“Không có dấu hiệu nào cho thấy chúng tôi cần phải làm gì đó ngay lúc này”, Bali Padda nói với Bloomberg, “Chúng tôi muốn chờ xem điều gì sẽ xảy ra”.
CEO này không phải người duy nhất phớt lờ những đe dọa của tổng thống Mỹ về việc sẽ áp đặt thuế nhập khẩu cao cho các hàng hóa nhập từ Mexico vào Mỹ. Chính phủ Đan Mạch cũng đã lên tiếng nhận xét tương tự.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch, ông Anders Samuelsen, nói rằng những phát ngôn của ông Trump trên Twitter không thể được xem như một sự thay thế cho bất kỳ quyết định lập pháp nào. Samuelsen cũng cho rằng, trật tự thế giới sẽ không bị xoay chiều theo như những ý tưởng của ông Trump.
Thực tế, cho dù không có cuộc chiến thương mại, không có mối đe dọa từ tổng thống Trump, Lego cũng đã phải đối mặt với những thách thức ở thị trường Mỹ - thị trường lớn nhất của hãng.
Theo Bali Padda, trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng, doanh thu của Lego đã khá chững lại trong năm 2016, đánh dấu lần đầu tiên trong nhiều năm qua Lego không ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường Mỹ. Trước đó, Lego cũng được dự báo rằng sẽ không thể duy trì được tốc độ tăng trưởng “siêu nhiên” như các năm trước.
Doanh thu của Lego tại Mỹ đang chững lại
Cụ thể, vào giữa tháng 3, Lego công bố doanh thu của công ty năm 2016 đạt kỷ lục ở mức 37,9 tỷ krone (tương đương với 5 tỷ euro), tăng 6% so với năm 2015 và lợi nhuận ròng đạt 9,4 tỷ krone (gần 1 tỷ euro.) Tuy nhiên, kết quả trên cho thấy sự tăng trưởng tính theo năm khiêm tốn nhất của Lego kể từ năm 2007 - thời điểm Lego bắt đầu phục hồi sau một giai đoạn khó khăn.
Nếu doanh số của Lego tại thị trường châu Âu được đánh giá khá tốt, doanh số tại Trung Quốc cũng đầy hứa hẹn thì doanh số tại Mỹ lại trì trệ, bất chấp những nỗ lực gia tăng chi phí tiếp thị tại thị trường này
Với 19.000 nhân viên trên khắp thế giới, Lego hiện là hãng sản xuất đồ chơi có lợi nhuận cao nhất toàn cầu. Hai đối thủ lớn nhất của hãng là Hasbro và Mattel, đều là của Mỹ. Để duy trì sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ, công ty Đan Mạch đã công bố kế hoạch mở rộng cơ sở sản xuất ở Monterrey (Mexico), tạo ra 3.000 việc làm tại đây vào năm 2015. Đây cũng là đơn vị sản xuất duy nhất của Lego tại châu Mỹ.
Lego là hãng đồ chơi có lợi nhuận cao nhất toàn cầu
Với CEO Lego, việc cắt giảm chi phí là chiếc chìa khóa để giữ sức cạnh tranh. Mục tiêu đó bao gồm cả việc nhắm tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Chúng tôi đang tập trung rất nhiều vào Trung Quốc và sẽ tiếp tục làm điều đó”, Padda cho biết, “Năm ngoái, chúng tôi đã tăng trưởng 25 - 30% tại trọng điểm bán hàng này”.
Đối với Lego, vấn đề cấp bách hơn so với cuộc chiến thương mại có thể xảy đến, là làm thế nào để theo kịp cuộc cách mạng trong hành vi tiêu dùng. Tương lai tiêu dùng là mua sắm trực tuyến, và các nhà bán lẻ thì vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với tương lai bất trắc này.
“Với những thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, chúng tôi đã tập trung khá nhiều vào thương mại điện tử”, Padda nói.
CEO này cho biết trong năm 2017 này, Lego dự định tung ra các sản phẩm mới kết hợp giữa đồ chơi vật lý và nền tảng kỹ thuật số. Tháng một vừa qua, Lego đã giới thiệu một bộ kit hướng dẫn trẻ em về mã hóa máy tính, từ đó các em có thể làm cho đồ chơi của mình trở nên sống động hơn.
Paddy cũng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào đổi mới sản phẩm. Ông cho biết: “Đổi mới là yếu tố quyết định đối với thành công của chúng tôi. Mỗi năm, khoảng 60% danh mục đầu tư của chúng tôi là vào các sản phẩm mới”.
Sinh ra tại Ấn Độ và mang quốc tịch Anh, Bali Padda là người nước ngoài đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí CEO của công ty đồ chơi Đan Mạch. Ông chính thức thay thế cựu CEO Jorgen Vig Knudstorp từ ngày 1/1/2017.
Về phần cựu CEO Knudstorp - người từng có công dẫn dắt công ty vượt qua khủng hoảng, ông sẽ chuyển sang lãnh đạo một chi nhánh mới thành lập của Lego là Lego Brand Group, chịu trách nhiệm quản trị và phát triển thương hiệu Lego trong những thị trường mới.