Tâm thế những người không muốn dừng lại

Họ đang điều hành những doanh nghiệp hàng đầu hay đã từng là hàng đầu trong các lĩnh vực kinh doanh của mình. Họ đã vượt qua thách thức với những kết quả kinh doanh khá ấn tượng với bí quyết tỉnh táo, sáng tạo và vì mục tiêu không thể dậm chân tại chỗ. Và họ vẫn đang trên đường chinh phục những đỉnh cao mới...

Kinh Đô muốn đi xa, đi nhanh.

Ông Trần Lệ Nguyên,Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh Đô 

Thay vì tiếp tục bó mình trong lĩnh vực bánh kẹo cũng như ở các thị trường truyền thống, Tập đoàn Kinh Đô (KDC) muốn đi xa và đi nhanh thông qua các hoạt đông mua bán, sáp nhập (M&A) và liên kết với các đối tác.

Nói về bánh kẹo thì Kinh Đô hiện là số một. Nếu như trước đây, đã có lúc tương quan giữa Kinh Đô với vị trí thứ hai trên thị trường bánh kẹo là 1-3, thì nay tương quan này là 1-10 và ngày càng có xu hướng cách xa hơn. Nhiều hãng bánh kẹo nước ngoài cũng đã vào Việt Nam, nhưng nếu xét các yếu tố như thương hiệu, giá bán, kênh phân phối… cũng không khiến Kinh Đô phải quá lo ngại.

Mặc dù được mệnh danh là “ông vua bánh kẹo Việt Nam”, nhưng Kinh Đô nhận thấy thị trường trong nước 2 năm qua đã tăng trưởng chậm lại. Vì thế, trong chặng đường tiếp theo, Kinh Đô tập trung lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là ngành thực phẩm theo chiến lược thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu để tiếp tục mang vị hạnh phục đến mọi người.

Bên cạnh đó, Công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động mua bán - sáp nhập với định hướng tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những công ty phù hợp với chiến lược đã đề ra. Ngoài ra, công ty sẽ mở rộng hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác cùng các đối tác, đưa thương hiệu Kinh Đô vươn tầm quốc tế.

Đối với kế hoạch mở rộng sang các mặt hàng thiết yếu như mì gói, nước tương, dầu ăn…, Kinh Đô sẽ sớm ra mắt các sản phẩm trong năm nay. Thực tế trước đây, Kinh Đô có dự kiến ra mắt sớm hơn, nhưng thận trọng vì là người đi sau trong lĩnh vực này. Hiện nay, lĩnh vực này đang cạnh tranh rất khốc liệt, nên Kinh Đô sẽ phải lựa chọn một phân khúc phù hợp.

Sau chặng đường 20 năm với nhiều thành công, Kinh Đô đủ tự tin để bước vào một giai đoạn mới.

Đã đến thời điểm FPT ganh đua với các tập đoàn danh tiếng.

Tâm thế những người không muốn dừng lại ảnh 2

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT

Một bước ngoặt mang tính định mệnh đang đến với Tập đoàn FPT, khi Thủ tướng Chính phủ khẳng định, công nghệ thông tin là nền tảng của phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình, tiến vào nền kinh tế tri thức, tiến cùng thời đại.

Như vậy, từ một ngành kinh tế phát triển với tốc độ cao nhất và ảnh hưởng lan tỏa đối với toàn bộ kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng, công nghệ thông tin đã trở thành phương thức phát triển của đất nước.

Nhận thức đầy đủ và sâu sắc sứ mệnh này, cháy hết mình cho nhiệm vụ này là đòi hỏi của đất nước đối với mỗi người FPT, đối với mỗi đơn vị của FPT và cả Tập đoàn FPT.

Bước ngoặt định mệnh này gắn với vai trò của FPT tại Singapore và ASEAN. FPT đã trở thành tập đoàn lớn nhất ASEAN về quân lực. Trong nước, FPT đã đứng tổng thầu các hợp đồng hàng chục triệu USD. Và mặc dù công nghệ thông tin là ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam, song đã đến lúc Việt Nam trở thành nhỏ bé đối với FPT.

Đã đến thời điểm FPT ganh đua với các tập đoàn danh tiếng thế giới đến từ Mỹ như Acenture, IBM, HP; đến từ Ấn Độ như Tata, Wipro, Infosys; đến từ Trung Quốc như Neusoft, Hisoft… tại thị trường Singapore. Không có bất cứ lý do gì FPT không tham gia thị trường 14,1 tỷ USD công nghệ thông tin này, trong đó 6,3 tỷ USD dịch vụ tin học, 1,2 tỷ USD từ khối Chính phủ Singapore (theo số liệu của Gartner).

