Ông Lê Viết Hải xúc động ôm hôn con trai khi trao trọng trách điều hành Tập đoàn Hòa Bình tại Lễ chuyển giao thế hệ vào ngày 24/11/2020.

Ông Lê Viết Hải xúc động ôm hôn con trai khi trao trọng trách điều hành Tập đoàn Hòa Bình tại Lễ chuyển giao thế hệ vào ngày 24/11/2020.

Tân CEO Hòa Bình và những thách thức phải đối mặt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) Lê Viết Hiếu được bổ nhiệm vào thời điểm Tập đoàn đối mặt với những thách thức lớn hơn bao giờ hết.

Ẩn mình

Làm việc ở Tập đoàn Hòa Bình đã lâu, trải qua một số vị trí từ thấp đến cao, nhưng phải phải đến gần đây, giới truyền thông mới biết đến Lê Viết Hiếu.

Lần xuất hiện gần nhất trước đó của anh là tại Đại hội cổ đông của Tập đoàn Hòa Bình vào đầu năm 2020. Vì chung họ và tên lót nên khi giới thiệu Hiếu đọc báo cáo trước đại hội, nhiều người mới biết anh là con trai ông Lê Viết Hải, Tổng giám đốc HBC đương nhiệm khi đó.

Ngoài cái tên gây chú ý, Hiếu không phải kiểu người có thể gây ấn tượng với người khác ngay từ lần gặp đầu tiên. Dáng người hơi cao lớn, ở Hiếu không toát lên phong cách của một công tử nhà giàu hay ông chủ nhỏ, cũng không có vẻ bóng bẩy thường thấy ở nhiều cậu ấm có thời gian dài du học.

Có lẽ thời gian 4 năm làm việc ở Hòa Bình đã làm cho Hiếu, một cử nhân quản trị kinh doanh, chuyên ngành tài chính doanh nghiệp, Trường California Polytechnic State University, San Luis Obispo (Mỹ) có phong cách “mộc”, gần gũi với dân xây dựng hơn.

Điều đó càng thể hiện rõ hơn trong Lễ chuyển giao thế hệ của Tập đoàn Hòa Bình mới đây, khi Hiếu lần đầu bộc lộ cá nhân nhiều hơn trước đông đảo cán bộ nhân viên của Tập đoàn cũng như trước giới truyền thông, được mời đến tham dự.

So với người cha của mình, tân Tổng giám đốc Hòa Bình ít dùng mỹ từ hơn. Hiếu nói chuyện điềm đạm nhưng không nhấn nhá như phong cách của ông Hải. Khi được hỏi có cảm thấy quá áp lực khi nhận vị trí CEO của Tập đoàn ở thời điểm này, anh lập luận thể hiện rõ sự hiểu đời: “Ở ngoài kia có rất nhiều người “chiến đấu” vất vả, bán nhà bán cửa để dựng sự nghiệp, còn tôi may mắn được kế thừa sản nghiệp của gia đình. Vì thế, tôi không được phép phàn nàn điều gì, mà phải hiểu rõ về trách nhiệm của mình. Tôi không cảm thấy áp lực mà coi đây là một cơ hội phải nắm bắt”. Nhưng Hiếu cũng hiểu rõ, cơ hội đó cũng là thử thách cam go.

Gánh trách nhiệm đưa Hòa Bình ra thế giới

Nhiều người ngoài cuộc cảm thấy áp lực thay cho Hiếu khi nhận chuyển giao nhiệm vụ điều hành Hòa Bình ở thời điểm thị trường xây dựng trong nước đang suy giảm sản lượng và cạnh tranh gay gắt về giá.

Ngay cả khi thị trường tăng trưởng thì quy mô của thị trường cũng không đủ đáp ứng mục tiêu tăng trưởng doanh thu của Hòa Bình.

Theo ông Lê Viết Hải, Hòa Bình phải vươn ra thị trường thế giới. Chiến lược xuất khẩu dịch vụ ra thị trường nước ngoài đã được ông Hải đeo đuổi, nghiên cứu triển khai từ nhiều năm nay.

Ông Hải phân tích: “Năm 2008, doanh thu của Hòa Bình chỉ đạt 690 tỷ đồng thì có ai nghĩ năm 2018 doanh thu lên 16.300 tỷ đồng hay không. Cứ 5 năm, doanh thu tăng 5 lần thì mới có Hòa Bình ngày hôm nay.

Kế hoạch chiến lược mà tôi đặt ra không phải là không tưởng. Ở trong nước, một năm, Hòa Bình xây dựng vài triệu m2 chung cư”.

Ở các nước phát triển, giá bán căn hộ 4.000 – 5.000 USD/m2, trong khi chi phí xây dựng 1.500 - 2.000 USD/m2.

Còn ở Việt Nam, giá thành xây dựng chưa tới 500 USD/m2. Nếu vậy, chỉ cần 4 triệu m2 suất đầu tư mỗi m2 là 5.000 USD thì đã có 20 tỷ USD doanh thu rồi. Nếu tập trung một sản phẩm làm thật xuất sắc, Tập đoàn có thể cung cấp cho các nước có nhu cầu nhà ở cho người dân, lao động nhập cư rất lớn.

“Giai đoạn tiếp theo khó khăn hơn, đòi hỏi trang bị kiến bài bản, năng động hơn nên cần sức trẻ. Người nhận nhiệm vụ cần nhìn thấy rõ nhiệm vụ sứ mệnh của mình là gì. Người gánh vác nhiệm vụ đó cần có phẩm chất để tôi tin tưởng”, ông Hải chia sẻ về việc chuyển giao quyền lực điều hành cho con trai.

