Ông Vũ Tiến Lộc

Ông Vũ Tiến Lộc

Tâm thế người cầm quân thời đại mới

(ĐTCK) Thay đổi tư duy, để từ đó có những bứt phá, vượt lên chính mình được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc trò chuyện với giới doanh nhân trong năm 2015. Thông điệp này tiếp tục được nhắc đến trong những ngày đầu Xuân như một vũ khí thiết thân trên “trận chiến” của những người lính thời bình.

Thay đổi để tiến lên

Việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là niềm vui đồng thời cũng là nỗi lo của tất cả doanh nhân Việt. Cơ hội nhiều, mà thách thức cũng lớn. TPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là trận tuyến của các doanh nghiệp, là chiến trường của các doanh nhân.

Các FTA không chỉ tác động đến thể chế, mà còn tạo ra cuộc chơi không dựa vào quan hệ. Để có thể tận dụng cơ hội, doanh nghiệp phải nắm được thông tin, phân tích được tác động của các cam kết đến từng ngành hàng, xây dựng được kế hoạch kinh doanh gắn với chuỗi giá trị và phải hành động ngay, chứ không được chờ đến khi có hiệp định mới bắt tay vào xây dựng thị trường, chuẩn bị sản xuất.

Doanh nghiệp phải kinh doanh bài bản, quay trở lại vấn đề nền tảng, đặc biệt là tập trung đổi mới công nghệ, quản trị, thay vì chỉ chú trọng xây dựng chiến lược và lợi thế doanh nghiệp trên các mối quan hệ như trước kia.

Trong trận chiến mới này, các doanh nghiệp Việt không chỉ phải cạnh tranh với những đối thủ trong nước mà còn phải đương đầu với rất nhiều đối tác quốc tế, các tập đoàn lớn với nhiều năm kinh nghiệm và tiềm lực tài chính vô cùng mạnh mẽ ngay trên sân nhà. Để chiến thắng họ, trước hết, doanh nghiệp phải vượt qua được đối thủ đầu tiên, đó là chính mình, phải thay đổi mình để thích ứng với hoàn cảnh mới.

Nhìn vào sân chơi của TPP hay với các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu hay với EU, trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam đang xếp ở thứ hạng thấp, thậm chí là thấp nhất. Trước đây, chúng ta so hôm nay với ngày hôm qua và tự hài lòng. Còn nay, chúng ta phải đặt mình trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế mới nhận ra mình còn rất nhiều điểm yếu. Chấp nhận cuộc chơi hội nhập với nhiều doanh nhân là chấp nhận lột xác, có thể rất đau đớn, nhưng không có sự lựa chọn nào khác.

Ở tầm vĩ mô, Chính phủ cũng đã quyết định thay đổi, bằng cách đặt mình trong cuộc đua khu vực và quốc tế. Nghị quyết 19 ngày 12/3/2015 có thể coi là bước đột phá, cuộc cách mạng về cải cách thủ tục hành chính. Trước đây, trong các nghị quyết, chúng ta chỉ đưa ra các mục tiêu chung chung là phấn đấu, quyết tâm, tiến bộ, nhưng giờ đây đã thay bằng những mục tiêu cụ thể: môi trường kinh doanh phải được cải thiện, giảm thời gian đăng ký kinh doanh 14 ngày xuống còn tối đa là 6 ngày, rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng từ 115 ngày xuống còn tối đa 70 ngày; giảm thời gian nộp thuế xuống còn 171 giờ/năm, giảm thời gian xuất khẩu/nhập khẩu từ 21 ngày xuống 14 ngày…

Nếu chúng ta không thay đổi sẽ tụt hậu, không đứng vững trong cuộc cạnh tranh này. Thể chế đang thay đổi, bản thân doanh nghiệp, doanh nhân cũng phải tái cấu trúc, phải thích ứng theo. Trước hết, bằng thái độ tích cực tham gia xây dựng thể chế, không coi đó là nhiệm vụ của chính quyền. Đừng mải mê kinh doanh mà lơ là việc đóng góp ý kiến, đến khi các quy định được ban hành, doanh nhân lại kêu ca là bất cập.

Một chính phủ vận hành hiệu quả tức là nguồn lực bỏ ra sẽ ngày càng ít và minh bạch hơn. Hành trình để Việt Nam xây dựng thành công Chính phủ điện tử và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu khu vực về mức độ thuận lợi cho doanh nghiệp dài hay ngắn, nhanh hay chậm phụ thuộc vào cách làm, sự phối hợp quyết liệt của các bên liên quan.

