Cho vay tiền mặt đang được đánh giá là mảng hoạt động béo bở

Cho vay tiền mặt đang được đánh giá là mảng hoạt động béo bở

"Tân binh" tài chính tiêu dùng nhắm vào mảng cho vay tiền mặt

(ĐTCK) Nếu như trước đây các công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng thường mở rộng liên kết với các đối tác để chiếm lĩnh thị phần cho vay tiêu dùng thông qua các điểm bán, thì nay các "tân binh" lại tập trung cho vay tiền mặt - mảng dễ đẩy dư nợ tăng nhanh.

Đẩy mạnh cho vay tiền mặt để giành thị phần

Theo chuyên gia phân tích của StoxPlus, cho vay tiền mặt là một cách hiệu quả để CTTC thâm nhập vào phân khúc thu nhập phổ thông và thấp với 48% dân số hiện nay.

Quy mô của khoản vay không có bảo đảm thường dao động từ 1-10 triệu đồng và thời hạn trong 30 ngày, thậm chí có thể lên tới 70 triệu đồng trong 3 năm tùy theo lịch sử tín dụng.

Trên thị trường, EVN Finance vừa ra mắt thương hiệu tài chính tiêu dùng Easy Credit tại TP. HCM, sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép thành lập và cách thức hoạt động của EVN Finance.

Theo đó, vào đầu tháng 10/2018, Easy Credit chính thức đưa ra thị trường gói cho vay tiền mặt, khách hàng mục tiêu là những người có thu nhập trung bình khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.

Trước mắt, gói vay tiền mặt sẽ được áp dụng tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Vũng Tàu. Khoản vay thấp nhất áp dụng là 10 triệu đồng và tối đa không quá 90 triệu đồng, thời hạn vay từ 6-60 tháng tùy khoản vay.

Chia sẻ lý do nhắm đến mảng cho vay tiền mặt, ông Bùi Xuân Dũng, Tổng giám đốc EVN Finance cho biết, là vì EVN Finance tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng muộn hơn các CTTC khác. Việc cho vay tiền mặt sẽ giúp Công ty thuận lợi hơn trong việc giành thị phần, đáp ứng được cầu vốn tiêu dùng ngày một tăng cao của khách hàng hiện nay.

Hiện tại, có khoảng 17 CTTC tiêu dùng đang hoạt động trên thị trường. Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định hạn mức cho vay tiêu dùng của CTTC không được vượt quá 100 triệu đồng/khách hàng. Bên cạnh đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải ban hành đầy đủ quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ.     

Mới "chào sân" trong tháng 8 vừa qua với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do SHB sở hữu 100% vốn, "tân binh" SHB Finance  đã triển khai gói sản phẩm cho vay tiền mặt tín chấp và khởi động kênh tư vấn dịch vụ, đăng ký vay trực tuyến.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho biết, với việc lấy sản phẩm cho vay tiền mặt làm chủ đạo, SHB Finance muốn tập trung đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng có mức thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng/tháng trở lên.

Trước mắt, SHB Finance triển khai dịch vụ tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang và dự kiến đến hết năm 2018 sẽ có mặt tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, cung cấp dịch vụ cho khoảng 30.000 khách hàng.

Ngoài các CTTC trên, mới đây, CTTC Cổ phần Tín Việt-VietCredit Finance (trước đây là CTTC Cổ phần Xi măng), hay các ngân hàng như Vietcombank, ACB, OCB, SeABank... cũng "đánh tiếng" gia nhập mảng cho vay giàu tiềm năng này.   

Hướng đến khách hàng nông thôn

Ông Hồ Minh Tâm, Tổng giám đốc VietCredit cho biết, tham gia thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ cho phép VietCredit tạo lợi thế cạnh tranh thông qua khả năng cung cấp các sản phẩm tài chính tiêu dùng tiện lợi, với chi phí phù hợp cho cả khách hàng thành thị hay nông thôn. Tuy nhiên, không như  các CTTC khác cho vay tiền mặt trực tiếp, VietCredit cho vay qua thẻ.

Theo ông Tâm, với thẻ vay VietCredit, khách hàng có thể vay - trả liên tục trong hạn mức tín dụng của thẻ trong 36 tháng mà không cần làm nhiều lần các thủ tục đăng ký vay, giải ngân.

Ngoài ra, khách hàng còn có thể chủ động trả nợ trước hạn mà không phải chịu bất kỳ khoản phí tất toán trước hạn nào. Tính đến hết tháng 8/2018, VietCredit đã có 51 điểm giới thiệu dịch vụ đặt tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên toàn quốc.

Ông Geert Jan Ten Hoonte, Giám đốc Easy Credit cho hay, Easy Credit đang đẩy mạnh đa dạng hóa các kênh bán hàng nhằm gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng, nhất là các khách hàng ở vùng nông thôn. Dự kiến đến cuối năm 2020, Easy Credit sẽ có mặt tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và có hơn 1 triệu khách hàng.

Thống kê cho thấy, dư nợ tiêu dùng của người Việt tính đến cuối năm 2017 đạt hơn 5 tỷ USD. Cho vay tiền mặt khác với cho vay thông qua các điểm liên kết bán hàng, đó là chỉ khi khách hàng mua tiêu dùng thì mới được vay một phần để trả cho hàng hóa mua, còn cho vay tiền mặt không cần thế chấp, thủ tục nhanh và không cần chứng minh mục đích vay - là mảng dễ phát triển dư nợ, nhưng có rủi ro cao hơn, nên tất nhiên lãi suất cũng rất cao để bù đắp rủi ro.

Trước thực tế trên, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, các định chế tài chính sẽ tiếp tục nhắm đến thị trường béo bở này với kỳ vọng thu được lợi nhuận cao.

Trên thực tế, lợi nhuận của các CTTC đã và đang tăng dần trong những năm gần đây. Vì thế, cuộc đua giành thị phần cho vay tín dụng tiêu dùng nói chung, cho vay tiền mặt nói riêng, được dự báo sẽ "nóng" hơn trong thời gian tới.

Tin bài liên quan