Tôi đang nghĩ đến doanh thu đạt 100 triệu USD từ Singapore trong 3 năm tới, hàng trăm triệu USD từ ASEAN và hàng tỷ USD doanh thu từ nước ngoài. Thua trận này, con đường lên top 500 Forbes Global của FPT là rất xa xôi. Thắng trận này sẽ thắng trong cả khu vực ASEAN và tiếp theo là khắp địa cầu. Đây là trận quyết đấu chiến lược FPT.

Người Ấn Độ làm được, người Trung Quốc làm được, người Việt Nam sẽ làm được!

Các doanh nghiệp sẽ gia tăng năng lực qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Tâm thế những người không muốn dừng lại ảnh 3

Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft Vietnam

Kinh tế đang dần hồi phục, các công ty sẽ gia tăng năng lực nội bộ theo xu hướng hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn trong quá trình vận hành, quản lý doanh nghiệp. Việc chuyển đổi theo mô hình mới, áp dụng công nghệ thông tin sẽ giúp cho chi tiêu cho ngành công nghệ thông tin trong nước dự kiến sẽ tăng trưởng cao.

Hiện nay, với các nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, hầu như các doanh nghiệp đều muốn nhân viên và quản lý có thể làm việc linh hoạt hơn. Với xu thế này, các thiết bị vừa có thể xử lý công việc, vừa giải trí mọi nơi mọi lúc… mà vẫn đảm bảo được độ an toàn thông tin sẽ là lựa chọn phổ dụng tại thị trường trong nước. Ở cấp độ vi mô, Microsoft đã làm việc chặt chẽ với các đối tác để cho ra mắt dòng sản phẩm máy tính cài đặt Windows 8.1, với rất nhiều tính năng vượt trội, đảm bảo duy trì khả năng cá nhân hóa, giải trí cao, nhưng vẫn đủ độ tin cậy, linh hoạt và bảo mật, để có thể xử lý lượng công việc đồ sộ của bất kỳ chuyên gia nào.

Về vĩ mô, Big Data hay việc xây dựng các hạ tầng mạng và trung tâm dữ liệu cũng sẽ tiếp tục đà phát triển sẵn có. Ở Việt Nam, các trung tâm dữ liệu cấp tỉnh, thành phố sẽ học hỏi các thành công của mô hình trước đó, tiêu biểu là Trung tâm dữ liệu của Thành phố Đà Nẵng, với nền tảng hạ tầng đám mây Microsoft. Đây là bước khởi điểm để hình thành và phát triển vững mạnh đồ hình “đô thị của tương lai” (CityNext), với các dịch vụ đám mây tiên tiến.

Bắt đầu giai đoạn từ rộng đến sâu, từ Việt Nam ra quốc tế.

Tâm thế những người không muốn dừng lại ảnh 4

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên

Trung Nguyên khởi nghiệp trong điều kiện khá đặc thù, nên tôi chia thành các giai đoạn khác nhau: từ không đến có, từ nhỏ đến lớn; từ trên rừng xuống đồng bằng; từ rộng đến sâu, từ Việt Nam ra quốc tế trong thời điểm hiện nay.

Giai đoạn này phải làm gì, chúng tôi đã hoạch định rất rõ. Để một doanh nghiệp hoạt động tốt thì có 3 tầng: xác lập hạt nhân tư tưởng, xác định chiến lược và tổ chức thực thi. Ba tầng này đều phải đúng thì mới phát triển được. Nếu tư tưởng đúng, chiến lược đúng mà đội ngũ không thấu hiểu thì cũng không làm được.

Hiện nay, tầng tư tưởng, tầng chiến lược của chúng tôi rất mạnh. Tôi tự tin về điều này, nên tôi mới nói là đi chinh phục thế giới. Tầm nhìn của chúng tôi là lãnh đạo ngành cà phê thế giới. Ở những diễn đàn cà phê quốc tế, chúng tôi đều tham gia vạch hướng đi…

Về tầm chiến lược, để chinh phục thị trường thế giới, 3 câu hỏi mà doanh nghiệp phải trả lời để xây dựng chiến lược này là sản phẩm để chinh phục là gì, mô hình kinh doanh nào và thế giới sẽ nghe câu chuyện gì từ doanh nghiệp đó… Ngoài ra, còn các yếu tố khác rất quan trọng như chiến lược phát triển ngành nghề của quốc gia và sự tương đồng với chiến lược phát triển của doanh nghiệp, để đảm bảo cho các doanh nghiệp đi xa hơn.

Hiện nay, Trung Nguyên đã có những yếu tố gì? Khát khao chiến lược: chúng tôi đã có. Ngành nghề: có thể có. Nhưng hình ảnh của mình (ngành cà phê) thì chưa ổn khi chủ yếu xuất thô và chất lượng chưa cao. Chiến lược quốc gia thì vẫn phải vận động… Tôi đã mất 5 năm nay để đề xuất một cụm ngành cà phê quốc gia, hiện các bộ, ngành đã bắt đầu lắng nghe. Tôi làm những công việc này không phải chỉ cho Trung Nguyên, mà còn cho các doanh nghiệp khác.    

