Vẫn lo chính sách tiền tệ
Tiếp tục Kỳ họp thứ sáu, sáng qua (24/10) các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách, kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều ý kiến phát biểu ghi nhận những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, tăng trưởng GDP năm nay dù dự kiến không đạt kế hoạch, nhưng vẫn là kết quả tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, nhất là các gói hỗ trợ sau đại dịch.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, cần đánh giá sâu hơn một số vấn đề để có ngay giải pháp gỡ khó cho nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu nhận xét, nền kinh tế khát vốn, nhưng khó hấp thụ vốn. Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm xuống, nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 21/9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022.
Theo đại biểu Yến, kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn tín dụng ngân hàng, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 7/2023 đã vượt mức 3% (là 3,56%), dù nhiều khoản nợ đã được gia hạn, giãn tiến độ trả nợ theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
“Tỷ giá đã có những biến động mạnh, trong tháng 8/2023, có lúc tiền đồng mất giá 2,3% so với đầu năm. Đây là vấn đề cần quan tâm theo dõi, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn có khả năng tiếp tục tăng lãi suất và kéo dài chính sách tiền tệ thắt chặt”, bà Yến lo ngại.
Liên quan vấn đề này, đại biểu Yến cũng “đề nghị Ngân hàng Nhà nước thông tin rõ để các đại biểu được biết có hay không có việc một số ngân hàng thương mại của Việt Nam gửi tiền ở ngân hàng nước ngoài để lấy lãi tín dụng cao”.
Ở tổ thảo luận khác, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cũng lo ngại về điều hành chính sách tiền tệ, nhất là sự thất bại của gói hỗ trợ lãi suất 2%.
“Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhiều lần giải thích nguyên nhân là do doanh nghiệp không có nhu cầu, nhưng kiểm toán lại chỉ ra rằng, công tác truyền thông của Ngân hàng Nhà nước chưa đi trước, chưa mang tính định hướng, các ngân hàng thương mại thì chưa tích cực triển khai chính sách”, ông Hà Sỹ Đồng phát biểu.
Thách thức lớn, nhưng cơ hội cũng nhiều
Hồi âm ý kiến đại biểu về chỉ tiêu tăng trưởng và những khó khăn khác của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh rất khó khăn vừa qua, sự ủng hộ của Quốc hội với các quyết sách hết sức sáng suốt, kịp thời là rất đáng quý.
“Năm nay, tăng trưởng tuy không đạt mục tiêu, nhưng được khoảng 5% thì cũng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Chúng tôi đã khảo sát cho thấy như vậy”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vấn đề là 3 năm không đạt mục tiêu thì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu của cả nhiệm kỳ 5 năm. “Nhưng nếu điều chỉnh thì làm giảm động lực, nên Chính phủ muốn giữ nguyên để tập trung thực hiện bằng được mức cao nhất”, ông Nguyễn Chí Dũng giải thích.
Thời gian tới, theo người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư thì cơ hội và thách thức đan xen, với thách thức lớn, cơ hội nhiều, nhưng vấn đề là phải nắm được cơ hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề cập một số cơ hội mở ra sau hoạt động đối ngoại sôi nổi của năm nay, trong đó có sự kiện nâng tầm quan hệ với Hoa Kỳ.
“Từ hôm đó, rất nhiều đoàn của Hoa Kỳ đến Việt Nam. Ngay sau đó, Thủ tướng Việt Nam sang Hoa Kỳ. Rất nhiều hoạt động liên quan đến trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo, đến chip bán dẫn, các ngành công nghệ mới giá trị cao đang được triển khai quyết liệt”, Bộ trưởng thông tin.
Ở tổ thảo luận khác, nêu ý kiến về tình hình kinh tế, xã hội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, trong đó cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu.
“Nói điều này không phải tự khen đất nước mình, nhưng những kết quả đạt được rất ấn tượng”, Chủ tịch nước phát biểu.
Bên cạnh kết quả, Chủ tịch nước cũng nhận xét, hạn chế, khó khăn còn rất nhiều, rất lớn. Trong đó, có rất nhiều công việc cần phải giải quyết, nhưng khả năng giải quyết của các cơ quan nhà nước chưa đáp ứng được.
Lấy ví dụ về xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, ông nói: “10 năm qua, các ngân hàng không đồng chúng ta vẫn chưa giải quyết được cái nào cho ra hồn, thậm chí đã có chủ trương cơ cấu lại các ngân hàng không đồng, nhưng đến giờ, chúng ta vẫn chưa xử lý dứt điểm được cái nào. Điều đó làm cho rủi ro tiềm ẩn rất lớn, mà những hệ quả của nó chúng ta cũng chưa thể đánh giá một cách đầy đủ”.
Năm 2024 có thiếu điện?
Tình hình thiếu điện đang rất nghiêm trọng. Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra nguy cơ thiếu điện cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Ủy ban Kinh tế đánh giá, nếu không có giải pháp căn cơ, kịp thời, nguy cơ thiếu hụt nguồn điện nhiều khả năng sẽ tiếp tục xảy ra trong những mùa nắng nóng tiếp theo của năm 2024.
Đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ hậu quả từ sự cố cắt điện đối với nền kinh tế và số liệu tiêu thụ điện thời gian qua để thấy rõ hơn tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đã khó khăn trăm thứ rồi, lại còn khó về điện.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm sau, Chính phủ nêu là đảm bảo điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong cả nước trong năm 2024, vậy năm 2024 có thiếu điện không, nếu có thì giải pháp là gì? Tôi không tìm được câu trả lời cho vấn đề hết sức quan trọng này trong báo cáo.
- Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị