Không dừng ở đầu tư, cung cấp trang thiết bị y tế (TTBYT), vật tư tiêu hao và hóa chất xét nghiệm trọn gói cho bệnh viện, CTCP Sản xuất kinh doanh dược và thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV) còn tấn công sâu hơn thị trường tỷ USD đầy tiềm năng, biên lợi nhuận tốt nhưng không dễ “xơi” là dịch vụ y tế công nghệ cao (phân phối độc quyền TTBYT công nghệ cao, Trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF, Trung tâm xét nghiệm tập trung, hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh y tế - PACS…). Đâu là lợi thế của AMV để Công ty có thể “tự tin” ở thị trường đặc thù này?
Sau tái cơ cấu, năm 2017, AMV báo lãi trước thuế hơn 39 tỷ đồng, biên lợi nhuận trên 54%, xóa sạch lỗ lũy kế. Kết quả kinh doanh các quý năm 2018 tiếp tục đột biến so với cùng kỳ. Riêng quý IV/2018, AMV đạt doanh thu thuần 296,6 tỷ đồng, gấp 4,8 lần quý IV/2017, biên lợi nhuận gộp hơn 41% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 120 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần lợi nhuận cả năm 2017.
Cả năm 2018, doanh thu thuần đạt 460,77 tỷ đồng, gấp 4,6 lần doanh thu đạt được năm 2017, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 215 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so năm 2017.
Cổ phiếu AMV cũng là một trong số các cổ phiếu gây chú ý trên thị trường khi ghi nhận mức tăng giá ấn tượng gần gấp đôi trong năm 2018, từ 18.000 đồng/cổ phiếu lên mức 35.500 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Dù mới công bố chiến lược hoạt động mới trong thời gian gần đây, nhưng trên thực tế, Ban Lãnh đạo Công ty cho biết, AMV đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ vài năm trước và giai đoạn hiện tại là thời điểm để bắt tay hiện thực hóa các kế hoạch đó.
Ngay trong năm 2018, AMV có trong tay các hợp đồng phân phối độc quyền TTBYT công nghệ cao của Hãng IHI (Nhật bản), hệ thống xét nghiệm vi khuẩn lao sinh học phân tử tự động của Tosoh, máy xét nghiệm miễn dịch tự động của Tosoh, Fujirebio. Chưa hết, Công ty hợp tác với Nhật Bản đầu tư Trung tâm IVF (Trung tâm Điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm theo công nghệ IVF của Nhật).
Trong đó, AMV là đối tác hợp tác chuyển giao công nghệ và khai thác vận hành độc quyền tại Việt Nam sử dụng công nghệ Kato (công nghệ gần với tự nhiên) của Nhật Bản trong trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF. Mục tiêu của AMV là mở 10 trung tâm IVF tại Việt Nam.
Đồng thời, Công ty cũng chính thức hoàn thành 3 Trung tâm xét nghiệm tập trung tại Phú Thọ. Năm 2019, AMV dự kiến sẽ mở thêm 10 trung tâm tại Vũng Tàu, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Ninh. Cần lưu ý rằng, ngay cả bệnh viện lớn cũng khó có thể tự trang bị đầy đủ các thiết bị máy móc, hóa chất để có thể thực hiện tất cả các loại xét nghiệm. Bởi vậy, một số mẫu phải gửi đi nước ngoài để xét nghiệm, dẫn đến giá thành rất cao. Trong khi Trung tâm xét nghiệm được trang bị đầy đủ, chỉ cần một mẫu sẽ thực hiện xét nghiệm được nhiều loại nhất nên giá thành rẻ hơn.
Bên cạnh đó, AMV đã mua bản quyền phần mềm PACS và được cấp phép khai thác tại Việt Nam. Công ty cũng đầu tư và cung cấp hệ thống lưu trữ, truyền hình ảnh y tế, kết quả chụp X Quang, MRI… (PACS - VNA), hiện đã triển khai tại 40 - 50 bệnh viện, với kỳ vọng chiếm được 30% thị phần trong miếng bánh 4.000 tỷ đồng này.
Không khó để nhìn thấy tiềm năng to lớn của thị trường cung cấp TTBYT và dịch vụ y tế công nghệ cao, nhưng thực tế lại rất ít doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác được, bởi thị trường có đặc thù tập trung ở bệnh viện lớn, do Nhà nước quản lý. Bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng chưa đủ mạnh về nguồn lực vốn, am hiểu chuyên sâu về ngành
Tuy nhiên, tại AMV, đội ngũ Ban lãnh đạo, nhân sự “có nghề”, đặc biệt là có mối quan hệ mật thiết với ông Lê Văn Hướng - người được biết đến với kiến thức, sự am hiểu sâu sắc về ngành, thị trường máy móc thiết bị y tế; có quan hệ tốt với các cơ sở y tế và bệnh viện tại các tỉnh, cũng như kết nối rất tốt với các hãng nổi tiếng trên thế giới về cung cấp TTBYT.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, đội ngũ kỹ sư của AMV có kinh nghiệm từ 10 - 20 năm, với phong cách làm việc chuyên nghiệp. Chẳng hạn, tại gói thầu TTTBYT ở Bệnh viện sản nhi Phú Thọ có giá trị gần 500 tỷ đồng, cần cung cấp đến hơn 400 trang thiết bị khác nhau. Lãnh đạo AMV tự hào là đơn vị cung cấp toàn bộ gói thầu này và khẳng định, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện nếu không có đội ngũ am hiểu về ngành.