Tận dụng CPTPP, doanh nghiệp phải “lột xác” trước

(ĐTCK) Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nhờ CPTPP là rất lớn, nhưng để biến cơ hội thành hiện thực, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động tiếp cận thông tin. Đó là khuyến nghị được nêu lên tại Hội thảo liên quan đến chủ đề này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương tổ chức mới đây.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Công thương khẳng định, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA) và hiệp định bảo hộ, song CPTPP vẫn là đỉnh cao nhất về mở cửa thị trường và những chuẩn mực thúc đẩy cải cách thế chế trong nước.

“Tác động lớn nhất của CPTPP ở hai góc độ, thứ nhất là các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện thâm nhập vào thị trường thế giới tốt hơn, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu nhờ hàng rào thuế quan về cơ bản được dỡ bỏ. Góc độ thứ hai quan trọng hơn, là những chuẩn mực cao của CPTPP sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy những nỗ lực cải cách thể chế trong nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Theo ông Khánh, dù không có sự tham gia của Hoa Kỳ, song CPTPP vẫn là cơ hội lớn giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Bởi với hiệp định này, chúng ta có quan hệ thương mại đối với 3 thị trường tự do tại châu Mỹ và nâng cấp được 7 hiệp định tự do đối với các đối tác khác trong CPTPP.

Lưu ý được ông Hà Duy Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài chính đưa ra với các doanh nghiệp là việc nghiên cứu kỹ các ưu đãi thuế quan để tận dụng tối đa và tranh thủ thúc đẩy xuất khẩu là rất quan trọng, bởi ưu đãi thuế quan và giảm thuế là những điều kiện cần thiết để thúc đẩy xuất khẩu.

Bên cạnh đó, theo ông Vương Đức Anh, Phó Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, quan trọng hơn là các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh chính sản phẩm dịch vụ của mình vượt qua được các rào cản kỹ thuật.

“Khi thuế quan giảm xuống cũng có nghĩa là những rào cản về kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm vượt qua những tiêu chuẩn quốc tế cũng không là điều dễ dàng. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn về kỹ thuật, về an toàn vệ sinh thực phẩm để có thể tiếp cận thị trường thế giới”, ông Đức Anh chia sẻ.

Cũng theo thông tin từ Bộ Công thương, nông sản là mặt hàng được kỳ vọng sẽ có cơ hội tăng mạnh xuất khẩu vào các thị trường CPTPP. Theo đó, những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như chè, cà phê, hạt điều có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trong khối. Với điều kiện đặc biệt về thổ nhưỡng và thậm chí năng suất lao động khá cao trong ngành này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh để tăng xuất khẩu. 

Tuy nhiên, các sản phẩm của ngành chăn nuôi Việt Nam như thịt gà, thịt lợn, thịt bò sẽ chịu sức ép cạnh tranh cao từ các thị trường trong khối, do công nghệ chăn nuôi của Việt Nam vẫn còn lạc hậu. Không chỉ gặp khó khăn trên thị trường xuất khẩu, các ngành hàng này còn chịu sức ép ngay trên sân nhà.

Ông Đức Anh cho rằng, quá trình hội nhập đang đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi lại cơ cấu hàng hoá, tập trung vào những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm để có thể đảo ngược tình thế, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là ngành nông nghiệp hữu cơ đặc sản - đây sẽ là những lợi thế của Việt Nam để tận dụng tốt nhất những cơ hội mở ra từ CPTPP.

Tận dụng CPTPP, doanh nghiệp phải “lột xác” trước ảnh 1

 Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Với CPTPP không có Hoa Kỳ, nhiều vấn đề đã thay đổi so với TPP, bàn cờ lợi ích đã chuyển hướng. Lợi ích xuất khẩu lớn mà Việt Nam kỳ vọng ở thị trường Hoa Kỳ đã không còn, cơ hội lại chuyển hướng sang các thị trường khác mà chúng ta chưa hẳn đã quen thuộc, nhưng rất có thể nhiều
tiềm năng.

Cùng với cơ hội là những thách thức cạnh tranh mới, bởi xuất khẩu Việt Nam chuyển hướng, xuất khẩu của các nước khác trong CPTPP cũng như vậy. Tiếp sau sự thay đổi về thị trường mục tiêu, những tác động của Hiệp định đối với từng nhóm doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau cũng thay đổi. Trong TPP, chúng ta nói nhiều tới cơ hội xuất khẩu của ngành dệt may, giày dép, nông sản ở thị trường lớn Hoa Kỳ. Trong CPTPP, những cái tên tiềm năng khác lại được nêu hàng đầu, như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá… Tất cả những điều này khiến những gì mà các doanh nghiệp từng dự liệu đều thay đổi, dẫn tới trọng tâm và lợi ích của doanh nghiệp ở các cam kết của mỗi thị trường cũng đã thay đổi.

Do đó, việc phổ biến, tuyên truyền các nội dung cam kết của CPTPP, cùng với những tác động và thay đổi của CPTPP trong bối cảnh mới là rất cần thiết để các doanh nghiệp hoạch định tốt hơn mục tiêu kinh doanh của mình ở và với các thị trường.

Tin bài liên quan