Ngân hàng nỗ lực tìm nguồn vốn rẻ
Ðẩy mạnh tài trợ vốn “xanh” đang trở thành xu hướng và trở nên quan trọng hơn khi vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và sử dụng tài nguyên hiệu một cách hiệu quả đang ngày càng được coi trọng ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Mặc dù ý tưởng ban đầu là nguồn vốn ưu đãi tài trợ cho các dự án, nhưng ý nghĩa “xanh” sẽ lan rộng hơn, mang lại những sản phẩm thân thiện với môi trường - xã hội, hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng xanh mà Chính phủ đang hướng đến. Ðể có được nguồn vốn lãi suất phù hợp, các ngân hàng đã phải rất nỗ lực.
Vietcombank và Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã ký hợp đồng tín dụng hỗ trợ dự án năng lượng tái tạo trị giá 200 triệu USD trong quý II/2019, kỳ hạn 14 năm - phù hợp nhu cầu vay vốn đầu tư dự án năng lượng xanh tại Việt Nam. Hai bên hợp tác tài trợ vốn cho các dự án điện mặt trời, điện gió.
Ðây là khoản cấp tín dụng hợp vốn do JBIC làm ngân hàng đầu mối thu xếp vốn và 4 ngân hàng thương mại hàng đầu khác của Nhật Bản gồm MUFG Bank, Mizuho Bank, The Joyo Bank và The Nishi - Nippon City Bank tham gia cấp vốn.
Ðối với lĩnh vực tín dụng xanh, thực hiện định hướng phát triển của Chính phủ, Vietcombank đã dành nhiều nguồn lực và là ngân hàng thương mại tích cực tài trợ các dự án trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, JBIC cũng đã triển khai hiệu quả việc thúc đẩy đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, khuyến khích các hoạt động đầu tư gắn với mục đích bảo vệ môi trường, đẩy mạnh tài trợ các dự án hạ tầng cơ sở quan trọng tại Việt Nam.
Với TPBank, ngân hàng này vừa nhận khoản tài trợ 20 triệu USD để cho vay tín dụng xanh. Trước đó, ngày 29/7/2019, TPBank đã ký hợp đồng dài hạn khoản vay tín dụng xanh trị giá 20 triệu USD (khoảng 465 tỷ đồng) trong vòng 3 năm từ Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu - The Global Climate Partnership Find (GCPF).
Theo đó, các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh có yếu tố tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải nhà kính CO2 và thân thiện với môi trường đều có cơ hội tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi này.
Lãnh đạo TPBank cho rằng, tín dụng xanh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính - ngân hàng toàn cầu và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Trong chiến lược kinh doanh, phát triển bền vững là mục tiêu TPBank luôn hướng đến, nhất là công tác bảo vệ môi trường. Khoản vay tín dụng xanh tại TPBank có thể trải rộng với nhiều mục đích khác nhau, từ đầu tư các dự án lớn đến các khoản tiêu dùng các món đồ thông thường, miễn sao không gây tác động xấu tới môi trường.
Ông David Diaz Formidoni, đại diện GCPF cho biết, những kết quả ấn tượng trong kinh doanh cùng định hướng phát triển lành mạnh là một trong những lý do để GCPF tin tưởng gói hợp tác tín dụng xanh giữa hai bên phát huy được tối đa hiệu quả, trợ giúp đắc lực cho các dự án xanh, qua đó góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững và thân thiện với môi trường tại Việt Nam.
TPBank là một trong hai ngân hàng ký kết hợp tác với GCPF triển khai chương trình cấp vốn ưu đãi lãi suất cho khách hàng với các mục đích vay góp phần bảo vệ môi trường, phát triển tín dụng xanh.
Tại Nam A Bank - ngân hàng đầu tiên hợp tác với GCPF, đang có chương trình ưu đãi tài trợ vốn cho mục đích trang bị máy móc, dây chuyền sản xuất không gây tác động đến môi trường; phục vụ sản xuất - kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường; đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng, nhà xưởng có sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và giảm tiêu thụ năng lượng; xây dựng công trình, mua sắm đồ gia dụng thân thiện với môi trường; triển khai dự án hướng đến bảo vệ môi trường...
Ông Lê Quang Quảng, Phó tổng giám đốc Nam A Bank thông tin, chương trình “Tín dụng xanh” của Ngân hàng không chỉ cấp vốn cho khách hàng phục vụ mục đích kinh doanh, tiêu dùng, mà còn mang thông điệp nhân văn sâu sắc, đó là sản xuất, tiêu dùng gắn với bảo vệ môi trường. Thông qua việc hợp tác với GCPF, Nam A Bank sẽ đẩy mạnh triển khai cấp tín dụng xanh đến khách hàng để cùng phát triển, hướng đến một cuộc sống an toàn, bền vững.
Hướng đến mở rộng hơn nguồn tài trợ bên ngoài
Tín dụng xanh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu nói chung và ngành ngân hàng Việt Nam nói riêng, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Tổng tiềm năng đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu của Việt Nam có thể lên đến 753 tỷ USD từ nay tới năm 2030
Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) dự báo, tổng tiềm năng đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu của Việt Nam có thể lên đến 753 tỷ USD từ nay tới năm 2030, trong đó 59 tỷ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo, 80 tỷ USD đối với các dự án công trình xanh.
Tuy nhiên, khó khăn của năng lượng tái tạo cũng là khó khăn chung của các dự án bền vững khác trong việc tiếp cận nguồn tài chính hỗ trợ. Trong đó, các nhà đầu tư đặt nhiều quan tâm vào việc cải thiện mô hình thỏa thuận mua điện hiện nay và coi đây là chìa khóa để mở rộng hơn các khoản đầu tư trong tương lai.
Ðây là một trong những động cơ thúc đẩy các ngân hàng Việt Nam xây dựng các giải pháp, tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường…
Cùng với đó là tăng cường huy động các nguồn lực để đẩy mạnh thực hiện chính sách tín dụng xanh theo chủ trương Chính phủ đã đề ra, bao gồm huy động từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ưu đãi dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế (WB, IFC, ADB, JICA, KfW...), huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu xanh để tài trợ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, tiết kiệm năng lượng…
Ngoài ra, ngân hàng cũng chủ động trong tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội của toàn ngành ngân hàng trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.