Với tôi, cà phê phải đem về 20 tỷ USD/năm chứ không phải chỉ hơn 3 tỷ USD/năm như bây giờ. Nông nghiệp Việt Nam có thể đem về cả trăm tỷ USD. Để đạt được những con số này, Nhà nước phải tạo nền móng, bệ phóng để cho từng doanh nghiệp vươn lên. Hai nữa là trách nhiệm của doanh nghiệp đứng đầu trong một ngành phải biết tạo ra giá trị cho ngành, biết dẫn dắt ngành của mình đi lên.

Năm nay sẽ là năm tích lũy nguồn lực cho sức bật mới.

Tâm thế những người không muốn dừng lại ảnh 5

Ông Văn Đức Mười,Tổng giám đốc Công ty Vissan

Năm 2014 sẽ là một năm để doanh nghiệp củng cố, ổn định, tích lũy sức lực, chuẩn bị cho sự vươn lên mạnh mẽ vào năm 2015.

Là doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm, chúng tôi thấy rằng, ngành thực phẩm, chế biến nông sản rất dễ bị tổn thương khi hội nhập. Bài học kinh nghiệm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy, việc tận dụng được các cơ hội là rất khó, nhất là với lĩnh vực nông nghiệp vốn thiếu chiến lược và phát triển thiếu bền vững.

Tuy nhiên, cho dù những thách thức của hội nhập tới đây là căng thẳng, quyết liệt, nhưng chúng ta không thể đứng ngoài cuộc chơi. Chính vì vậy, quan điểm của tôi là không nên bi quan, nhìn nhận thực tế với thái độ tích cực và mạnh dạn thay đổi để tận dụng cơ hội. Khi đó, doanh  nghiệp Việt Nam mới có được sức bật mới.

Tất nhiên, để làm được việc đó, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chế biến thực phẩm gia súc nói riêng cần phải có được chiến lược phát triển mới với mục tiêu năng suất, chất lượng và tăng trưởng bền vững. Nghĩa là cần có một cơ chế, chính sách đủ mạnh để định hướng, định hình cho doanh nghiệp phát triển theo đúng mục tiêu của chiến lược này.

Vissan là một tế bào trong nền kinh tế, nên để phát triển mạnh mẽ hơn, tìm được sức bật mới trong giai đoạn tới, chúng tôi rất cần sự định hướng này.

Hiện tại, Vissan đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã và những trang trại lớn ở Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp..., nhằm thúc đẩy vùng nông nghiệp - nông thôn phát triển theo hướng gắn kết với khoa học, kỹ thuật, thực hiện liên minh công – nông, đẩy mạnh phát triển năng suất chăn nuôi ở khu vực nông thôn.

Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị đón cơ hội phát triển mới bằng việc đầu tư Cụm công nghiệp chế biến khép kín Vissan tại Long An. Chúng tôi dự kiến sẽ hoàn tất cụm công nghiệp này và đưa vào vận hành vào năm 2016. Một tiến độ có tính chất dè chừng để phù hợp với điểm rơi của thị trường.n 

Thị trường bất động sản nhà ở sẽ tiếp tục được cải thiện.

Tâm thế những người không muốn dừng lại ảnh 6

Ông Chris Freund, Giám đốc của Mekong Capital

Về triển vọng cho năm 2014, thị trường vốn sẽ tiếp tục hồi phục. Lãi suất giảm xuống và theo tôi, các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng mức tăng trưởng tín dụng. Đây là cơ hội tốt cho thị trường vốn.

Tôi cũng tin rằng, thị trường bất động sản nhà ở sẽ tiếp tục được cải thiện. Hy vọng lớn của tôi trong năm nay là sẽ có thêm nhiều tài sản công được bán, đặc biệt những tài sản thuộc SCIC quản lý. Ngoài ra, tôi cùng kỳ vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa trong năm nay.

Tôi cũng chờ đợi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất trong 2014, đem lại lợi thế to lớn cho Việt Nam, cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Riêng với cá nhân tôi, Tết là dịp để mọi người dành thời gian cho gia đình, họ hàng. Năm nay, tôi sẽ ăn tết tại Côn Đảo với người vợ Việt Nam của tôi, con gái chúng tôi và bố mẹ tôi từ Mỹ sang.

Qua giai đoạn làm nháp để vào giai đoạn tăng trưởng mới.

Tâm thế những người không muốn dừng lại ảnh 7

Ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Sau hơn 19 năm khởi nghiệp từ phân xưởng nước giải khát Bến Thành, Tân Hiệp Phát (THP) đã vươn lên trở thành một tập đoàn sản xuất nước giải khát lớn trong nước. Tuy nhiên, 19 năm qua chỉ là “làm nháp” và giai đoạn tăng trưởng mới chỉ là bắt đầu.

