Hằng năm, Chính phủ đều báo cáo Quốc hội về công tác PCTN và báo cáo nào cũng nhấn mạnh: “Tình hình tham nhũng còn có nhiều diễn biến phức tạp”. Ông bình luận thế nào về công tác phòng, chống tham nhũng?
Đảng và Nhà nước coi tham nhũng là “quốc nạn”, là giặc nội xâm, nên gần 20 năm trước (năm 1998), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh PCTN.
Luật sư Nguyễn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Kể từ đó đến năm 2005, trước thời điểm ban hành Luật PCTN, tình trạng tham nhũng, lãng phí xảy ra với quy mô lớn, biểu hiện tinh vi, ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc đổi mới, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
Nhằm tuyên chiến với quốc nạn này, năm 2005, Quốc hội đã ban hành Luật PCTN; Chính phủ ban hành “Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020”; các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng, triển khai thực hiện chương trình hành động, kế hoạch công tác PCTN và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện trong phạm vi quản lý. Công tác PCTN luôn được Chính phủ, các cấp, các ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện.
Nhưng sau hơn 10 năm thực hiện Luật PCTN, Chính phủ nhận định: “Tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trên diện rộng”. Còn người dân, qua vụ án OceanBank, Công ty Pharma, Ngân hàng Đông Á… đang làm nóng dư luận xã hội, chắc cũng đưa ra nhận định tương tự.
Bộ luật Hình sự; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật PCTN đã có nhiều chế tài rất khiêm khắc xử lý hành vi tham nhũng, nhưng tham nhũng vẫn “diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi”. Thưa ông, nếu ví tham nhũng như căn bệnh, phải chăng căn bệnh này đã nhờn thuốc?
Trong báo cáo tổng kết công tác PCTN trong 10 năm gần đây, Chính phủ đã chỉ ra 8 nhóm nguyên nhân khiến căn bệnh tham nhũng, nói như dân gian, là đã bị nhờn thuốc. Tôi cho rằng, phải bổ sung nhiều nguyên nhân nữa, trong đó có việc xử lý hành vi tham nhũng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Cụ thể là, số lượng các vụ án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa tương xứng với thực trạng tham nhũng.
Đơn cử năm 2017, qua công tác thanh tra đã phát hiện vi phạm 92.123 tỷ đồng, 10.028 ha đất; Kiểm toán Nhà nước qua hoạt động kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính 39.738,5 tỷ đồng, nhưng cơ quan thanh tra chỉ chuyển 105 vụ việc, 214 đối tượng sang cơ quan điều tra; còn Kiểm toán Nhà nước chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điểu tra để truy tố. Thậm chí, nhiều đối tượng tham nhũng chỉ bị “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm”.
Phát hiện tham nhũng, vi phạm như con voi, xử lý như con chuột; xử lý tham nhũng mà phần nhiều “giơ cao đánh khẽ”, tài sản nhà nước thất thoát nhiều qua tham nhũng mà thu hồi chẳng đáng bao nhiêu thì tham nhũng giảm mới lạ.
Đó cũng là lý do đòi hỏi phải sửa đổi Luật PCTN năm 2005, thưa ông?
Bài học kinh nghiệm 10 năm PCTN là để công tác ngăn chặn và đẩy lùi được tệ tham nhũng đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao cùng với xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trọng tâm là công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, kiểm soát tài sản, thu nhập của xã hội, phát huy dân chủ và vai trò của các thiết chế giám sát, phản biện xã hội...
Năm 2017, qua công tác thanh tra đã phát hiện vi phạm 92.123 tỷ đồng, 10.028 ha đất; Kiểm toán Nhà nước qua hoạt động kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính 39.738,5 tỷ đồng
Với những yêu cầu trên, Luật PCTN hiện nay chưa bảo đảm được. Nhận thức rất rõ điều này, Quốc hội, Chính phủ đã quyết định sửa đổi Luật PCTN năm 2015 gần như là “đập đi xây lại” với rất nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung.
Hy vọng, sau khi Luật PCTN sửa đổi được ban hành, cộng với Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ có hiệu lực kể từ 1/1/2018 đã bổ sung các tội danh liên quan đến tham nhũng gồm tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ tình trạng tham nhũng sẽ giảm.
Dự thảo Luật PCTN vừa được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ tư đã đưa ra hàng hoạt quy định cấm cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Quan điểm của ông về nội dung này thế nào?
Trong các điều cấm có quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu (thân nhân) làm công tác tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý; cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc.
Cùng với đó, nghiêm cấm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để thân nhân là người quản lý, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên của doanh nghiệp hoặc có hoạt động kinh doanh trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà người đó là người đứng đầu hoặc cấp phó.
Đầu tư, kinh doanh, làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc là quyền của công dân đã được hiến định. Nếu quy định này được đưa vào Luật PCTN không chỉ chưa đúng với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”, mà còn không khả thi.
Ví dụ, người đứng đầu hoặc cấp phó yêu cô gái làm kế toán ở cơ quan mình thì xử lý thế nào: không cho họ lấy nhau hay buộc một trong 2 người phải làm công tác khác. Hay như cơ quan có thẩm quyền điều chuyển công tác một cán bộ nào đó về làm người đứng đầu hoặc cấp phó mà ở cơ quan đó con dâu, con rể họ đang làm tổ chức nhân sự, kế toán thì xử lý thế nào: không điều chuyển nữa hay buộc con dâu, con rể phải chuyển việc hoặc ly hôn với con trai, con gái họ?
