Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê).
Gần nửa thế kỷ sau Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, dân số Việt Nam đã tăng hơn 2 lần, từ 48,72 triệu người, lên 100 triệu người. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, thưa ông?
Dân số đông là một lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Dân số đông, đồng nghĩa với thị trường lớn, lực lượng lao động đông đảo, chính là lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài bởi không một doanh nghiệp nào muốn đầu tư ở thị trường nhỏ bé, sức mua yếu, đặc biệt là thiếu lao động. Vì doanh nghiệp không thể sử dụng lao động từ nước thứ ba, nếu có thì chi phí rất cao, lại thiếu ổn định và không hòa nhập với văn hóa, phong tục, tập quán, thói quen của nước sở tại.
Với quy mô dân số 100 triệu người và đang ở thời kỳ “dân số vàng”, Việt Nam rõ ràng có lợi thế trong hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện khát vọng đặt ra tại Nghị quyết XIII của Đảng là Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 - năm Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Trước mắt, vào năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ năm 2007. Ông có nghĩ rằng, Việt Nam đang phung phí cơ hội?
Khái niệm “dân số vàng” được hiểu là ít nhất 2 người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi) có một người phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 60 tuổi). Theo khái niệm này của UNFPA (Quỹ Dân số Liên hợp quốc) thì Việt Nam bước vào kỷ nguyên dân số vàng kể từ năm 2007. Bất cứ nền kinh tế nào cũng tận dụng tối đa thời kỳ vàng này để phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng vững chắc trước khi bước vào giai đoạn già hóa dân số.
Các nền kinh tế thuộc khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đã tận dụng tối đa thời kỳ dân số vàng như tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều việc làm, tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân, cải thiện an sinh xã hội... Kết quả đạt được là kinh tế của họ phát triển thần kỳ, được thế giới khâm phục, ví như những “con hổ châu Á”.
Nhìn lại hơn 15 năm qua, kể từ khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên dân số vàng, có thể nhận định, chúng ta đã đạt được những thành quả đáng khích lệ mà không phải quốc gia nào khi bước vào thời kỳ này cũng làm được, đó là hoạt động giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khỏe toàn dân; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; giải phóng tối đa nguồn lực trong nước; tuổi thọ người dân được kéo dài; tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất khu vực ASEAN; đời sống người dân được nâng cao; khẳng định được vị thế trong chuỗi sản xuất và xuất - nhập khẩu toàn cầu... Nhưng so với những “con hổ châu Á”, thì rõ ràng, Việt Nam chưa tận dụng được tối đa thời kỳ vàng này.
Cơ cấu "dân số vàng" chỉ xuất hiện một lần và nếu không được khai thác thì sẽ rất lãng phí, nhất là đặt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thưa ông?
Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, gần 70% dân số trong độ tuổi lao động là cơ hội “có một không hai” đối với tất cả các quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội.
Nhật Bản bắt đầu kỷ nguyên dân số vàng từ năm 1965 và kết thúc vào năm 2000. Trong thời kỳ này, Chính phủ Nhật Bản đã thực thi hàng loạt chính sách đồng bộ như chính sách công nghiệp hóa dựa trên nền tảng phát triển công nghiệp được thực hiện đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác (tiền tệ, tài khóa, tỷ giá hối đoái…).
Gắn liền chính sách kinh tế là hàng loạt chính sách nhất quán và nhiều tham vọng để xây dựng một hệ thống giáo dục tốt nhằm tạo một lực lượng lao động có giáo dục và kỹ năng. Chính sách y tế cũng được Chính phủ Nhật Bản đặc biệt coi trọng với việc hướng tới chăm sóc y tế toàn dân, cùng với đó là xây dựng và thực hiện chiến lược an sinh xã hội sâu rộng, đặc biệt là hưu trí và bảo trợ xã hội, nhằm đảm bảo và hỗ trợ đời sống của hàng chục triệu người lao động. Sau gần 1/4 thế kỷ bước vào giai đoạn già hóa dân số, người dân xứ sở mặt trời mọc đã yên tâm hưởng thành quả của mình.
Chúng ta đang ở giai đoạn dân số vàng, là nền tảng và cơ hội để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thưa ông, mỗi quốc gia có xuất phát điểm khác nhau, trình độ kinh tế, phong tục, tập quán, lịch sử khác nhau, vị thế cũng như mối quan hệ trên trường quốc tế khác nhau, bởi thế nên rất khó áp dụng mô hình của các nước đã thành công như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... vào Việt Nam để tận dụng cơ hội dân số vàng?
Đúng là có sự khác biệt rất lớn giữa các quốc gia, nhưng các quốc gia kể trên khi bước vào thời kỳ dân số vàng đều giống nhau ở điểm nghèo nàn, lạc hậu, thậm chí còn bị phụ thuộc vào các cường quốc do vừa bước ra khỏi chiến tranh. Xuất phát điểm của cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore thậm chí còn khó khăn hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng họ đều biết khai thác, tận dụng tối đa thời gian dân số vàng để thành rồng, thành hổ về kinh tế và họ đều đi chung một con đường là thực thi hàng loạt chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ, bảo đảm an sinh xã hội cho người già và người dễ bị tổn thương, bảo đảm bình đẳng giới.
Đối với nước ta hiện nay, muốn tận dụng cơ cấu dân số vàng trong bối cảnh công nghiệp 4.0, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bắt đầu ngay từ khâu đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề, vì hiện nay, nguồn lao động của Việt Nam dồi dào, nhưng chủ yếu là lao động tay nghề thấp, dễ dàng bị thay thế bởi máy móc. Nếu không kịp thời đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, thì những công việc mang tính chất rập khuôn, lặp lại đơn giản, mà đa phần lao động chưa qua đào tạo sẽ dần được thay thế bởi máy móc trong tương lai. Khi đó, nguồn nhân lực dồi dào và thị trường trăm triệu dân không còn đủ sức hút nhà đầu tư nước ngoài.
Dự kiến, vào năm 2036, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số. Trong khi chưa tận dụng tối đa cơ hội thời kỳ dân số vàng thì khó có thể trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, thưa ông?
Lâu nay, chúng ta chỉ quan tâm, đặt nặng việc phát triển kinh tế mà sao nhãng vấn đề dân số, trong khi dân số mới là yếu tố quyết định sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thậm chí, dân số quyết định sự tồn vong của dân tộc. Nhận ra vai trò đặc biệt của công tác dân số, Đảng đã coi công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Chính vì vậy, năm 2017, Đảng đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, coi đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; đặt dân số trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết 21-NQ/TW đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho giai đoạn dân số vàng còn lại, trong đó nhấn mạnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số... Đây là những quyết sách kịp thời, nếu không, viễn cảnh chúng ta “chưa giàu đã già” sẽ trở thành hiện thực.