Năm 2013 là một năm khó khăn của nền kinh tế nói chung, hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng từ thị trường, sức mua, cung cầu và rất nhiều ảnh hưởng khác liên quan. Tuy vậy, THP vẫn có những chiến lược để duy trì mức ổn định thị trường cũng như đảm bảo cấu trúc phát triển của Tập đoàn.

Trong sự khó khăn chung, chúng tôi vẫn có những bước phát triển đánh dấu sự thay đổi và đổi mới trong việc đầu tư vào khu vực miền Trung và miền Nam. Cụ thể là đầu tư xây dựng Khu công nghiệp và Cảng quốc tế Dr Thanh tại Chu Lai, Quảng Nam trong tháng 8/2013 và cuối tháng 12/2013 đã khởi công xây dựng Nhà máy Number One Hậu Giang trên diện tích 40 ha với quy mô một nhà máy nước giải khát lớn nhất khu vực Tây Nam Bộ.

Dự kiến tháng 4/2014, chúng tôi sẽ khánh thành và đi vào hoạt động sản xuất Nhà máy nước giải khát Number One Hà Nam và sẽ mở rộng cung cấp sản phẩm cho thị trường phía Bắc và xuất khẩu sang một số nước.

Đây chính là bước đổi mới trong cả quy mô hoạt động, sản xuất và đầu tư dịch vụ phát triển thị trường sâu rộng, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là giữ vững thị trường Việt Nam, tạo đà cho việc phát triển và mở rộng sang nhiều nước khác. Hiện chúng tôi có hơn 40 loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa đạng của nhiều đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng là rất lớn, đặc biệt khi xã hội ngày càng phát triển, thẩm mỹ sử dụng của con người càng đa dạng và chuyên sâu. Chính vì vậy, trước khi quyết định sử dụng một sản phẩm nào đó, việc nghiên cứu và tìm hiểu thông tin để có sự lựa chọn thông minh cho mình cũng như những người thân càng được chú trọng. Những sản phẩm có lợi cho sức khỏe của THP như Trà xanh Không độ, Trà thảo mộc Dr Thanh, Sữa đậu nành Number One SOYA… đã tạo nên chiến tích kiêu hãnh của một thương hiệu nước giải khát Việt Nam.

Tuy vậy, nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng vẫn luôn đòi hỏi những sản phẩm thỏa mãn khắt khe hơn cho thực tế sử dụng. Trong thời gian tới, THP sẽ tiếp tục tung ra nhiều sản phẩm “có lợi cho sức khỏe” và đi vào những nhu cầu tiềm ẩn ngày càng khắt khe nhất của người tiêu dùng.

Hiện một số doanh nghiệp trong nước đã tung ra một số dòng sản phẩm cùng phân khúc cạnh tranh với THP. Tuy nhiên, một khi thị trường có nhiều doanh nghiệp tham gia và đa dạng sản phẩm cho người tiêu dùng, chứng tỏ đấy là một thị trường tốt. Thị trường tốt sẽ càng kích thích nhu cầu người tiêu dùng và mở ra cơ hội cạnh tranh và phát triển tốt hơn cho nhà sản xuất. Như vậy, có thêm doanh nghiệp tham gia thị trường, tôi nghĩ là dấu hiệu tốt hơn cho ngành nước giải khát và chính người tiêu dùng sẽ là người quyết định sử dụng sản phẩm.

Hoa Sen vào giai đoạn bứt phá mới.

Tâm thế những người không muốn dừng lại ảnh 8

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen

Năm 2013 tuy là năm có nhiều khó khăn, bất lợi về kinh tế vĩ mô nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, nhưng lại là một năm nhiều dấu ấn của Tập đoàn Hoa Sen với các chỉ tiêu kinh doanh đều vượt kế hoạch đề ra. Hoa Sen đã “về đích” với sản lượng tiêu thụ đạt 634.128 tấn, doanh thu 11.760 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 32% và 17% so với niên độ trước. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế có sự tăng trưởng vượt bậc, đạt 581 tỷ đồng, tăng 58% so với niên độ trước.

