Cuối tuần qua, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Bình Dương và các doanh nghiệp bảo hiểm trao 114,7 tỷ đồng tạm ứng bồi thường cho 113 doanh nghiệp bị thiệt hại sau sự cố tại các khu công nghiệp ở Bình Dương và Đồng Nai.
Số tiền trên được tạm ứng cho 87 nhà đầu tư Đài Loan (59,5 tỷ đồng); 3 nhà đầu tư Singapore (28,3 tỷ đồng); 4 nhà đầu tư Hồng Kong (21,8 tỷ đồng) và 3 nhà đầu tư Hàn Quốc (3,3 tỷ đồng)…
Cụ thể, Bảo hiểm Fubon trao tạm ứng số tiền bồi thường 31 tỷ đồng; Bảo Việt trao 26,8 tỷ đồng; PJICO trao 20 tỷ đồng cho Công ty Chutex, hợp đồng này đồng bảo hiểm với Bảo hiểm Cathay (phía Cathay có trách nhiệm chi trả 4 tỷ đồng); Bảo hiểm Bảo Minh trao tạm ứng 17,2 tỷ đồng; Bảo hiểm Cathay trao tạm ứng hơn 10 tỷ đồng; Samsung Vina trao tạm ứng 3 tỷ đồng; Bảo hiểm BIC trao 2 tỷ đồng, Bảo hiểm Xuân Thành trao 1 tỷ đồng; Bảo hiểm Phú Hưng trao 613 triệu đồng; Bảo hiểm ABIC trao 910 triệu đồng…
Lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, đến thời điểm này, Bảo hiểm Bảo Việt đã hoàn thiện thống kê về tình hình thiệt hại sơ bộ. Đối với nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, phát sinh 63 vụ, với tổng số tiền dự phòng bồi thường là 188 tỷ đồng; trong đó, phân chia theo địa bàn Bình Dương là 38 vụ; Đồng Nai là 22 vụ; TP. HCM 2 vụ; Bà Rịa - Vũng Tàu 1 vụ.
Với bảo hiểm xe cơ giới, phát sinh 56 vụ, tổng số tiền dự phòng bồi thường là 4,3 tỷ đồng. Thiệt hại về xe cơ giới hiện Bảo Việt đã xác nhận trách nhiệm và giám định xong, một số xe đã sửa chữa xong giao cho khách hàng, một số xe hiện trong garage đang sửa chữa, khách hàng không có khiếu nại gì thêm. Như vậy, có thể nói, Bảo Việt đã và đang hoàn thành trách nhiệm giải quyết bồi thường cho khách hàng của mình.
Riêng 2 vụ thiệt hại lớn với xe ô tô, là xe của Công ty May mặc Quốc tế Việt Hsing bị cháy toàn bộ, Bảo hiểm Bảo Việt đã giám định xong, ước thiệt hại 700 triệu đồng và xe của ông Hoàng Tăng Lưỡng (Đài Loan) ước thiệt hại 490 triệu đồng, Bảo hiểm Bảo Việt đang hoàn thiện thủ tục bồi thường toàn bộ. Trước mắt, Công ty tạm ứng cho hai khách hàng lần lượt là 300 triệu đồng và 200 triệu đồng.
Đối với thiệt hại về tài sản, Bảo Việt đã trực tiếp làm việc với khách hàng tại hiện trường. Hầu hết là các vụ thiệt hại nhỏ về cửa/cổng ra vào, một số thiết bị văn phòng. Chỉ có vụ tổn thất đối với Công ty Esquel là lớn nhất, Bảo hiểm Bảo Việt đã và đang khẩn trương làm việc với Công ty Tái bảo hiểm Zurich để thông báo về nguyên nhân tổn thất và nhận định của Bảo hiểm Bảo Việt về trách nhiệm đơn bảo hiểm là thuộc phạm vi, đồng thời đề xuất nhà tái bảo hiểm Zurich xác nhận phần tạm ứng bồi thường cho Esquel.
Theo đại diện Bảo hiểm Fubon, quá trình bồi thường sau vụ việc chưa hoàn tất, nhưng đã cố gắng tạm ứng bồi thường một phần cho các khách hàng có tổn thất lớn nhất. Các đơn bồi thường về tổn thất xe cơ giới cũng đã được Bảo hiểm Fubon hoàn tất.
“Doanh nghiệp bảo hiểm cũng đề nghị Bộ Tài chính có công văn xác nhận dịch thuật thông tin vụ tổn thất này phù hợp với phạm vi bảo hiểm, để các công ty bảo hiểm có cơ sở làm việc với nhà tái bảo hiểm, nhằm chia sẻ một phần tổn thất”, đại diện Bảo hiểm Fubon nói.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã thay mặt hội viên là các doanh nghiệp bảo hiểm cam kết sẽ bồi thường với mức trách nhiệm cao nhất, trong thời gian nhanh nhất, nhưng vẫn kiểm soát được vấn đề trục lợi bảo hiểm.
Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục đôn đốc những doanh nghiệp bị thiệt hại nhanh chóng hoàn tất gửi thông tin thiệt hại cho các công ty bảo hiểm để các doanh nghiệp bảo hiểm có căn cứ xác định và làm thủ tục bồi thường.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, số tiền tạm ứng bồi thường này dù chưa đáp ứng được hết nguyện vọng của các doanh nghiệp, tuy nhiên, việc làm kịp thời này đã khẳng định được cam kết và trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm đối với khách hàng tham gia bảo hiểm.
Bộ trưởng khẳng định, trong thời gian tới, các bên liên quan còn nhiều việc cần phải tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hỗ trợ và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh cho các doanh nghiệp, để ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh, đồng thời thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư để an toàn và thuận lợi hơn nữa.