Doanh nhân, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tâm thế trong cuộc chơi sòng phẳng. Thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc làm ra sản phẩm và hướng đến phát triển bền vững, thay vì chỉ chăm chăm các mục tiêu “ăn xổi” như trước kia.

Trong vài năm trở lại đây, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân đã được khẳng định và đang ngày càng được coi trọng. Tinh thần này cũng đã được đưa vào nội dung Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ngược dòng thời gian, từ những ngày đầu Cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan niệm rõ ràng: “Nền kinh tế của chúng ta là kinh tế nhiều thành phần”. Còn nay, có thể khẳng định rằng, “thị trường là cơ chế vận hành của nền kinh tế, còn kinh tế tư nhân chính là động lực của nền kinh tế. Nếu như ví nền kinh tế Việt Nam như con tàu cao tốc, thì đường ray chính là kinh tế thị trường, còn đầu máy chính là kinh tế tư nhân - động lực kinh tế tư nhân. 

Để doanh nhân không cô đơn

Trên các diễn đàn chính thức và các cuộc trao đổi bên lề với nhiều doanh nhân, nỗi mong ước và đau đáu về một cơ chế “một cửa, ít khóa” đã được nhắc đến không ít lần. Làm gì để doanh nhân, doanh nghiệp Việt cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ quốc tế khi hàng ngày, họ vẫn phải đối phó với một rừng thủ tục không tên, những câu trả lời mơ hồ và thái độ thờ ơ của một bộ phận công chức nhà nước có liên quan? Thậm chí, có những doanh nhân còn than phiền, quá nửa thời gian của họ dành cho các loại giấy phép con, thủ tục hành chính phiền hà… Ở đây tôi muốn nhắc tới việc thực hiện Nghị quyết 19, ở Trung ương, mọi việc nóng hừng hực, Thủ tướng Chính phủ rốt ráo từng chỉ tiêu, nhưng về các địa phương thì nguội dần.

Tâm thế người cầm quân thời đại mới ảnh 1

Doanh nhân, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tâm thế trong cuộc chơi sòng phẳng 

Doanh nghiệp sẽ không thể lớn lên, không thể đổi mới, sáng tạo với cách thức tư duy cũ, hành vi theo thói quen của đa phần công chức nhà nước. Thậm chí, sự thành bại của doanh nghiệp trong cuộc hội nhập với thế giới được quyết định không chỉ bởi khung khổ pháp luật, định hướng hay chính sách vĩ mô từ tầm Chính phủ, mà còn được quyết định bởi những hành vi công vụ hàng ngày từ cấp xã, phường...

Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc giao ban tháng của nhiều tỉnh, nội dung được lãnh đạo địa phương bàn đến đầu tiên là tình hình doanh nghiệp và hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, sau đó mới đến các vấn đề như tình hình an ninh, xã hội. Điều đó cho thấy, chính quyền địa phương đã coi vấn đề của doanh nghiệp rất quan trọng, họ làm điều này vì sự phát triển của địa phương, vì hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, chứ không phải vì một vài doanh nhân nào cả.

Chính tư duy này đã thay đổi cách ứng xử của lãnh đạo chính quyền địa phương với doanh nghiệp, doanh nhân. Nếu từng công chức có được tư duy vì sự phát triển của doanh nghiệp như vậy, họ sẽ thay đổi cách làm, tìm cách thay đổi quy trình, quy định để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Chỉ khi đó, từ Nghị quyết 19 hay các kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, thậm chí là các đề án tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng… mới thực sự tác động tích cực vào đời sống của doanh nghiệp.

Tính đến thời điểm này, chúng ta có hơn 500.000 doanh nghiệp, nghĩa là bình quân 200 người dân có 1 doanh nghiệp, trong khi ở các nền kinh tế phát triển, cứ 15 - 20 người dân thì có 1 doanh nghiệp. Trong số này, tới 96 - 97% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Bởi vậy, để nền kinh tế tự cường, Việt Nam cần thúc đẩy tinh thần kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa.

Năm 2016, sẽ có rất nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với riêng VCCI, chúng tôi có trách nhiệm trong việc tạo lập một hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, bao gồm những hoạt động cổ vũ, động viên tinh thần kinh doanh trong xã hội và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trên những nỗ lực sáng tạo. Không chỉ Chính phủ, mà chúng ta cần có các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và kêu gọi cộng đồng các doanh nhân thành đạt đi trước, tạo ra các cơ hội, phối hợp với nhau để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời và phát triển.     

Tin bài liên quan