Tân Hiệp Phát trỗi dậy mạnh mẽ nhờ bản lĩnh và sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Tập đoàn Tân Hiệp Phát kỷ niệm 27 năm thành lập trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Tuy nhiên, với bản lĩnh thương trường, tinh thần dám nghĩ dám làm và không ngừng sáng tạo của những người chèo lái – gia tộc doanh nhân họ Trần, mà đứng đầu là TS. Trần Quí Thanh đã đưa Tân Hiệp Phát mạnh mẽ vượt qua khó khăn, viết tiếp những thành công.

Tân Hiệp Phát trỗi dậy mạnh mẽ nhờ bản lĩnh và sáng tạo

Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã chia sẻ xung quanh câu chuyện này.

Càng khó khăn, càng sáng tạo

Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh phía Nam – tâm điểm của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Tình hình sản xuất tại Tân Hiệp Phát ra sao trong giai đoạn đó?

Đầu tiên, tôi phải nói rằng, Tân Hiệp Phát rất may mắn. Có rất nhiều khó khăn đã xảy ra, nhưng trước mỗi khó khăn, Ban lãnh đạo Công ty đều đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Đó là an toàn cho tổ chức, an toàn cho cán bộ công nhân viên. Khi nhân viên an toàn, doanh nghiệp mới có thể duy trì hoạt động được.

Điều Tân Hiệp Phát luôn ghi nhớ là không được bỏ cuộc trong giai đoạn này, bởi nếu gục ngã sẽ đánh mất cơ hội, mất luôn cả khả năng có thể vực dậy doanh nghiệp khi dịch bệnh đi qua.

Khi có yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ” để phòng dịch, các cấp quản lý từ cấp trung đến cấp cao đều có mặt và đồng hành cùng nhân viên, động viên họ nỗ lực vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất. Nhân viên Công ty cũng nhận thức được rằng doanh nghiệp có ổn định, phát triển thì cuộc sống của họ mới ổn định, tốt đẹp.

Tính kỷ luật cũng là điểm đột phá của Tân Hiệp Phát trong giai đoạn vừa qua. Khi trải qua rồi thường thấy mọi việc đơn giản, nhưng để tổ chức sản xuất cho hàng nghìn con người trong điều kiện như vậy, đòi hỏi tính tuân thủ kỷ luật của mỗi cá nhân rất cao.

Càng khó khăn, con người Tân Hiệp Phát càng sáng tạo, chúng tôi đã đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh mà vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về những thay đổi trong quy trình hoạt động của Công ty?

Chúng tôi đã có nhiều thay đổi về quy trình thủ tục giấy tờ, hồ sơ đến các bước kiểm soát, vận hành. Cụ thể, Tân Hiệp Phát phải khai thác một quy trình mới là chữ ký điện tử. Pháp lý cũng phải triển khai để thuận tiện nhất cho khách hàng.

Trong quy trình nội bộ, các bước kiểm soát, công đoạn duyệt đưa thành những bước ngắn hơn, rút gọn thời gian trình. Trước đây, để duyệt một thủ tục, cần trình các cấp, nhưng bây giờ có thể tạo lập một group chat để các lãnh đạo cùng thảo luận cho ý kiến.

Trong vận hành sản xuất, khâu chia sản phẩm trước đây thường do công nhân làm, nhưng nay Tập đoàn đã đầu tư xe nâng tay, xe nâng máy để tránh tương tác…

Chính sách kinh doanh của Tân Hiệp Phát có những điều chỉnh gì để thích nghi với giai đoạn khó khăn vừa qua?

Tân Hiệp Phát không bán lẻ, mà chỉ bán hàng qua hệ thống nhà phân phối, đại lý, vì vậy, hoạt động của nhà phân phối, đại lý rất quan trọng. Chúng tôi có chính sách linh hoạt ở thời điểm này để tạo điều kiện cho họ.

Ví dụ như trước đây, Tân Hiệp Phát có chính sách kiểm soát bán phá giá rất chặt, nay cũng phải nới rộng để tạo điều kiện hơn cho đại lý trong giao hàng.

