Kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cho tới nay, chỉ số VN-Index đã có chuỗi tăng điểm tích cực. Bà nhận định như thế nào về diễn biến thị trường trong ngắn hạn?
Xu hướng tăng điểm của chỉ số VN-Index đã được xác nhận bằng chuỗi tăng hơn 7,8% trong khoảng thời gian 2,5 tháng qua. Xu hướng này được hình thành từ thời điểm trước Tết Âm lịch, sau đó bùng lên mạnh mẽ từ phiên đầu sau khi nghỉ lễ kèm với thanh khoản tăng dần cho thấy tâm lí nhà đầu tư rất tự tin vào xu hướng tăng của thị trường.
Bà Nguyễn Ngọc Linh
Trong ngắn hạn, tâm lý lạc quan cùng sự ủng hộ của dòng tiền cho sóng tăng của chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục hiện hữu. Sau giai đoạn tăng khá đồng thuận của các nhóm cổ phiếu, thị trường có thể đi theo hướng phân hóa hơn khi dòng tiền sẽ tập trung vào những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, từ đó tạo sóng kết quả kinh doanh và cổ tức trong quý I/2017.
Theo bà, những nhóm cổ phiếu nào sẽ dẫn dắt thị trường trong ngắn hạn?
Trong ngắn hạn có thể nhìn thấy nhóm ngân hàng - tài chính sẽ dẫn dắt thị trường. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng, cao su tự nhiên, thép cũng đang được hưởng lợi khá tốt từ diễn biến giá hàng hóa thế giới.
Nhóm ngành bất động sản với những tên tuổi đầu ngành cũng là những cổ phiếu nhiều khả năng dẫn đầu sóng tăng.
Theo bà, đây có phải thời điểm thuận lợi để nhà đầu tư lựa chọn giải ngân? Bà có thể gợi ý chiến lược nào cho nhà đầu tư?
Tôi thường yêu thích giải ngân vào thời điểm thị trường trong trạng thái nghi ngờ hoặc đặt cược vào định giá cổ phiếu rẻ. Bên cạnh đó, một khi xu hướng tăng đã được xác nhận, tôi chọn chiến thuật theo xu hướng, bởi lẽ trong sóng tăng, cổ phiếu nào cũng được hưởng lợi.
Nếu như giai đoạn đầu, trong khoảng thời gian trước Tết Âm lịch, dòng tiền lựa chọn cổ phiếu vốn hóa lớn với ý tưởng định giá hấp dẫn thì hiện tại, mặt bằng giá nhóm cổ phiếu này đã cao hơn thời điểm trước và đang có xu hướng luân chuyển trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Chiến lược trong thời điểm hiện tại của tôi nghiêng về chờ đợi mua vào trong nhịp điều chỉnh của sóng tăng này, khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang điều chỉnh cũng như neo tại mặt bằng giá ổn định.
Một vài ý kiến cho rằng, chỉ số VN-Index có thể thiết lập nhiều vùng đỉnh mới và đạt mốc 800 điểm trong năm nay. Bà có quan điểm như thế nào về vấn đề này? Sự tăng trưởng này (nếu có) liệu có trong mức an toàn, kể từ giai đoạn tăng trưởng nóng của thị trường cách đây hơn 1 thập kỷ?
Cá nhân tôi cũng khá lạc quan với xu hướng của chỉ số VN-Index trong năm 2017, khi thị trường chứng khoán đang phát triển cả về chất và lượng. Sau khi chinh phục mốc 680 điểm, nếu đơn thuần nhìn về phân tích kĩ thuật thì VN-Index còn rất nhiều đỉnh mới hứa hẹn để chinh phục, thậm chí có ý kiến còn so sánh với thời kì tăng trưởng nóng năm 2007.
Tôi đã có niềm tin tích cực vào xu hướng thị trường nên trong giai đoạn này không còn bận tâm quá tới chỉ số, thay vào đó tập trung vào các cổ phiếu nằm trong danh mục, nhất là khi có nhiều thay đổi về lượng cung hàng năm 2017.
Thị trường chứng khoán lúc nào cũng “nóng”, bởi vậy khi nhắc đến chứng khoán, mặc định nhà đầu tư cần phải trang bị các biện pháp quản trị rủi ro cho mình. Do đó, với tôi, không có khái niệm chỉ số tăng trưởng trong biên độ “an toàn hay không an toàn”.
Trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn sẽ lên sàn UPCoM hoặc niêm yết. Bà nhìn nhận như thế nào về cơ hội đầu tư với các cổ phiếu này?
Năm 2017 sẽ là năm nhà nước đẩy mạnh hoạt động niêm yết và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước với hàng loạt các tên tuổi lớn đã và sẽ được đưa lên sàn như Vietjet, Petrolimex, Thaco, Mobiphone… Làn sóng lên sàn này được đánh giá là những cơ hội mới cho thị trường.
Về chất lượng doanh nghiệp, tôi đánh giá chung đây là những doanh nghiệp nằm trong ngành kinh doanh tốt, triển vọng về ngành hứa hẹn. Việc bước đầu những doanh nghiệp này được đưa lên sàn UPCoM lại càng gia tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư với quy định về biên độ và biến động của cổ phiếu tại đây. Nhóm cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước mới lên sàn sẽ là một trong những nhóm cổ phiếu hút được dòng tiền của thị trường trong năm nay.