Tản mạn tuổi 13

Tản mạn tuổi 13

(ĐTCK) Với dân đầu tư thì dấu mốc bắt đầu vàng mắt với chuyện đỏ xanh phải là khi SAM - REE dặt dìu với nhau ở Trung tâm GDCK TP. HCM.

Chính thức thì thiên hạ vẫn lấy ngày 20/7 làm ngày kỷ niệm thành lập TTCK. Nhưng đấy hình như chỉ là ngày ra quyết định. Chứ còn với dân đầu tư như mình thì dấu mốc bắt đầu vàng mắt với chuyện đỏ xanh phải là 28/7, khi chỉ có hai mã SAM - REE dặt dìu với nhau ở Trung tâm GDCK TP. HCM. Ấn tượng lắm, đến mức mà có ông anh mình còn lấy SAM - REE đặt làm tên cúng cơm cho hai đứa con cưng nhà lão. Chả hiểu hồi bé, chúng có hay giật mình khi bố lên sàn lẩn thẩn gọi SAM - REE?

Nhưng dẫu là ngày nào thì năm nay chứng khoán nhà mình cũng đã đến tuổi cập kê. Ngày xưa các cụ bảo, “nữ thập tam, nam thập lục”, tức là đã có thể dựng vợ gả chồng. Ca dao cổ có câu “Lấy chồng từ thủa mười ba. Đến năm mười tám thiếp đà năm con”. Bây giờ mà thế thì Nhà nước quy vào tội tảo hôn. Nhưng đúng tuổi 13 là cái thời trổ mã, tâm sinh lý nhiều thay đổi phức tạp, nên cũng có nhiều điều để nói.

Người phương Tây vốn kiêng con số 13 - ngày mà Chúa bước lên thập giá bởi sự phản bội của vị tông đồ thứ 13. Bây giờ hội nhập nên ta cũng kiêng chẳng khác gì tây. Chung cư thì cứ đến tầng 13 lại ghi thành 12A, thế nhưng vẫn phải bán rẻ vài triệu một mét.

Tản mạn tuổi 13 ảnh 1

Nói lại chuyện chứng khoán. Mới đến tuổi cập kê mà sao mình đã thấy đằng đẵng thế. Có lẽ là tại cái đức thiếu kiên nhẫn mà ra. Nhớ ngày bé vác cần đi câu, cứ được mươi phút mà không thấy động đậy gì là ném cần, bỏ mồi, nhảy xuống ao bì bõm… Vận vào nghiệp chứng bây giờ cũng y thế. Nhiều khi mình cứ hình dung TTCK như cái ao, cổ phiếu như con mồi, còn dân đầu tư (nhỏ) như cá vậy.

Xét về quy trình, chơi chứng rất giống quy trình đi câu. Đầu tiên là phải đến ao, tất nhiên là ao có cá, và rắc thính. Làm thính thì tất phải khéo, nhưng càng nặng mùi lại càng đắc sách. Cục thính đừng quá to để cá nghi ngờ, mà cũng đừng quá bé kẻo chưa kịp thả mồi, cá đã rỉa hết thì công toi.

Tiếp theo là giai đoạn thả mồi câu. Tùy vào ý định bắt loại cá nào mà nghệ thuật của công đoạn này khác nhau. Loại cá cỏ, cá mương ăn nổi thích lướt sóng thì phải để phao nông, loại thấy đâu chầu đó, nghe chỗ nọ ướm chỗ kia thì phải lượn lờ, câu kéo giữa chừng, loại ăn chìm mới là đáng gờm, mới phải ra công đầu tư mồi câu, cước lưỡi... Theo kinh nghiệm, sợ nhất là con cá mình không thích lại đớp mồi rất nhanh, vừa bực vừa tốn mồi!.

Tất nhiên, cá cắn câu rồi thì bắt đầu thịt. Chú ý, giai đoạn này không nên hành động vội vàng. Mọi cử chỉ phải cực nhẹ nhàng, thanh thoát, dùng dằng nửa ở nửa về như gái về nhà chồng vậy. Lại phải nhớ rằng, nước nhiều tăm chưa chắc đã phải là dấu hiệu của cá to. Cá to chưa chắc đã ngon. Cá ngon chưa chắc đã ít xương. Đấy, đại khái quy trình chung là như vậy, song nghệ thuật câu cá cũng có nhiều biến tấu. Chúc các bạn đong tiền, cướp cổ thành công!

Người ta lại cũng bảo trò chơi chứng khoán như những chuyện tình mà ở đó, các bà các chị thường có xu hướng gán cho nó những chức năng hết sức huyễn hoặc. Còn các anh - dân đầu tư chứng khoán, cũng luôn có xu hướng huyền thoại hóa (hoặc bi kịch hóa) sự nghiệp đong tiền của mình. Lên sàn được dăm bữa đã vỗ ngực nhà đầu tư lớn, lướt sóng bị kẹp cho nát một số bộ phận thì giơ tay xin dài hạn, có mươi triệu bạc trong tài khoản đã hô hào kết hợp đánh lên đánh xuống, vài ba trăm triệu đã đòi làm nhà tạo lập. Cái gương tày liếp là mấy “nhà đầu tư” vừa được bêu gương lên truyền hình quốc gia vì tội phao tin đồn nhảm. Cơ quan hữu trách đến điều tra xem có trục lợi cá nhân gì không thì hóa ra nhà đầu tư “cá mập” nhất trong hội có đến… 6 triệu trong tài khoản.

Lại còn các nhà phân tích, tư vấn nữa chứ. Mấy lần mình đi nghe hội thảo phân tích kỹ thuật, về toàn phải xơi cảm sủi vì đầu óc váng vất. Toàn thấy Bollinger bands với Fibonacci, rồi ngôi sao đang lên nọ, ngôi sao đang rơi kia… Nghe đâu có chuyên gia còn rắp tâm nghiên cứu một mô hình “Gia Cát Dự” chứng khoán theo mạng “thần kinh” nữa mới khiếp, mới huyền bí. 

Kiểu như tình yêu, tuổi trẻ thường có xu hướng huyền bí hóa một cách triệt để, nào là yêu là hy sinh, yêu là hết mình, yêu là không biết tại sao yêu thì mới là yêu, yêu là không bao giờ nói lời hối tiếc... vân vân… Thế nhưng, rồi sau đó, nhiều bạn lấy làm ngạc nhiên rằng người chồng mình sao trước, và sau khi cưới lại khác đến vậy. Trước kia anh ta dịu dàng, ga lăng, sạch sẽ, còn sau khi cưới anh ta cục cằn, bẩn thỉu…

Không, chả cái gì tự nhiên sinh ra. Cũng như những cổ phiếu rỗng ruột, anh ta vẫn ở đó, núp trong cái lớp vỏ dịu dàng, lãng mạn ấy, chỉ có điều bạn không nhận ra thôi. Vì thế, lấy đó không phải là sự may rủi, điều đó phụ thuộc vào chính bạn. Bạn chọn đúng, bạn sẽ được hàng tốt, bạn chọn sai, bạn vớ phải hàng rởm. Nếu bạn không biết cách làm “người tiêu dùng thông thái”, thì chẳng có gì ngạc nhiên khi bạn bị ngộ độc vì chính thứ hàng tự tay mình mang về.

Nếu bạn mua phải một con cá ươn, thì đó là do số phận, hay do bạn đoảng? Bạn mua phải một cổ phiếu rỗng ruột, cũng chỉ có thể tự trách mình!

 >> Cùng một tác giả