Kênh xuất khẩu cũng tạo được đột phá lớn, với việc tiêu thụ hơn 280.000 tấn sản phẩm tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính, yêu cầu chất lượng cao như Nhật Bản, Nga và thu về gần 252 triệu USD, giúp Tập đoàn Hoa Sen khẳng định vị thế là doanh nghiệp xuất khẩu tôn hàng đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Năm 2013 cũng là năm Hoa Sen tiếp tục ghi dấu ấn là một trong những thương hiệu Việt có nhiều đóng góp cho cộng đồng với nhiều hoạt động ấn tượng như sự kiện đưa “người hùng khuyết tật” Nick Vujicic đến Việt Nam; tài trợ các chương trình hữu ích cho xã hội như Vượt lên chính mình; Mái ấm gia đình Việt; Tài trợ 22.000 m2 tôn lạnh cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai…

Kết quả kinh doanh của Hoa Sen không nằm ngoài các yếu tố mang tính quy luật như “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” và quy luật nhân quả. Dù trong hoàn cảnh bất lợi nhưng “lòng người của Hoa Sen” đồng tâm nhất trí, vượt qua khủng hoảng, vì vậy, kết quả kinh doanh rất tốt. 

Bất cứ hoàn cảnh nào, Tập đoàn cũng tập trung vào ngành sản xuất chính là tôn thép. Bài học ở đây là, nhận thấy sai lầm không khó, cái khó là làm sao công khai sai lầm,  quyết tâm sửa sai, dù có đau đớn đến mấy”.

Năm 2013 cũng là năm có nhiều dấu ấn về sự quyết đoán của Tập đoàn như quyết định tiếp tục đầu tư trên 1.300 tỷ đồng để triển khai giai đoạn 2 Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ, quyết định đưa Nick Vujicic đến Việt Nam; chống chọi thành công với đối thủ ở các thị trường Đông Nam Á, lọt vào danh sách “10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam”…

Bước sang năm 2014, trước sự chưa chắn chắn về sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và thị trường vật liệu xây dựng nói riêng, kèm theo đó là những dự báo về áp lực cạnh tranh ngày càng tăng đến từ một số mặt hàng thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam thời gian qua, Hoa Sen xác định mục tiêu chính trong năm 2014 là tập trung hoàn thiện các lợi thế cạnh tranh sẵn có, nhằm tạo nền tảng phát triển ổn định, bền vững và chuẩn bị bệ phóng vững chắc giúp doanh nghiệp bứt phá trong các giai đoạn phát triển

tiếp theo.

Mục tiêu 2014 của Hoa Sen là sản lượng tiêu thụ thành phẩm 700.000 tấn, doanh thu 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng. Đồng thời, Hoa Sen cũng hướng đến mục tiêu đạt doanh số xuất khẩu 300 triệu USD trong năm 2014.

Hùng Vương sẽ không chỉ có cá…

Tâm thế những người không muốn dừng lại ảnh 9

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hùng Vương

Mọi người vẫn nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hay “một nghề cho chín còn hơn 9 nghề”. Thế nhưng, trong kinh doanh, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đó là phải biết nhanh nhạy nắm bắt cơ hội.

Biết các nhà đầu tư sẽ “nhạy cảm” với việc đầu tư ngoài ngành, nên khi cho biết ý định sẽ xuất khẩu không chỉ có thủy sản mà còn mở rộng sang các mặt hàng như gạo, nước mắm, nông sản…, Chủ tịch Công ty đã phải giải thích ngay rằng, Hùng Vương không đầu tư sản xuất các mặt hàng này, mà chỉ thu mua trong nước để xuất khẩu.

Đối với một doanh nghiệp thuộc tốp đầu và có 10 năm thâm niên trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá như Hùng Vương, có lẽ “một nghề” đến nay cũng đã đủ “chín”.

Ý tưởng của Hùng Vương là sẽ bỏ tiền đầu tư để sở hữu 30-50% một số chợ bên Mỹ hoặc bán cổ phần của mình, từ đó Hùng Vương sẽ đi thu mua các mặt hàng trong nước để xuất bán vào các chợ này.

HĐQT Công ty đã đi khảo sát 16 chợ bên Mỹ, và theo khảo sát, 16 chợ này có doanh thu 700 triệu USD mỗi năm, trong đó 30-40% hàng hoá ở đây là từ Việt Nam như thủy,  hải sản, nông sản và hàng tiêu dùng khác.

Hùng Vương và các công ty con đang bán cá sang nhiều nước trên thế giới, với doanh thu xuất khẩu hợp nhất 9 tháng đầu năm 2013 hơn 3.219 tỷ đồng, chiếm 41,32% tổng doanh thu của Tập đoàn.

Đối với “nghề” chính, Hùng Vương cũng muốn sử dụng “đòn bẩy” đối tác ngoại để mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện Hùng Vương đang chào bán 20 triệu cổ phần cho Tael Two Partners Ltd và Tael Management Co. Ltd. Dự kiến đợt chào bán này sẽ hoàn tất trước ngày 30/6/2014. Những đối tác này “có quan hệ rất tốt” với một tập đoàn siêu thị tại Indonesia, nơi mà Hùng Vương nhắm đến để đưa cá vào bán.

