Tản mạn “tin rỉ tai"

Tản mạn “tin rỉ tai"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong thời đại Zettabyte, chuyện ứng xử khôn khéo, chủ động và đạt hiệu quả cao là bài toán không hề dễ dàng với giới truyền thông của doanh nghiệp.

Internet bùng nổ, “virus tin đồn” lan truyền

Zettabyte không phải là một cụm từ viết tắt cho thuật ngữ tiếng Anh, mà đơn giản là một cách tính đơn vị trong lưu trữ bộ nhớ máy tính thông thường. Thế nhưng, vào thời điểm hiện tại, nó là đại diện cho một thời đại mới, thời đại mà mọi thứ có thể tìm thấy trên internet.

Từ 3 năm trước, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, tình trạng phong tỏa diễn ra rộng rãi trên toàn cầu, cùng với chế độ làm việc tại nhà đã làm thay đổi nhiều hoạt động hàng ngày của con người và nhu cầu sử dụng internet cũng gia tăng. Theo một nghiên cứu do Cloudfare thực hiện, việc sử dụng internet đã tăng hơn 25% ở hầu hết các thành phố lớn trên thế giới do ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa.

Việt Nam cũng không ngoại lệ với tốc độ người sử dụng internet tăng mạnh mẽ. Tính đến tháng 9/2022, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 12 trên toàn thế giới khi có 72,1 triệu người dùng internet (đạt tỷ lệ 73,2% dân số) trong cuộc sống hàng ngày.

Xuất phát điểm từ hoàn cảnh bắt buộc, những chia sẻ thông tin qua internet đã dần chuyển qua giai đoạn bùng nổ. Đồng thời, những trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter hay các trang chia sẻ video, hình ảnh nổi tiếng như Youtube, Instagram, Tiktok dần biến mỗi cá nhân trở thành một tòa soạn báo với đặc quyền chia sẻ bình luận về mọi thứ. Bên cạnh những thông tin, những tuyên truyền tích cực, đây cũng có thể là nguồn lan truyền “virus tin đồn” hay tạo dựng khủng hoảng truyền thông một cách nhanh nhất.

Mới đây, trong cuộc gặp cuối năm 2022 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ, ngoài nỗi buồn chung của thị trường, trong năm qua, bất động sản còn chịu nhiều tác động tiêu cực từ hiệu ứng truyền thông, dẫn tới việc bán tháo trên diện rộng ở cả thị trường chứng khoán và thị trường đất nền. Kéo theo đó là sự đi xuống của nhiều nhóm ngành khác nhau, kể cả những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt, tình hình tài chính ổn định, không có nợ xấu... cũng bị “vạ lây”.

Hệ quả trên có một phần nguyên nhân là do sự giải thích chưa thấu đáo hoặc chưa hiểu rõ vấn đề của người đưa tin nên chưa làm rõ được thông điệp truyền thông của cơ quan quản lý, gây ra những hiểu lầm và làm gia tăng tâm lý lo ngại trong giới đầu tư.

Trước tin đồn lan rộng, hành động “giữ được niềm tin và ngăn chặn việc đổ vỡ niềm tin dây chuyền” là việc thiết yếu, quan trọng hơn các mục tiêu phải tìm ra thủ phạm hay nguyên nhân tạo ra tin đồn.

Ứng xử với khủng khoảng trên, cách giải quyết thông thường của giám đốc truyền thông là gửi những lời xin lỗi kịp thời và chuẩn mực từ người có trách nhiệm trong doanh nghiệp tới công chúng. Tuy nhiên, việc làm này của nhiều doanh nghiệp vẫn không thể khiến dư luận tin tưởng. Điều này xuất phát từ thực tế các doanh nghiệp không xây dựng được các kênh truyền thông đủ mạnh để lan tỏa được thông điệp của mình tới công chúng “mục tiêu”.

Công chúng “mục tiêu” được hiểu là những độc giả mục tiêu, bao gồm các khách hàng, các doanh nghiệp đối tác và một phần từ phía các cơ quan quản lý trực thuộc lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp đang hoạt động.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Huế - CEO Sahi Agency, một trong những đơn vị cung cấp giải pháp truyền thông marketing bất động sản, uy tín sẽ là bài toán bức thiết đối với các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới.