Một việc rất khó mà Tân Hiệp Phát làm được trong giai đoạn này là không tăng giá bán, vì những nguyên liệu đầu vào quan trọng của sản xuất nước uống đóng chai như nhựa, đường đều tăng giá. Các công ty trong ngành đều đã tăng giá. Chúng tôi không những giữ giá, mà còn có kế hoạch giảm giá.

Nhưng giảm giá cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải hy sinh lợi nhuận?

Đúng vậy, nhưng cái được lớn hơn là mình duy trì được hệ thống phân phối. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp nước giải khát gặp khó khăn chung từ người tiêu dùng đến hệ thống phân phối.

Bước ra khỏi vùng an toàn

Nhiều doanh nhân chia sẻ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhà quản trị doanh nghiệp không thể hoạch định chiến lược cho nhiều năm tới, mà phải xoay chuyển liên tục để có thể thích ứng với bối cảnh kinh doanh nhiều biến động. Câu chuyện xây dựng chiến lược ở Tân Hiệp Phát ra sao?

Chúng ta đang sống trong một giai đoạn khó khăn và chưa biết được tương lai sẽ thế nào. Chúng tôi truyền tải cho nhân viên thông điệp rằng, chúng ta cần nỗ lực từng ngày, nếu tính xa quá không biết liệu mình có tồn tại xa như thế không. 90 ngày vừa qua, Tân Hiệp Phát vượt qua được giai đoạn giãn cách xã hội, làm việc “3T” là nhờ tinh thần vượt khó mỗi ngày.

Qua làn sóng Covid-19 lần thứ tư, không ai biết được năm 2022 xảy ra những gì. Ai cũng mong muốn đợt dịch thứ tư là đợt cuối cùng nhưng tương lai bất định, không ai cam kết được điều gì chắc chắn, mà cần chuẩn bị những kế hoạch để ứng phó.

Tuy vậy, chiến lược xuyên suốt của chúng tôi vẫn là tập trung vào ngành hàng nước uống và thực phẩm, mục tiêu trở thành công ty hàng đầu Đông Nam Á trong mảng nước giải khát.

Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp nội hiếm hoi có thể cạnh tranh ngang ngửa trên thị trường trong nước với các tập đoàn đa quốc gia có lịch sử hàng trăm năm. Nhìn lại chặng đường 27 năm qua, ở vai trò người lãnh đạo và là con gái của người sáng lập, thành công nào của Tập đoàn khiến bà tự hào nhất?

Để đánh giá về thành công, có thể nói về kết quả của Tân Hiệp Phát đạt được, đó là sự tăng trưởng về sản phẩm, là sự tin yêu của khách hàng dành cho Công ty. Muốn tập trung vào mảng đồ uống có lợi cho sức khoẻ, Tân Hiệp Phát tập trung sản xuất nước uống không có gas và là đơn vị đứng đầu trên thị trường về phân khúc sản phẩm này.

Nếu tính về tất cả các sản phẩm nước uống, Tân Hiệp Phát đang đứng thứ hai trên thị trường. Để đạt được vị trí đó từ năm 2000 đến nay là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Trong 21 năm đó, Tân Hiệp Phát xuất phát điểm không phải là doanh nghiệp có sẵn trên thị trường, mà thực sự là một doanh nghiệp địa phương đi từ con số 0. Tân Hiệp Phát vươn lên khẳng định vị trí chỉ sau 6 năm thành lập và giữ vững vị trí suốt thời gian dài.

Theo bà, đâu là yếu tố then chốt giúp Tân Hiệp Phát trỗi dậy mạnh mẽ và có được thành quả như vậy?

Những điều mà Tân Hiệp Phát làm được đó là giữ được cam kết với khách hàng và kiên định với mục tiêu mình đề ra. Nhắc đến Tân Hiệp Phát, có thể nhiều người chỉ nhớ đến khủng hoảng. Nhưng sau mỗi đợt khủng hoảng, Tân Hiệp Phát lại thấy mình lớn hơn và thấy được nhiều điều mình cần phải cải tiến, bên cạnh những việc mình đã làm tốt.

