“Chơi” cùng
Ngày 5/11, Hội chợ Nhập khẩu Trung Quốc (China International Import Exposition - CIIE 2018) chính thức khai mạc tại Thượng Hải (Trung Quốc). Đây là lần đầu tiên, sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng, với mục tiêu mở cửa thị trường Trung Quốc ra thế giới, cũng như tạo cơ hội cho các quốc gia tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc, được Chính phủ Trung Quốc tổ chức. Việt Nam đã được Trung Quốc lựa chọn là 1/12 quốc gia danh dự tại kỳ hội chợ đầu tiên, trong tổng số hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Hội chợ.
Động thái này cho thấy, Trung Quốc coi trọng thị trường Việt Nam. Ngược lại, việc Việt Nam tham gia CIIE 2018, với đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Lễ khai mạc Hội chợ vào ngày 5/11, đã cho thấy tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với Việt Nam. Tham gia CIIE 2018 là cơ hội để Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn thị trường Trung Quốc rộng lớn.
Thực tế, suốt thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc là bạn hàng lớn của nhau. Theo số liệu của Bộ Công thương, trong những năm gần đây, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ổn định và mạnh mẽ, với kim ngạch thương mại hai chiều trong 5 năm gần đây tăng bình quân trên 20%/năm. Điều này cho thấy, Việt Nam và Trung Quốc đã cùng “chơi” với nhau trong cuộc chơi thương mại toàn cầu.
Trong hoạt động đầu tư cũng vậy. Tuy không đầu tư quá lớn vào Việt Nam, song những năm qua, Trung Quốc cũng đã luôn là một trong những nhà đầu tư đứng trong tốp đầu của Việt Nam. Con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây, lũy kế đến nay, Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 12,97 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Còn nếu tính từ đầu năm tới nay, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 5, với gần 1,63 tỷ USD.
Thực tế, Trung Quốc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Lý giải điều này, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, từ đầu năm 2018 tới nay, Trung Quốc có dấu hiệu nới lỏng kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, hướng nhiều vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Xuất phát điểm của câu chuyện trên chính là việc Trung Quốc đang triển khai các chiến lược và chính sách nhắm đến vị thế siêu cường thế giới. Kế hoạch “Vành đai - Con đường” chính là một nội dung quan trọng của chiến lược này. CIIE được tổ chức cũng một phần để thúc đẩy sáng kiến “Vành đai - Con đường” của Trung Quốc. Điều này cho thấy, cơ hội để Việt Nam “chơi” cùng Trung Quốc là rất lớn.
Tiến cùng
Chiến lược và chính sách nhắm đến vị thế siêu cường thế giới của Trung Quốc đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, “chơi” cùng chỉ là vế đầu của sự hợp tác, phần còn lại là phải làm sao “tiến cùng”, ít nhất trên khía cạnh hợp tác thương mại và đầu tư.
Ở đây, có thể nhắc lại một câu chuyện đã cũ, từ rất nhiều năm nay, đó là Việt Nam luôn là nước nhập siêu lớn từ Trung Quốc. Hai năm gần đây, sự xuất hiện của Hàn Quốc khiến Trung Quốc đã có lúc không còn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Đơn cử, trong 10 tháng đầu năm nay, trong khi Việt Nam nhập siêu 20,8 tỷ USD từ Trung Quốc, thì đã nhập siêu 24,3 tỷ USD từ Hàn Quốc.
Lý giải điều này, ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) đã chỉ ra các nguyên nhân cơ bản giúp Việt Nam ngày càng thu hẹp nhập siêu từ quốc gia này, như Việt Nam đã đẩy mạnh được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; Việt Nam đã đa dạng hóa thị trường nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.
Thu hẹp khoảng cách xuất khẩu - nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh 2 nước đang hướng đến mục tiêu thương mại song phương 100 tỷ USD là cách để hai nước “tiến cùng” trong cuộc chơi toàn cầu.
Trong khi đó, ở khía cạnh đầu tư, khi tổng kết 30 năm thu hút FDI và định hướng chiến lược trong giai đoạn tới, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, Trung Quốc là “nhà đầu tư tiềm năng” đang triển khai nhiều dự án quy mô lớn ở Việt Nam và có triển vọng trở thành một trong những quốc gia đứng đầu trong thu hút FDI của Việt Nam. “Cảnh giác với dòng vốn chất lượng kém là cần thiết, nhưng không vì thế mà không tìm cách tận dụng lợi thế về địa lý, truyền thống giao lưu kinh tế, văn hóa… giữa hai nước để lựa chọn dự án, nhà đầu tư trên cơ sở đảm bảo lợi ích dân tộc, góp phần thực hiện mục tiêu hợp tác cùng phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Năm 2017, thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 93,96 tỷ USD, tăng 30,2% so với năm 2016. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 35,46 tỷ USD, tăng 61,5%, còn kim ngạch nhập khẩu là 76,06 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2016.
10 tháng đầu năm nay, thương mại 2 chiều ước đạt 85 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 32,1 tỷ USD, tăng 21,3%; còn nhập khẩu 52,9 tỷ USD, tăng 12,4%.