Đưa chính sách đến với DN và công chúng
Nếu như năm 2015 được gọi là “Năm quản trị công ty” tại HNX, thì năm 2016, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành HNX cho biết, sẽ là “Năm UPCoM”. Cùng với việc phát triển sàn UPCoM, xây dựng TTCK phái sinh là một công việc trọng tâm tại HNX năm này. Cũng theo bà Hoàng Lan, các thị trường quan trọng mà HNX đang vận hành như trái phiếu chính phủ, thị trường niêm yết và nhiều công việc khác, sẽ được HNX thúc đẩy đi lên.
Về thị trường trái phiếu chính phủ, chia sẻ với báo giới, bà Hoàng Lan cho biết, những năm gần đây, đấu thầu trái phiếu chính phủ tại HNX đã giúp ngân sách Nhà nước huy động hàng trăm nghìn tỷ đồng. Khoản vốn này được Chính phủ sử dụng cho đầu tư phát triển kinh tế đất nước, được Bộ Tài chính đánh giá là thị trường hiệu quả, hỗ trợ tốt cho công tác điều hành chính sách tài chính vĩ mô.
Năm 2015, đã có 250.000 tỷ đồng vốn được huy động qua kênh trái phiếu chính phủ tại HNX. Năm 2016, kế hoạch HNX được giao là huy động 220.000 tỷ đồng. Con số này ít hơn số thực hiện năm 2015, nhưng là nhiệm vụ không ít thách thức trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn.
Phát triển thị trường trái phiếu chính phủ, như đánh giá của tân Chủ tịch HNX Nguyễn Thành Long, là một nhiệm vụ đặc biệt của HNX - một nhiệm vụ mang tính chính trị nhằm bổ sung nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cần cho đầu tư phát triển hàng năm. Làm thế nào để tiếp tục giữ vững những thành quả HNX đã làm được và mở rộng không gian phát triển của thị trường này, là nhiệm vụ ông Long đặt ra trong tương lai HNX. Cụ thể, thúc đẩy thanh khoản trên thị trường thứ cấp, phát triển các sản phẩm mới, cải tiến kỹ thuật giao dịch theo thông lệ quốc tế… là những công việc sẽ được làm mạnh mẽ hơn.
“Khi thanh khoản trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp được cải thiện, sẽ làm dịu đi nhu cầu về kỳ hạn trái phiếu chính phủ, thị trường sẽ vận động cân bằng và nhịp nhàng hơn”, ông Long nói.
Về thị trường niêm yết, trong đánh giá của tân Chủ tịch HNX, ông đặc biệt quan tâm đến câu chuyện về tính minh bạch, về trách nhiệm giải trình và quản trị công ty của các DN. “Nếu như hiện nay, việc huy động vốn tại Việt Nam đang thực hiện theo cơ chế cơ quan quản lý chấp thuận cho DN thực hiện, dựa trên những điều kiện mà pháp luật cho phép, thì trong tương lai chúng ta sẽ phải làm theo cách mà các nước tiên tiến đang làm”, ông Long nói.
Ông chia sẻ, ở những nước có TTCK phát triển, việc phát hành huy động vốn của DN dựa trên cơ chế công bố thông tin đầy đủ, vì thế đối tượng DN phát hành được rộng mở và nhà đầu tư cũng tăng cường khả năng chọn lựa hàng hóa và trả giá. Điều kiện quan trọng nhất là DN minh bạch, nhà đầu tư mua theo giá thỏa thuận với DN, không nhất thiết phải nương theo mệnh giá. Tuy nhiên, để đến được giai đoạn này, đòi hỏi chất lượng công bố thông tin, mặt bằng quản trị công ty của DN phải vượt hơn hiện tại rất nhiều và đây chính là mảng công việc lớn mà HNX đang và sẽ hỗ trợ DN thực thi.
Trong câu chuyện về thị trường niêm yết, ông Long chia sẻ một mong đợi: TTCK Việt Nam còn non trẻ, chính sách thường đi trước thực tiễn, tạo khung và cả sức ép pháp lý để hướng DN đến văn hóa minh bạch, làm quen dần với văn hóa giải trình. Điều ông mong là sẽ đến một ngày thay vì tạo áp lực cho DN (ví dụ thúc DN công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị theo quy chuẩn hay phát triển bền vững…), DN mong muôn và tự nguyện thực hiện trên mặt bằng cao hơn đó.
Bên cạnh nỗ lực của HNX, ông mong đợi các hoạt động đánh giá, vinh danh DN và đặc biệt là phần thưởng từ thị trường, từ nhà đầu tư khi nhận rõ và đánh giá cao những DN tiên tiến, sẽ tạo nên hợp lực vừa đốc thúc, vừa khuyến khích các DN bước dần lên những nấc thang cao hơn trong thực thi văn hóa minh bạch và quản trị hiệu quả.
Năm 2016 là năm UPCoM vì sao?
Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc HNX chia sẻ, khi HNX xây dựng sàn UPCoM đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước đi trước và họ chia sẻ rằng, đây là một thị trường khó phát triển, vì nó chỉ có sứ mệnh như một bước đệm cho thị trường niêm yết. Tuy nhiên, sau 5 năm HNX xây dựng thị trường này, UPCoM đang thu hút được lượng DN lớn tham gia, với kỳ vọng năm 2016 sẽ có trên 300 DN đưa cổ phiếu lên sàn này. HNX gọi năm 2016 là năm UPCoM để tập trung nỗ lực thúc đẩy thanh khoản, thúc đẩy các giải pháp kỹ thuật bật sáng những DN tốt trên sàn. Cùng với đó, HNX cũng đặt mục tiêu năm 2016 sẽ giúp các DN trên UPCoM áp dụng được hệ thống công bố thông tin trực tuyến như DN niêm yết trên HNX.
Nhận nhiệm vụ Chủ tịch HNX trong bối cảnh HNX đã trải qua gần 11 năm hoạt động với các mảng thị trường đa dạng, ông Long không ngần ngại chia sẻ, đây là công việc mới mẻ với ông. “Điều may mắn là khi tôi làm ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tôi đã tham gia hoạch định một số chính sách để gắn kết các định hướng, mục tiêu phát triển TTCK, thị trường vốn với việc triển khai thực hiện sao cho hiệu quả, kịp thời”, ông nói. Tân Chủ tịch HNX chưa đề cập về những mục tiêu cụ thể HNX hướng tới trong thời kỳ ông đảm nhận nhiệm vụ mới, nhưng ông cho biết, ông cùng tập thể HNX sẽ làm việc tối đa để các sản phẩm, các thị trường, các vấn đề phức tạp trên thị trường trái phiếu, thị trường cơ sở, thị trường phái sinh… sẽ trở nên đơn giản và dễ hiểu khi đến với các DN và công chúng đầu tư.
Sự thay đổi ấn tượng và kỳ vọng từ thị trường
Ông Nguyễn Thành Long nhận nhiệm vụ Chủ tịch HNX cùng thời điểm nguyên Chủ tịch HNX Trần Văn Dũng nhận quyết định từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vào TP. HCM đảm nhận công việc Tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM, thay cho bà Phan Thị Tường Tâm, đến tuổi được nghỉ hưu theo chế độ.
Theo ghi nhận của ĐTCK, nhiều thành viên TTCK đánh giá rằng, sau 16 năm xuất hiện trong nền kinh tế, sự thay đổi lãnh đạo cấp cao giữa UBCK - HOSE - HNX lần này là một trong những sự kiện ấn tượng, trong bối cảnh sự phát triển của HOSE - HNX hiện nay khá độc lập, mỗi Sở phụ trách một mảng thị trường riêng và dường như dư luận không còn quan tâm nhiều đến câu chuyện hợp nhất để tạo nên Sở GDCK Việt Nam.
Đánh giá về sự thay đổi nhân sự cấp cao, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn Nguyễn Duy Hưng chia sẻ, đây là một diễn biến tốt trong kỳ vọng, thị trường sẽ được tổ chức một cách khoa học hơn. Với các nhà đầu tư, do giao dịch Online đã phổ cập từ lâu, nên điều họ mong đợi là có thêm nhiều hàng hóa tốt, sản phẩm mới, hữu dụng, phí môi giới giảm, để tăng khả năng chu chuyển của dòng tiền và đầu tư hiệu quả hơn.
Với DN đại chúng, việc 2 Sở có nhân sự lãnh đạo mới là câu chuyện được nhiều DN quan tâm theo dõi, vì các hoạt động chào bán, đăng ký giao dịch hay niêm yết… đều liên quan trực tiếp đến Sở và loại hình DN này rất cần sự hỗ trợ của các Sở để hiểu luật (các văn bản pháp lý mới, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp 2014), thực hiện nghĩa vụ đúng luật, đồng thời từng bước cải thiện chất lượng quản trị công ty…
Mỗi chủ thể tham gia TTCK lại có đánh giá và kỳ vọng khác nhau đặt lên vai người lãnh đạo Sở. Nếu như năm 2015 là năm ngành chứng khoán, UBCK ghi dấu ấn đẹp về chính sách (như định hình khung pháp lý về TTCK phái sinh, nới room, gắn IPO của DN với việc đưa cổ phiếu lên sàn…), thì năm 2016 là năm dư luận mong đợi những chính sách này sẽ đi vào thực tiễn, định hình vai trò của TTCK rõ nét trong nền kinh tế và giúp ngày càng nhiều DN, nhiều nhà đầu tư đến gần hơn với TTCK Việt Nam.
Dư luận dõi theo và chờ đợi những bước đi từ HNX trên hành trình đưa chính sách vào cuộc sống nhanh hơn…