Hai ví dụ kể trên đã khó xử lý, nếu mở rộng nhân thân ra cả anh rể, em rể, chị dâu, em dâu thì vô cùng phức tạp. Tôi cho rằng, từ vụ việc rất cụ thể, cá biệt trong vụ án Công ty Pharma nên Ban soạn thảo Luật PCTN sửa đổi muốn luật hóa quy định này, nhưng quy định này rõ ràng là vi phạm Hiến pháp và không thể thực hiện được trong thực tế.
Thu hồi tài sản tham nhũng quá ít so tài sản bị tham nhũng khiến dư luận xã hội bức xúc. Vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thu hồi toàn bộ tài sản của đối tượng tham nhũng, nhưng ông lại không đồng tình với quan điểm này?
Có lẽ do quá bức xúc trước nạn tham nhũng nên nhiều người đưa ra quan điểm thu hồi toàn bộ tài sản mà đối tượng tham nhũng không chứng minh được là tài sản hợp pháp như một số ít nước đang áp dụng.
Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định này ở Việt Nam là không phù hợp vì Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác”.
Tức là khi phát hiện ra vụ án tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật phải chứng minh tài sản nào là tài sản tham nhũng mới thu hồi, tài sản nào không chứng minh được thì không được thu hồi vì đã được Hiến pháp bảo vệ. Còn để chứng minh được tài sản nào là tài sản do tham nhũng mà có là trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật. Muốn chứng minh được, không có cách nào khác, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan bảo vệ pháp luật phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, chuyên môn, nghiệp vụ trong điều tra, xét hỏi.
Nếu vậy, thưa ông, việc thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục rơi vào bế tắc?
Để có khối tài sản hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, đối tượng có chức, có quyền không phải tham nhũng một sớm, một chiều, không phải thực hiện một lần mà là nhiều lần. Nếu cơ quan bảo vệ pháp luật chứng minh được toàn bộ khối tài sản này là tham nhũng thì thu hồi sung công quỹ nhà nước, nhưng trên thực tế khối tài sản này không hoàn toàn do tham nhũng mà có.
Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, từ ngày 1/1/2018, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ không phải “dựa cột”.
Ví dụ, đối tượng tham nhũng sử dụng tài sản từ tham nhũng đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, đầu tư, kinh doanh, góp vốn vào tổ chức sản xuất, kinh doanh… và khi bị phát hiện thì khối tài sản của họ lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, nếu thu hồi toàn bộ là bất hợp lý vì khối tài sản phát sinh thêm là tài sản hợp pháp.
Thậm chí, trong khối tài sản của đối tượng tham nhũng có cả tài sản do hoạt động bất hợp pháp mà có như buôn luận, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép thì cũng không thể thu hồi theo Luật PCTN mà phải tách ra để xử theo vụ án khác.
Dù không thể thu hồi toàn bộ tài sản của đối tượng tham nhũng, nhưng tôi tin rằng, tài sản tham nhũng bị phát hiện thu hồi sẽ tăng lên, vì theo Bộ luật Hình sự năm 2015, từ ngày 1/1/2018, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ không phải “dựa cột”.
Ai cũng sợ chết, không ai muốn người thân mình bị chết, nhất là bị tử hình, vì thế người ta sẽ xoay sở mọi cách để nộp lại ít nhất 3/4 số tài sản tham ô, tham nhũng để được sống, nên việc thu hồi tài sản tham ô, tham nhũng sẽ khả quan hơn.
Rất nhiều vụ án tham nhũng do người dân và các cơ quan báo chí. Theo ông, có cần luật hóa trách nhiệm của người dân và báo chí trong việc PCTN?
Luật PCTN năm 2005 đã có quy định về trách nhiệm của công dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và báo chí trong việc PCTN. Tuy nhiên, nhiều nội dung liên quan đến vấn đề này trong luật hiện hành vẫn còn chung chung, mang tính chất khẩu hiệu, tuyên truyền, nên hiệu quả chưa cao.
Người dân, báo chí chỉ phát hiện được tham nhũng khi có thông tin, chỉ giám sát được vụ án tham nhũng sau khi điều tra, truy tố, xét xử khi có thông tin chính thống. Nhưng hiện chưa có quy định cụ thể về việc công bố thông tin liên quan đến tham nhũng, nên nhiều vụ án, vụ việc được phanh phui, sau một thời gian, dư luận nghi hoặc về cách xử lý, giải quyết, thậm chí cho là bị… chìm xuồng.
Để nâng cao trách nhiệm và cổ vũ người dân, báo chí tham gia công tác chống tham nhũng, Dự thảo Luật PCTN sửa đổi đã cụ thể hóa trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, báo chí trong việc PCTN, đặc biệt quy định cụ thể về chế độ họp báo, phát ngôn về tham nhũng của các cấp có thẩm quyền.
Theo đó, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh phải tổ chức họp báo định kỳ để công bố công khai về tổ chức và hoạt động của cơ quan mình; cung cấp thông tin về công tác PCTN và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Đối với vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm, thì phải xem xét tổ chức họp báo đột xuất, hoặc cử người phát ngôn cung cấp thông tin, làm rõ vụ việc có liên quan.