Rút ngắn khoảng cách
Những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa được cho là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi nền kinh tế suy thoái. Việc phải tồn tại, gặp được khách hàng, đưa sản phẩm đến tay người dùng trong tình cảnh giãn cách xã hội tạo động lực mạnh mẽ cho công tác chuyển đổi số, đặc biệt là ở kênh bán hàng.
Đặc thù của nông sản Việt là thời gian sử dụng ngắn ngày, dễ hư hỏng, nên chuyển đổi số có thể là một hình thức thúc đẩy doanh số thông qua các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Là doanh nghiệp chọn thương mại hóa nông sản thông qua các công cụ trực tuyến, ông Lê Anh Tuấn, nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Firstcom Digital cho rằng, việc sản xuất hay tiêu thụ nông sản hiện nay không chỉ là những công việc thủ công, mà còn là cách tạo nên câu chuyện để thổi hồn vào sản phẩm. Đây cũng là cách giúp gia tăng giá trị của chính sản phẩm đó trên thị trường cạnh tranh.
Cùng với đó, việc áp dụng tối ưu những công nghệ mới và các nền tảng mạng xã hội sẽ giúp tiếp thị sản phẩm, dễ dàng tiếp cận khách hàng tiềm năng hơn. “Khách hàng hiện nay sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm hữu cơ và có giá trị nguyên bản, nên các doanh nghiệp phân phối nông sản hoàn toàn có thể tạo nên những câu chuyện về giá trị cốt lõi của sản phẩm và đưa ra thị trường thông qua các kênh thông tin và mạng xã hội để kết nối trực tiếp người tiêu dùng, thay vì trông chờ vào các chương trình giải cứu”, ông Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Để phục vụ nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng về mảng thực phẩm, các sàn thương mại như Tiki, Shopee đã tạo ra phân khúc thực phẩm tươi, rau củ quả (Tiki Ngon, Shopee Farm…). Ông Trần Lâm, Giám đốc điều hành Natural House Ltd đã sử dụng các sàn thương mại điện tử này làm kênh bán hàng chủ lực và cho rằng, đây chính là ưu thế cho các nhà phân phối nông sản trong thời điểm hiện tại.
Các nhà cung cấp nông sản có thể đưa sản phẩm của mình bằng cách xác định sản phẩm muốn bán và kênh phân phối phù hợp, còn các nhà phân phối có thể tìm kiếm các thông tin về việc đưa sản phẩm lên các kênh trực tuyến bằng cách tìm kiếm theo cú pháp “Bán hàng cùng [tên sàn thương mại điện tử]”.
Cần liên kết để quản lý chuỗi
Hiện các doanh nghiệp gặp nhiều thách thức trên chặng đường đưa nông sản đến tay người dùng qua công nghệ.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp đang kinh doanh các mặt hàng nông sản tại địa phương, ông Lê Đức Huy, Phó tổng giám đốc Simexco Đắk Lắk cho rằng, đối với mô hình kinh doanh nhỏ như hộ nông dân, việc quản lý và đồng bộ chất lượng sản phẩm không phải là một khó khăn. Nhưng khi bắt đầu mở rộng thị trường, một số doanh nghiệp quản lý không hiệu quả chuỗi sản xuất dẫn đến việc chất lượng sản phẩm xuất khẩu không bền vững và đảm bảo.
Những ứng dụng công nghệ mà Simexco đã thực hiện có thể đảm bảo theo dõi sinh trưởng của vườn cây, đếm cây trồng, ước sản lượng; dùng các phần mềm nhật ký nông hộ, phần mềm đo lường, báo cáo thời tiết để khuyến cáo canh tác...
Các bên thứ ba như hợp tác xã, nông dân là những “cánh tay nối dài” của các doanh nghiệp để có thể đảm bảo nguồn hàng, cũng như giúp hợp tác xã, nông dân đảm bảo chất lượng ổn định cho sản phẩm.
Thực tế, các doanh nghiệp, hợp tác xã… trong ngành nông nghiệp nói chung đang gặp phải những khó khăn về xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa. Trong khi đó, những nhà làm nông vẫn chưa tiếp cận được nhiều kiến thức về số, nên vẫn phụ thuộc vào các chương trình “giải cứu nông sản” và các thương lái.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc điều hành IM Group, chính quyền và hiệp hội doanh nghiệp địa phương cần tạo kết nối và duy trì kết nối với các tổ chức hỗ trợ, các chuyên gia để thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức, huấn luyện và đào tạo. Mối liên kết này sẽ mang những kiến thức, công cụ số trong thương mại hóa nông sản đến gần hơn với nông dân.
Đặc biệt, cần tập trung hỗ trợ và xây dựng hình ảnh các “siêu anh hùng” - những nông dân, doanh nghiệp đã thành công trong việc ổn định đầu ra nông sản qua các công cụ số. Từ đó lan tỏa và truyền cảm hứng, tạo động lực để bà con áp dụng các kiến thức và công cụ này nhiều hơn trong sản xuất - kinh doanh.