Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo - chế biến. Ảnh: Đức Thanh
Phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19
Một câu hỏi luôn được đặt ra trong thời gian gần đây là, trong khi kinh tế toàn cầu đang quay cuồng trong nguy cơ suy thoái và lạm phát, thì kinh tế Việt Nam thế nào?
Cũng giống như 2 năm Covid-19, các dự báo đưa ra khá lạc quan. Lần lượt, sau khi Việt Nam công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, các tổ chức quốc tế đều đã có điều chỉnh về dự báo kinh tế Việt Nam.
Gần đây nhất, WB đã đưa ra mức dự báo “khủng”, với tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay có thể đạt tới 7,5%. Được biết, sau con số dự báo 6,5% được đưa ra hồi tháng 10/2021, thì đầu tháng 4 năm nay, WB đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 5,3%.
Nhưng nay, câu chuyện đã khác. “Quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam đã tăng tốc trong nửa đầu năm, nhờ khu vực chế biến - chế tạo đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ”, Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế của WB viết.
“Bất chấp những cú sốc và tình trạng bất định gia tăng gần đây, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên lộ trình phục hồi”, bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam nói.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) xưa nay luôn có những đánh giá rất thận trọng, nhưng lần này đã rất kiên định với dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam, dù điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới.
Gần đây nhất, IMF đã dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 là 7%, tăng 1 điểm phần trăm so với con số 6% được đưa ra hồi giữa tháng 5/2022.
Trong cuộc thảo luận mới đây với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tình hình kinh tế Việt Nam, bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia cao cấp của IMF đã nhấn mạnh việc “kinh tế Việt Nam đã phục hồi trên diện rộng”. “Chiến dịch tiêm chủng thành công đã cho phép Việt Nam mở cửa nền kinh tế, phục hồi khu vực du lịch, dịch vụ. Nhờ những động lực mạnh mẽ này, GDP quý II/2022 của Việt Nam đã tăng trưởng cao. Quý III năm ngoái, GDP tăng trưởng âm, do vậy, quý III năm nay có khả năng tiếp tục tăng trưởng cao”, bà Hà Thị Kim Nga nói.
Có chung quan điểm với IMF, Ngân hàng Standard Chartered thậm chí còn đưa ra con số 10,8% cho tăng trưởng GDP quý III năm nay, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.
Tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng
Chính các dự báo khác nhau của các tổ chức quốc tế đối với kinh tế Việt Nam và toàn cầu, khiến chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh về tính “bất định” của nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng nói về tính “khó dự báo” và những rủi ro, thách thức từ việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn trên toàn cầu.
Trong khi đó, bà Carolyn Turk nhắc tới các rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới, như tăng trưởng chậm lại hoặc tình trạng lạm phát - đình đốn ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hay các cú sốc về giá cả, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dù Việt Nam đang quyết tâm lựa chọn cả 3 mục tiêu đầy thách thức, là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững, thì chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành vẫn cho rằng, Việt Nam có đủ nguồn lực và công cụ để thực hiện cả 3 mục tiêu này.
Còn Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn, hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục khởi sắc, nguồn vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cũng được giải ngân nhanh hơn, mạnh hơn và tác động tích cực tới nền kinh tế.
Cơ hội là rất lớn, nhưng rủi ro, thách thức phục hồi kinh tế còn lớn hơn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất.
- Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giải ngân các chính sách thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tốt, thống kê sơ bộ đạt khoảng 48.000/301.000 tỷ đồng. “Đây là kết quả đáng ghi nhận khi vừa phải triển khai nhanh, kịp thời, vừa bảo đảm tránh sai sót, trục lợi, bảo đảm hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Tình hình giải ngân một số chính sách đã cải thiện rõ rệt sau khi được kịp thời tháo gỡ khó khăn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Trong khi đó, việc phân bổ vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình vẫn đang gấp rút được thực hiện. Cuối tháng 7/2022, Phó thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến cơ bản thông qua phương án dự kiến danh mục và mức vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án của Chương trình. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương phối hợp các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện Tờ trình Chính phủ, dự thảo Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong thời gian sớm nhất.
Để kiểm soát giá cả, Chính phủ vừa quyết định giảm thuế nhập khẩu ưu đãi xăng dầu từ 20% xuống 10%. Nhiều động thái điều chỉnh giảm thuế, phí xăng dầu cũng đã được thực hiện nhằm “kéo” giá xăng xuống, góp phần quan trọng giảm chi phí đầu vào cho sản xuất - kinh doanh.
“Chúng ta phải chủ động nắm chắc tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới; tăng trưởng kinh tế vừa trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, vừa là điều kiện để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Để tận dụng mọi cơ hội nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt, đồng bộ, đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính… đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Ở góc độ khác, bà Carolyn Turk đề xuất áp dụng chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ hơn, chính sách tiền tệ linh hoạt, đồng thời chủ động tăng cường sức mạnh của hệ thống ngân hàng và thực hiện cải cách cơ cấu.
Với tầm nhìn dài hơi hơn, bà Carolyn Turk cho rằng, để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất lao động ở mức 2-3%/năm.