Điều chúng tôi thấm nhuần là 7 giá trị cốt lõi: Trung thành với sứ mệnh, thực sự thực thi những giá cốt lõi mà mình đề ra; Nói và làm đúng cách, không làm quá và không làm ít hơn; Luôn luôn tốt hơn ngày hôm qua, sẵn sàng cải tiến, đặt ra mục tiêu thực sự thách thức; Thoát ra khỏi vùng an toàn để tiến xa hơn.

Trong đại dịch Covid-19, Tân Hiệp Phát không chọn nằm trong vùng an toàn là tạm ngừng hoạt động. Vì đó là giải pháp đơn giản nhất đối với Ban lãnh đạo, chỉ cần đóng cửa ở nhà, nhân viên tự lo là mình không phải đau đầu.

Sau hai tuần thực hiện phương án “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp trong vùng dịch đã phải đóng cửa vì gánh nặng chi phí và nhiều khó khăn khác. Nhưng mỗi con người Tân Hiệp Phát đều nhận thấy mình cần phải duy trì và chấp nhận rủi ro, nỗ lực từng ngày.

Sau 90 ngày nhìn lại thấy đơn giản nhưng kỳ thực làm việc tại chỗ, mọi sinh hoạt bị xáo trộn, tất cả mọi thứ đều bị giới hạn. Tuy vậy, chúng tôi tìm giải pháp đảm bảo mọi hoạt động bình thường như tổ chức các chương trình đào tạo, thi tay nghề hay tổ chức cuộc thi văn nghệ THP’s Got Talent để đón chào 27 năm ngày thành lập.

Cán bộ nhân viên rất sáng tạo trong ghi âm, ghi hình, có nhóm lại sáng tạo ra vật dụng để làm trống vì không thể đi thuê được…, mà vẫn đảm bảo 5K được tuân thủ nghiêm ngặt trong dự thi. Tôi cũng không hiểu làm sao họ làm tốt được như thế và có tới 36 tiết mục đăng ký dự thi.

Để đi tiếp chặng đường sắp tới, theo bà, điều gì Tân Hiệp Phát cần trong lúc này?

Điểm Tân Hiệp Phát thành công là Tân Hiệp Phát sáng tạo, dám nghĩ dám làm. 27 năm là quãng thời gian không quá dài nhưng không phải quá ngắn, tư duy của người Tân Hiệp Phát là uyển chuyển và hoàn thiện hơn mỗi năm. Chúng tôi càng ngày càng phải trẻ hoá để tiếp cận với người tiêu dùng, phải theo kịp với công nghệ, theo kịp với sự thay đổi liên tục của công nghệ và người tiêu dùng để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Chúng ta có thể nhìn thấy vết xe đổ của những doanh nghiệp quá lớn ngại thay đổi, nhưng càng ngại thay đổi càng khó tiếp cận với những sáng tạo những ý tưởng mới.

Trần Uyên Phương

Chúng ta có thể nhìn thấy vết xe đổ của những doanh nghiệp quá lớn ngại thay đổi, nhưng càng ngại thay đổi càng khó tiếp cận với những sáng tạo những ý tưởng mới. Khi mình ngừng sáng tạo có nghĩa là mình không còn tốt hơn ngày hôm qua. Câu nói: “Hôm nay tốt hơn hôm qua và không bằng ngày mai” nghe rất đơn giản nhưng là một điều rất thách thức.

Năm 2021 với nhiều biến động đọng lại cho bà cảm xúc gì và bà học được điều gì qua giai đoạn mà nhiều người doanh nhân vẫn gọi là “khó khăn chưa từng thấy”?

Tôi không thể nghĩ được giai đoạn "3 tại chỗ" kéo dài đến 90 ngày, mà đến hôm nay, khi trò chuyện với Báo cũng đã đến 100 ngày.

Bài học lớn nhất mà tôi học được là khả năng thích nghi. Còn những khả năng phân tích, đánh giá, phân tích kiến thức ngành là đương nhiên là có. Bên cạnh đó, tôi càng thấm thía hơn một điều, khi chúng ta nghĩ về bản thân mình ít đi thì sẽ có nhiều thời gian để làm những việc lớn hơn cho những người xung quanh.

Tin bài liên quan