“Tuy nhiên, việc xây dựng uy tín cho doanh nghiệp sẽ không thể đơn giản như trước đây là ‘tôi nói tôi tốt’ trên mạng xã hội là khách hàng có thể tin tưởng, bởi trong bối cảnh thị trường hiện nay, mọi người đều cảnh giác trước những tuyên bố mang tính chủ quan mà chưa được kiểm chứng”, bà Huế nhấn mạnh.

… và cách xử lý

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một số lãnh đạo và giám đốc phụ trách khối truyền thông, marketing của các doanh nghiệp thuộc nhiều khối ngành khác nhau cho biết, việc xử lý khủng hoảng truyền thông hiện nay khó hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Bên cạnh nguyên nhân tốc độ lan truyền thông tin quá nhanh, bởi quá nhiều kênh có thể chia sẻ, từ trực tiếp tới gián tiếp, từ câu chữ, hình ảnh tới livestream trực tuyến, thì hoạt động kinh doanh khó khăn khiến ngân sách cho truyền thông - marketing của doanh nghiệp bị cắt giảm cũng gây cản trở cho việc xây dựng các phương án ứng phó với những “tin đồn” hoặc khủng hoảng truyền thông bùng phát.

Năm 2022 ghi nhận là năm bùng nổ trong cuộc chiến chống lại mặt trái của mạng xã hội trên toàn cầu. Các nền tảng xã hội như Meta (Facebook), Google (Youtube) hay Tiktok đều phải chịu những án phạt rất nặng liên quan đến việc cung cấp các thông tin trên nền tảng của mình. Trong nước, việc xử lý các vi phạm thông tin trên các nền tảng mạng xã hội cũng diễn ra khá mạnh mẽ.

Tuy nhiên, dù có xử phạt, nhưng như chia sẻ của một lãnh đạo doanh nghiệp là “chủ động, chân thành, có lập trường đúng đắn, nhưng nhìn chung vẫn… mệt!”. Trước tin đồn lan rộng, hành động “giữ được niềm tin và ngăn chặn việc đổ vỡ niềm tin dây chuyền” là việc thiết yếu, quan trọng hơn các mục tiêu phải tìm ra thủ phạm hay nguyên nhân tạo ra tin đồn.

Thực tiễn cho thấy, các kênh đầu tư tài chính hiện tại chịu ảnh hưởng và có sự nhạy cảm rất lớn với các thông tin về truyền thông. Do vậy, sự méo mó về thông tin hoặc sự lạm dụng thông tin, làm giả thông tin, thao túng thông tin có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của thị trường. Khi đó, truyền thông có vai trò vô cùng quan trọng trong sự ổn định của thị trường, đặc biệt là các kênh truyền thông chính thống tác động đến nhận thức của công chúng đầu tư.

Đồng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, truyền thông mang tính chính thống có nghĩa là các tòa soạn báo chí, các website thông tin, phân tích chuyên môn có đăng ký, đã và đang là nguồn tham khảo khách quan, tin cậy cho công chúng, không bao gồm các kênh truyền thông tài chính - kinh doanh phi chính thống với các thông tin không có nguồn rõ rệt.

Ðiều này có thể hiểu theo một mô hình cộng sinh, trong đó báo chí chính thống là nền tảng, là đơn vị có thông tin chính xác, còn mạng xã hội là chất xúc tác, lan tỏa cho thông tin được đi đến với nhiều người hơn và có thể có tác động nhanh chóng tới đối tượng tiếp nhận.

“Tất nhiên, điều này đòi hỏi những đơn vị báo chí, truyền thông phải đồng hành hơn với các doanh nghiệp bằng việc thiết lập những hình thức truyền tải thông tin hấp dẫn hơn, qua đó vừa phổ biến cơ chế chính sách, pháp luật liên quan tới lĩnh vực bất động sản, vừa phản ánh tình hình thị trường, phản ánh kiến nghị, nguyện vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng đến cơ quan quản lý”, ông Hà chia sẻ.

Tin bài liên quan