Dấu ấn xuất khẩu sang thị trường CPTPP
Điểm nhấn trong 5 năm thực thi CPTPP là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta có mức tăng trưởng nhanh tại một số thị trường mới thuộc châu Mỹ mà trước đó Việt Nam chưa ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA), điển hình là Canada, Mexico, Peru.
CPTPP gồm 11 quốc gia thành viên, nhưng trong số này, Việt Nam đã có FTA song phương hoặc đa phương với nhiều nước, như Nhật Bản, Australia, New Zealand, Chile và một số nước ASEAN như Malaysia, Singapore. Việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Bộ Công thương đánh giá, CPTPP thực sự đã tạo động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
CPTPP có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 14/1/2019. Trước đó, năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thuộc khối này đạt 39,5 tỷ USD. Cuối năm 2023, con số này đã tăng thêm 20 tỷ USD, đạt 50,5 tỷ USD. Cán cân thương mại của Việt Nam với khối CPTPP thường xuyên xuất siêu.
Mức tăng trưởng rất đáng ghi nhận, bởi giai đoạn này, kinh tế - thương mại toàn cầu nói chung và thương mại giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP nói riêng đứng trước rất nhiều khó khăn như suy giảm kinh tế, dịch bệnh, xung đột địa chính trị…
Sau 5 năm thực thi, đến nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang khối thị trường này ghi nhận mức tăng trưởng khá, nhưng chưa đồng đều, chủ yếu vẫn tập trung tại một số thị trường chính như Canada, Nhật Bản, Singapore, Malaysia,
Australia. Trong khi đó, xuất khẩu sang Peru, New Zealand, Brunei đạt kim ngạch thấp, chưa tới 1 tỷ USD/năm.
Với tổng dân số 500 triệu người, khối CPTPP chiếm 3,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới. Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) nhận định, lợi ích nổi bật của Việt Nam khi tham gia CPTPP là mở cửa thị trường, thuận lợi trong xuất nhập khẩu. Ngoài việc khai thác thị trường tại các nước đã có FTA, Việt Nam còn đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường chưa có FTA song phương là Canada, Mexico.
Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, năm 2018, xuất khẩu sang Canada mới đạt 3 tỷ USD, thì hết năm 2022 đã vượt 6,3 tỷ USD và năm 2023 đạt 5,63 tỷ USD do chịu tác động của suy giảm kinh tế. Tương tự, năm 2018, xuất khẩu sang Mexico đạt 2,24 tỷ USD, đến cuối năm 2023 tăng lên mức 4,41 tỷ USD.
Bà Mary Ng, Bộ trưởng Phát triển kinh tế, thương mại và xúc tiến xuất khẩu Canada, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 26 đến ngày 29/3/2024 của phái đoàn doanh nghiệp Canada đã nhấn mạnh: “Kể từ khi CPTPP có hiệu lực, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Canada đã tăng trưởng 170%, đưa quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước trở thành ‘ngôi sao sáng’ trong CPTPP. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cả 2 nước và sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới để đạt thêm nhiều thành công mới”.
Tăng tốc đáp ứng xuất xứ, tận dụng ưu đãi
Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những kết quả đạt được từ CPTPP đối với doanh nghiệp Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, việc tận dụng ưu đãi thuế quan chưa cao.
Dữ liệu của năm xuất khẩu đạt kết quả cao nhất là năm 2022, mới chỉ có 2,54 tỷ USD hàng Việt xuất sang CPTPP được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi, chiếm chưa đầy 5% tổng kim ngạch xuất khẩu sang khối này.
Phân tích kỹ hơn, Bộ Công thương cho rằng, tỷ lệ cấp C/O theo CPTPP chưa cao một phần do hầu hết các đối tác trong CPTPP đều đã có FTA với Việt Nam, quy tắc xuất xứ dễ hơn và mức thuế suất ưu đãi tốt hơn so với CPTPP trong những năm đầu hiệp định này có hiệu lực.
Kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O theo CPTPP sang thị trường Canada và Mexico lớn nhất trong các thị trường CPTPP. Nhưng năm 2022, hàng hóa xuất khẩu sang Canada được cấp C/O theo CPTPP mới đạt 863,5 triệu USD, chiếm 13,67% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này.
Tương tự, với Mexico, con số là 1,39 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 30,7% trong tổng số 4,53 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu sang Mexico
Chia sẻ tại cuộc Đối thoại với Hải quan Việt Nam nhân kỷ niệm 5 năm thực thi CPTPP tổ chức vào tuần trước, bà Trần Thu Quỳnh, tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cũng nhấn mạnh, tỷ lệ tận dụng CPTPP của doanh nghiệp Việt Nam khi vào thị trường Canada còn thấp.
Canada là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 trong khối, nhưng chỉ có 18% sử dụng C/O mẫu CPTPP; hơn 80% vẫn sử dụng ưu đãi theo cơ chế thuế Tối huệ quốc (MFN) và Ưu đãi thuế quan phổ cập. Tuy nhiên, tới tháng 12/2024, cơ chế Ưu đãi thuế quan phổ cập không còn hiệu lực. Các doanh nghiệp cần đáp ứng tốt hơn quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi theo C/O trong CPTPP, khi các ưu đãi theo MFN kết thúc.
Một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O theo CPTPP chưa cao là do quy tắc xuất xứ trong CPTPP được coi là chặt nhất trong số các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Đây cũng là FTA đã có hiệu lực duy nhất tính đến thời điểm này áp dụng quy tắc từ sợi trở đi đối với hàng dệt may của Việt Nam.
Năm 2023, dệt may dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu, đạt hơn 1,09 tỷ USD, nhưng tỷ lệ ưu đãi thuế quan theo C/O của CPTPP còn thấp, bởi quy định xuất xứ ngặt nghèo.
Theo chuyên gia, CPTPP đã tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam tiếp cận thị trường mới, nhưng doanh nghiệp cần phải tăng tốc hơn nữa, tìm hiểu tường tận hơn về cam kết của Hiệp định với từng ngành hàng, đáp ứng tốt yêu cầu về quy tắc xuất xứ để có ưu đãi...