Ông tâm sự, ở chung với ông bà nội nên Hiếu được thừa hưởng nền tảng giáo dục truyền thống gia đình. Đó cũng là những nền tảng để ông Hải xây dựng văn hóa doanh nghiệp Hòa Bình với 7 giá trị cốt lõi.

“Xét các giá trị đó, Hiếu có nhiều điểm vượt trội. Mà quan trọng nhất là hành xử chính trực", ông Hải nói về người kế nhiệm.

Ông Hải kể, ngay từ nhỏ, khách đến nhà hỏi có bà ở nhà không, người giúp việc thường nói bà không ở nhà vì sợ bà tiếp khách mệt thì Hiếu không đồng ý. Hiếu bảo bà mệt thì nói mệt, sao lại nói bà vắng nhà.

Và còn nhiều câu chuyện khác. Chẳng hạn, hồi nhỏ, ông Hải bố trí xe hơi cho Hiếu đi học, nhưng Hiếu nói "cho con đi xe gắn máy vì không muốn khác biệt với các bạn". Bữa nào mưa gió mà đón bằng xe hơi, Hiếu yêu cầu lái xe dừng ở cách xa cổng rồi đi bộ tới.

"Hiếu rất khiêm tốn, không bao giờ thế hiện cá nhân mình, không bao giờ đặt mình lên trên mà quan tâm đến cảm xúc của người khác khác, nên được nhiều người yêu quý”, ông Hải nói.

Thách thức nhìn trên báo cáo tài chính

Là người được đào tạo bài bản về tài chính, chắc chắn, Lê Viết Hiếu nhìn thấy rõ những thách thức nội tại của Công ty bộc lộ rõ trên báo cáo tài chính. Phải thực hiện một chiến lược lớn khi nguồn lực nội bộ có những điểm yếu là bài toán không dễ giải cho tân CEO Hòa Bình.

CEO Lê Viết Hiếu phát biểu tại lễ nhậm chức.

CEO Lê Viết Hiếu phát biểu tại lễ nhậm chức.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Hòa Bình cho biết, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh doanh thu, lợi nhuận trước thuế giảm lần lượt 41% và 67% so với cùng kỳ 2019, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Tập đoàn tiếp tục âm 182,5 tỷ đồng.

Như vậy, nếu không kịp bù đắp trong quý IV, dòng tiền kinh doanh của Hòa Bình sẽ có năm âm thứ 4 liên tiếp, sau khi âm 1.095 tỷ đồng trong năm 2017, 182,5 tỷ đồng trong 2018 và 706,2 tỷ đồng trong năm 2019, với nguyên nhân chủ yếu do các khoản phải thu tăng nhanh.

Việc dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm kéo dài nhiều năm dẫn đến hệ quả là cấu trúc vốn của tập đoàn xây dựng này ngày càng phụ thuộc vào vốn vay, đặc biệt là vay nợ ngắn hạn.

Tính đến 30/9/2020, Hòa Bình đang có số dư nợ vay là 4.887 tỷ đồng, trong đó 96,7% là các khoản nợ vay ngắn hạn. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu lên đến 1,17 lần. Nếu tính tổng nợ phải trả, tỷ lệ này lên đến 2,65 lần.

Tính đến 30/9/2020, tỷ lệ tài sản ngắn hạn trên nợ ngắn hạn của HBC đang ở mức 1,2 lần. Phải thu cũng đang là khoản mục lớn nhất, chiếm 2/3 tổng tài sản và 3/4 tài sản ngắn hạn.

Với tỷ lệ này, có thể thấy việc thu hồi hiệu quả các khoản phải thu sẽ đóng vai trò quan trọng với khả năng giảm nợ, giảm áp lực trả lãi của HBC cũng như để Công ty có nguồn lực để tiếp cận và thực hiện các dự án mới và triển khai các dự án hiện tại.

Bài phát biểu chính thức nhận chức của Hiếu cho thấy, vị CEO sinh năm 1992 này hiểu rõ thách thức mình phải đối mặt. “Đây là giai đoạn chúng ta đứng trước thách thức và khó khăn không nhỏ, nhiệm vụ của chúng ta là phải cùng nhau đổi mới sáng tạo, đồng lòng vượt qua khó khăn này”, Hiếu nói trước toàn thể người lao động Công ty.

“Tôi muốn đưa mọi người có tâm huyết, có năng lực đã gắn bó với công ty lên một chiếc thuyền và hỏi mọi người muốn đi đâu, muốn như thế nào, làm thế nào đạt được hoài bão khát vọng đặt ra một cách hiệu quả nhất. Tôi hiểu những công ty thành công là công ty có một giàn giao hưởng ban tổng giám đốc rất ăn ý”, Hiếu chia sẻ về phương thức lãnh đạo của mình.

Không có sự hứa hẹn, không có bất cứ sự tiết lộ nào về những việc sẽ làm sắp tới, không có những lời khẳng định tự tin sẽ thành công, nhưng những thông điệp của Hiếu tại lễ chuyển giao thế hệ của Hòa Bình cho thấy vị CEO này hiểu rõ mình ở tình thế nào và trước mắt là quá trình tôi luyện gian khổ mới mong có được thành công.

Tinh thần đó cũng được ông Lê Viết Hải chia sẻ: “Khi tôi bàn giao vị trí này cho Hiếu là sự hy sinh. Hy sinh đứa con của mình cho sự nghiệp chung. Vì Hiếu sẽ chịu nhiều áp lực căng thẳng như tôi đã trải qua. Và cả gia đình và vợ con cũng phải chia sẻ. Đó là sự hy sinh, chứ không phải quyền lợi”.

Tin bài liên quan