Hùng Vương sẽ chào bán tiếp đợt 2 với 10 triệu cổ phần trong vòng 6 tháng sau khi kết thúc đợt 1 và dự kiến sẽ kết thúc trước ngày 31/12/2014. Giá chào bán tối thiểu là 28.000 đồng/cổ phần.

Trong kế hoạch phát triển mở rộng ở Đông Nam Á, Hùng Vương đang nghiên cứu đầu tư nuôi trồng, sản xuất và bán cá ngay tại Indonesia.

Năm Ngọ là năm thuận cho những cái bắt tay thân tình.

Tâm thế những người không muốn dừng lại ảnh 10

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái

Có thể nói, tôi nhìn thấy bức tranh doanh nghiệp đa sắc, đa diện trong năm Giáp Ngọ, khi mà những dự báo cho thấy khó khăn và thuận lợi vẫn đan xen. Sẽ có số ít doanh nghiệp phát triển mạnh hơn. Nhiều doanh nghiệp vẫn phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh hoặc đóng cửa. Sẽ có các doanh nghiệp phải bán, liên doanh hoặc liên kết với đối tác nước ngoài.

Nhưng, tóm lại, chúng tôi đang tiếp tục tái cấu trúc, kinh doanh theo các ngành có lợi thế, tiết kiệm chi phí, hoạt động chuyên nghiệp hơn, duy trì doanh nghiệp ở quy mô hợp lý để tồn tại và chuẩn bị cho sự phát triển trong năm nay và những năm tiếp theo.

Riêng với Phú Thái, chúng tôi vẫn kiên định với lĩnh vực kinh doanh phân phối và bán lẻ. Chúng tôi luôn đề cao tính chuyên nghiệp và quốc tế hóa. Năm 2013, chúng tôi vẫn phát triển tốt, tuy lợi nhuận năm có giảm sút, doanh số và mạng lưới đều tăng.

Đây là cơ sở để chúng tôi tin rằng, năm 2014 là một năm để phát triển mạnh hơn. Chúng tôi đang sẵn sàng mở rộng kinh doanh thông qua liên doanh, liên kết, mua bán - sáp nhập. Thử xem một quẻ vui cho người tuổi Thìn trong năm Giáp Ngọ, năm nay là một năm tốt đẹp và bận rộn. Để giữ gìn thành quả của mình, người tuổi Thìn cần quyết tâm, nỗ lực và cả những bước đi mới, chủ động vạch ra những mục tiêu cụ thể. Đây cũng là năm mà cơ hội kiếm tiền nhiều hơn…

Chúng tôi tin năm nay sẽ là năm thuận cho những giao kết, những bắt tay kinh doanh thân tình giữa các đối tác.

Chúng tôi đang trên chặng đường thực hiện tầm nhìn đến năm 2020 trở thành doanh nghiệp phân phối bán lẻ hàng đầu Việt Nam, với doanh thu đạt 2 tỷ USD và 1.500 nhân viên. Có nghĩa là, mỗi năm tới đây, bắt đầu từ năm 2014, chúng tôi sẽ phải vào guồng nhanh hơn, mạnh hơn.

Cơ hội của năm 2014 đến từ sức sáng tạo của từng doanh nghiệp.

Tâm thế những người không muốn dừng lại ảnh 11

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường,Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group)

Chúng tôi, các doanh nghiệp đã trải qua một năm buồn vui cùng chất chứa, nên tôi đang chờ đón một năm mới với một tâm thế lạc quan, hy vọng. Chúng tôi hiểu rằng, không thể chìm đắm vào nỗi buồn đã qua. Cách tốt nhất đi đến tương lai là tránh được vết xe đổ để tiếp tục hành trình.

Giờ đây, tôi tin là đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành hơn. Thay vì kêu gọi hay trông đợi sự hỗ trợ từ chính sách,  vào bà đỡ Nhà nước, chúng tôi đã tự đứng trên đôi chân mình. Tôi rất tâm đắc với câu, khi bị dồn đến chân tường ấy là khi sự sáng tạo được giải phóng. Cơ hội của năm 2014 đến từ sức sáng tạo của từng doanh nghiệp. Với VID Group, năm qua tuy khó khăn, nhưng cũng đạt được kết quả kinh doanh đáng khích lệ, khi đón được dòng vốn FDI từ 20 dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc. Đạt được kết quả này, Ban lãnh đạo rất ghi nhận nỗ lực của toàn thể đội ngũ nhân viên trong Tập đoàn. Có hình ảnh này, tôi nghĩ rất đúng, đó là chúng ta đang tiến ra biển lớn nổi sóng trên con thuyền nan, vậy thì phải đồng lòng, vững tay chèo, không thể có cách nào khác.

Năm 2014, chúng tôi vẫn tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là phát triển khu công nghiệp, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Để làm được việc đó, công việc tiếp tục là nâng cao chất lượng dịch vụ và tư vấn đầu tư, tập trung hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư tại các thị trường chính, chuẩn bị đón Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mặc dù quá trình đàm phán TPP vẫn đang tiếp tục, nhưng tôi hy vọng các bên sẽ thống nhất thông qua vào năm 2014.

