nếu công ty đang phát triển bình thường theo chiến lược kinh doanh đã vạch ra, nhưng gặp khó khăn về lao động (thiếu hụt lao động hay nhân tài, năng suất và hiệu quả lao động chưa đạt yêu cầu…), lúc này, các lợi ích của người lao động phải được đặt lên hàng đầu, quan tâm toàn diện, phù hợp mặt bằng chung, có tính hấp dẫn  nhất định để đảm bảo thu hút và giữ chân nhân tài…

Mặc dù vậy, nhìn chung, trong mọi giai đoạn phát triển, nếu doanh nghiệp luôn quan tâm và giải quyết thỏa đáng lợi ích của người lao động, với vai trò hạt nhân, yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp sẽ có được sự phát triển bền vững, lâu dài và từ đó, các lợi ích của công ty, cổ đông sẽ được đảm bảo. 

Làm gì để hài hòa 3 lợi ích?

Trước tiên, cần hiểu thế nào về lợi ích? Phải chăng đó cơ bản là tiền bạc, lương thưởng, các khoản vật chất, hay còn các lợi ích khác?

Đúng là phải hiểu rộng hơn về lợi ích, đó cần là sự cân đối hài hòa giữa các lợi ích vật chất và tinh thần của từng bên. Chẳng hạn, với người lao động, ngoài lương thưởng hay các đãi ngộ vật chất, họ cũng rất quan tâm đến văn hóa làm việc, sự ghi nhận, tôn trọng hay vinh danh, sự thăng tiến, hay đơn giản là cảm giác thoải mái, gắn bó trong làm việc, hoặc cũng có thể là những tri thức, kinh nghiệm và khám phá mới mẻ trong công việc mà công ty tạo ra cho họ….

Với công ty, ngoài doanh thu, lợi nhuận, vị thế trên thương trường, thương hiệu, uy tín doanh nghiệp, thì hương hiệu nhân sự, sự yêu quý, gắn bó và tôn trọng của từng nhân viên với công ty…, cũng là các lợi ích không thể xem nhẹ nếu muốn phát triển mạnh mẽ, dài lâu.

Với cổ đông, rõ ràng, ngoài khoản cổ tức được đảm bảo hàng năm, việc nắm giữ cổ phần của một công ty có uy tín, nổi tiếng, luôn phát triển, cũng là lợi ích tinh thần không hề nhỏ, đặc biệt khi muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình một cách dễ dàng, nhanh chóng và có lợi nhất.

Khi đã hiểu được sự cần thiết của việc hài hòa lợi ích, vấn đề đặt ra là làm sao có thể hài hòa 3 lợi ích này?

Như đã nêu ở trên, tùy vào chiến lược kinh doanh và điều kiện thực tế của doanh nghiệp trong từng thời kỳ mà chúng ta sắp xếp chúng cho hiệu quả nhất, nhưng có thể rút ra mấy điểm quan trọng như sau:

Đối với công ty, cần xác định và truyền thông rõ ràng, hiệu quả về chiến lược, kế hoạch kinh doanh, các chính sách quy định và tiêu chuẩn trên cơ sở quy định pháp luật và mặt bằng chung của ngành, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến người lao động, chủ động tạo lập văn hóa công ty lành mạnh, tích cực, với sự công bằng, minh bạch và tôn trọng cao nhất…

Với người lao động, luôn tạo ra và duy trì được động lực làm viên cho nhân viên như là giải pháp cơ bản để họ có được lợi ích phù hợp nhất. Đó có thể là việc xác định và thừa nhận sự khác biệt cá nhân, bố trí phân công lao động phù hợp với cá nhân, xác định và truyền thông rõ về các mục tiêu của cá nhân hay nhóm làm việc trên cơ sở sự trao đổi và thấu hiểu, làm phong phú các loại lợi ích mà người lao động có thể được nhận, gắn kết giữa thụ hưởng với kết quả và hiệu quả hoạt động…

Với cổ đông, cần luôn chủ động và linh hoạt trong việc đề ra mức độ hài hòa giữa các lợi ích với nguyên tắc ưu tiên cao nhất cho sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Cổ đông cũng cần làm tốt vai trò giám sát và hỗ trợ cho ban lãnh đạo trong quá trình điều hành kinh doanh của doanh nghiệp… 

Tin bài liên quan