Ngày 15/4, tại khách sạn Daewoo, Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Liên hợp quốc tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức và đồng chủ trì Tọa đàm quốc tế “Các xu hướng lớn trên thế giới hậu Covid-19: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách đối với Việt Nam”.
Tọa đàm đã thu hút sự tham dự của các chuyên gia quốc tế hàng đầu của nhiều tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế, đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp…
Chiến lược của nhiều quốc gia đứng trước sức ép phải thay đổi
Chia sẻ tại tọa đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, trong tác động của dịch Covid-19, thế giới đang trải qua những biến động to lớn, nhanh chóng và phức tạp.
Kinh tế thế giới suy giảm mạnh chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, nhưng chuyển đổi số lại được thúc đẩy mạnh mẽ, mang lại cả cơ hội và thách thức to lớn đối với mọi quốc gia. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế gặp nhiều thách thức nhưng toàn cầu hóa số, lưu chuyển dữ liệu toàn cầu lại tiến triển nhanh chưa từng có.
“Chiến lược và mô hình phát triển của nhiều quốc gia đứng trước sức ép phải thay đổi khi đại dịch Covid-19 đang làm bộc lộ rõ hơn những tồn tại, tính thiếu bền vững trong mô hình sản xuất và tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, nâng cao tính bền vững, gia tăng tính bền bỉ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế hài hòa với xu hướng xanh bảo vệ môi trường đã trở thành nhu cầu tất yếu của các chính phủ và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, nâng cao tính bền vững, gia tăng tính bền bỉ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế hài hòa với xu hướng xanh bảo vệ môi trường đã trở thành nhu cầu tất yếu của các chính phủ và doanh nghiệp |
Đề cập tới một số xu thế lớn quan trọng, tác động tới thế giới và khả năng kiến tạo tương lai tốt hơn của các quốc gia, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam bày tỏ mối quan ngại ngày càng lớn đối với 3 cuộc khủng hoảng của trái đất là biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm. Các cuộc khủng hoảng này đe dọa phá hoại các thành tựu phát triển đã đạt được, cũng như triển vọng phát triển trong tương lai.
Ông cũng nêu những căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, cũng như tác động của tình hình này đến hợp tác đa phương, ẩn chứa nguy cơ xói mòn những giá trị phổ quát của nền quản trị toàn cầu; sự bất bình đẳng diễn ra trên diện rộng trong quá trình phân phối vaccine ngừa Covid-19 giữa các quốc gia có thể tiếp tục làm suy giảm hợp tác đa phương ở quy mô rộng hơn trong những năm tới.
'Con thuyền' Việt Nam đã tự tin bơi trên biển lớn
Về các xu hướng lớn trên thế giới giai đoạn hậu Covid-19, các chuyên gia, diễn giả tham gia tọa đàm đã tập trung thảo luận về 3 nội dung chính gồm: Chuyển đổi số, chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng bao trùm; Tự cường và bền vững; và Phục hồi xanh.
Ông Malhotra chia sẻ ấn tượng sâu sắc tới tốc độ nhanh mà thế giới đang vận động trong đại dịch để nắm bắt các công nghệ mới và có tính tiên phong nhằm hỗ trợ việc duy trì các dịch vụ cơ bản thiết yếu cũng như một số hoạt động kinh tế mặc dù rất nhiều người chịu tác động gián đoạn nghiêm trọng trong những lĩnh vực này và đa số chưa thể phục hồi.
Ông cho rằng, tình trạng gia tăng bất bình đẳng trong mỗi quốc gia cũng như giữa các quốc gia với nhau đã trở thành một xu thế lớn, đáng quan ngại. Vì vậy, việc giảm thiểu bất bình đẳng đồng thời theo đuổi chính sách phục hồi xanh và có khả năng chống chịu là mục tiêu cao nhất của Liên hợp quốc.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định, giảm thiểu bất bình đẳng đồng thời theo đuổi chính sách phục hồi xanh và có khả năng chống chịu là mục tiêu cao nhất của Liên hợp quốc |
Chia sẻ câu chuyện của Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã thể hiện một khát vọng phát triển lớn, đó là trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Trong nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, ngành đối ngoại đóng vai trò tiên phong kết nối Việt Nam với các xu thế phát triển lớn của thế giới, thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.
“Việt Nam sẽ không thể đạt được khát vọng phát triển lớn lao nếu chúng tôi không bắt kịp và tận dụng được những cơ hội lớn lao ở bên ngoài”, ông Sơn nói.
Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có tất cả các nước lớn, 17/20 thành viên G-20, toàn bộ các nước ASEAN. Việt Nam chủ động đàm phán và ký 17 FTA, trong đó có 2 FTA thế hệ mới đang được triển khai là Hiệp định CPTPP, và EVFTA và gần đây nhất đã ký Hiệp định RCEP.
“Có thể thấy, con thuyền Việt Nam đã tự tin bơi trên biển lớn một cách chủ động và tích cực và con thuyền đó phải biết đón đầu và cưỡi lên những ngọn sóng lớn trong hành trình của mình”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng tại tọa đàm, các diễn giả, chuyên gia đã đưa ra một số gợi ý về chính sách nhằm giúp Việt Nam tranh thủ được các xu hướng lớn của thế giới, kết hợp hiệu quả nguồn ngoại lực này với sức mạnh quốc gia, tạo thành sức mạnh tổng hợp, giúp Việt Nam đạt được các đột phá, hướng tới các mục tiêu phát triển đề ra tại Đại hội XIII.