Giữ vững vị trí tiên phong nhờ sự đồng lòng.

Tâm thế những người không muốn dừng lại ảnh 12

Bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược Hậu Giang

Chúng tôi có những lời thề, những định ước không thay đổi, được mọi người đồng lòng, thống nhất và là tôn chỉ mục đích hoạt động của mỗi người và của cả Công ty. Mục tiêu, chiến lược, chỉ tiêu, kế hoạch dài hạn mỗi năm đều được xây dựng từ ý kiến thống nhất của cán bộ, công nhân viên với phương châm: chiến lược hôm nay sẽ là vấn đề của ngày mai. Chúng tôi muốn mọi người luôn chuẩn bị, sẵn sàng, chấp nhận thay đổi để phù hợp, để phát triển bền vững. Đó chính là những lý do chính giữ Dược Hậu Giang ở vị thế tiên phong trong ngành dược.

Năm 2013 là một năm thách thức lớn nhưng doanh thu của Dược Hậu Giang đạt 4.033 tỷ đồng, vượt kế hoạch. Có được kết quả kinh doanh thắng lợi của năm 2013 là nhờ phát huy được những lợi thế những đặc trưng trong phong cách quản trị chiến lược, quản trị nhân sự, văn hóa công ty trong những năm qua của đội ngũ lãnh đạo, các đoàn thể ở DHG.

Cũng phải nhấn mạnh, ngành dược là ngành sản xuất - kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, là ngành khoa học - kỹ thuật liên tục phát triển, nên để giữ vững vị thế dẫn đầu của Công ty về thị phần, doanh thu, uy tín thương hiệu là mong muốn không dễ thực hiện.

Trong suốt thời gian qua, chúng tôi luôn phải chú ý đến ba yếu tố.

Một là, gìn giữ và nâng cao chất lượng sản phẩm, gìn giữ uy tín thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.

Hai là, phát huy lợi thế hệ thống bán hàng sâu rộng cả nước, vùng sâu, vùng xa với mục tiêu: nơi nào có người dùng thuốc, nơi đó có sản phẩm DHG.

Ba là, đầu tư cho công tác khoa học - kỹ thuật, nghiên cứu phát triển không chỉ từ nội lực, mà từ cả việc học tập, thuê các chuyên gia trong và ngoài nước.

Cũng trên nền tảng này, trong năm 2014 và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ đầu tư nhiều sản phẩm mới, khai thác công suất nhà máy mới sửa chữa, hoàn thiện; xây dựng, hoàn thiện dây chuyền sản xuất nguyên liệu từ dược liệu; dây chuyền sản xuất thực phẩm chức năng… đạt tiêu chuẩn GMP/WHO.

Đặc biệt, chúng tôi có kế hoạch tận dụng những cơ hội trong các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… thông qua các hoạt động liên doanh liên kết với những công ty từ những nước phát triển, xây dựng nhà máy sản xuất mới, dây chuyền sản xuất mới, khai thác diện tích đất còn lại ở giai đoạn 2; đầu tư vào hoạt động marketing để giúp hoạt động xuất khẩu tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng của toàn công ty.

Bên cạnh việc sản xuất - kinh doanh sản phẩm của Công ty sản xuất, chúng tôi sẽ khai thác lợi thế hệ thống bán hàng, hệ thống kho đạt GMP trên cả nước để mở rộng kinh doanh sản phẩm độc quyền của những tập đoàn, các công ty đa quốc gia, tiến dần đến gia công và hợp tác sản xuất ở những giai đoạn sau. Phấn đấu đến năm 2018, Dược Hậu Giang đạt doanh thu khoảng 500 triệu USD/năm. Nếu đủ điều kiện thuận lợi và có đối tác, chúng tôi cũng sẽ nhượng quyền kỹ thuật và thương hiệu một vài sản phẩm đã thành công trong nước.

Cùng với đó, trong năm tới, việc liên kết với đối tác xây dựng nhà máy ở một số thị trường, trên nguyên tắc cổ phần hóa và DHG nắm giữ cổ phần chi phối (từ 51% trở lên) cũng sẽ được lên kế hoạch.

Chúng tôi vẫn chưa thể ngủ ngon.

Tâm thế những người không muốn dừng lại ảnh 13

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia – Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)

Con số mà chúng tôi tự hào nhất là năm 2013, Sabeco đã nộp ngân sách hơn 12.400 tỷ đồng (tương đương 600 triệu USD), xếp thứ 9 trong 10 doanh nghiệp trên cả nước nộp ngân sách lớn nhất cho Nhà nước. Đó là tiền đề tốt để chúng tôi phát triển trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, năm 2014 sẽ là một năm khó khăn gấp bội của Sabeco khi sự cạnh tranh của nhiều hãng bia mới đã tăng mạnh. Mới nhất, Tập đoàn BTG Holding đến từ Slovakia đã khởi công xây dựng Nhà máy bia Tiệp có tổng vốn đầu tư 86 triệu euro để sản xuất loại bia nổi tiếng trên thế giới - bia Budweiser Budvar. Đây không chỉ là một trong những nhà máy bia lớn nhất Việt Nam, mà còn là nhà máy sản xuất bia của Slovakia lớn nhất khu vực châu Á.

Thứ hai là, năm 2014 buộc chúng tôi phải tái cấu trúc nội bộ mình. Một mặt là, theo yêu cầu của Chính phủ, một mặt là theo yêu cầu kinh doanh của chính doanh nghiệp. Đặc biệt, trong năm nay, chúng tôi đề nghị Bộ Công thương cho chúng tôi đổi tên thành Tổng công ty cổ phần Bia Sài Gòn, chỉ tập trung vào một ngành, không cần phải “rượu, nước giải khát”. Chúng tôi sẽ làm điều đó để “nhất thể hóa” hoạt động của doanh nghiệp, bắt đầu từ hình ảnh, bắt đầu từ tên gọi, bắt đầu từ ý niệm và bắt đầu từ các hành động hàng ngày của cán bộ, công nhân viên.

Thứ ba, chúng tôi lo là có thể có sự biến động mạnh của giá nguyên liệu. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm của chúng tôi có thể trong tình thế tốc độ tăng giảm dần vì chính sách hạn chế sử dụng bia rượu của Nhà nước.

Những khó khăn vẫn đang thách thức Sabeco, đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa. Tất cả cán bộ, nhân viên Tổng công ty trong hệ thống chưa thể ngủ ngon được.

Quyết không để SBIC bình mới, rượu cũ.

Tâm thế những người không muốn dừng lại ảnh 14

Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC)

Việc ra mắt Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) và chấm dứt hoạt động của mô hình tập đoàn kinh tế vào những ngày cuối cùng của năm 2013 đã đánh dấu một bước chuyển thành công trong việc tái cơ cấu Vinashin, chuẩn bị cho một bước phát triển mới tốt đẹp hơn của ngành đóng tàu Việt Nam.

Ban lãnh đạo SBIC quyết tâm không để xảy ra tình trạng “bình mới, rượu cũ”, hay lặp lại những yếu kém, khuyết điểm tương tự trong quá khứ.

Sau quá trình tái cơ cấu bước 1, SBIC chỉ giữ lại 8 doanh nghiệp đóng tàu, và các doanh nghiệp này sẽ thay đổi về chất thật sự. Ngoài việc tinh giản lao động, chúng tôi tập trung cổ phần hóa tại doanh nghiệp, mời các đối tác vào, nhưng đặc biệt ưu tiên đối tác nước ngoài với kinh nghiệm và thế mạnh trong ngành đóng tàu.

Hiện chúng tôi đã tìm được đối tác Damen - tập đoàn hàng hải hàng đầu Hà Lan đã đầu tư vào ba công ty của chúng tôi. Damen đã ký thỏa thuận ghi nhớ, theo đó họ sẽ mang hợp đồng từ các nước khác về cho các công ty của SBIC đóng tàu, họ cũng sẽ lo tài chính. Damen cũng đã hứa sẽ nghiên cứu hợp tác toàn diện, với cả 8 nhà máy đóng tàu của Tổng công ty để thay đổi hẳn về chất, không thể để tình trạng “bình mới, rượu cũ” được.

Ngoài ra chúng tôi cũng đang làm việc với một loạt đối tác đến từ Nga, Hy Lạp, Singapore và cả Tập đoàn Samsung. Ngay trong năm 2014, SBIC sẽ phấn đấu đạt giá trị sản lượng khoảng 7.500 tỷ đồng, tăng 120% so với năm ngoái, với số tàu bàn giao là 78 chiếc.

Để đạt hiệu quả kinh doanh, nguyên tắc của chúng tôi là các sản phẩm mới ký hợp đồng thì phải có lãi, tối thiểu phải ngang vốn. Còn với các hợp đồng đã ký trước đây thì mục tiêu là giảm lỗ càng nhiều càng tốt.

Về kế hoạch tái cơ cấu tài chính, chúng tôi được giảm gốc và giảm lãi vay rất nhiều. Một điểm thuận lợi cho hoạt động của SBIC là trước đây nếu hạch toán lãi vay vào báo cáo tài chính thì Vinashin sẽ lỗ, nhưng sau khi được xóa lãi vay thì báo cáo tài chính đã không còn âm nữa, mà đã dương lên rất nhiều.

Tin bài liên quan