Tâm thế của một gia tộc dấn thân

Tâm thế của một gia tộc dấn thân

(ĐTCK) “Làm doanh nghiệp tư nhân hết một đời người như tôi, được nghe câu nói của Thủ tướng đánh giá về khối kinh tế tư nhân mà thấy vui trong bụng”. Doanh nhân Trần Quí Thanh kể và chia sẻ, làm kinh tế tư nhân tức là vận hành trọn vẹn theo kinh tế thị trường, thành công chỉ đến khi hội tụ được ý chí, khát vọng, sự khác biệt và khả năng cộng hưởng các nguồn lực. Tân Hiệp Phát là một doanh nghiệp như thế, đang viết nên câu chuyện mang thương hiệu Việt vươn ra toàn cầu.

Gia tộc doanh nhân Trần Quí Thanh

Tại cuộc gặp với 14 tập đoàn kinh tế tư nhân cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thành công của khối kinh tế tư nhân so với quá khứ là sự vĩ đại và cho rằng, chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân.

Thủ tướng kêu gọi các tập đoàn hãy đưa ra những vấn đề cần tháo gỡ. Từ tiếng nói này, Chính phủ sẽ tạo khung pháp lý, môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp tư nhân phát triển đúng hướng, để Việt Nam ngày càng có nhiều tập đoàn tư nhân lớn mạnh.

Lắng nghe thông điệp từ người đứng đầu Chính phủ, ông Trần Quí Thanh cảm nhận Thủ tướng đã “bật đèn xanh” cho kinh tế tư nhân được đánh giá một cách công bằng và thấy rõ vai trò trong phát triển đất nước.

Bối cảnh này khác hẳn với hồi ông mới khởi nghiệp, doanh nghiệp tư nhân phải nhận nhiều sự kỳ thị, coi đó là gian thương, là nhà giàu bóc lột, để rồi không mấy ai đứng vững được, ghi tên mình trong khối doanh nghiệp tư nhân tầm vóc và có các thương hiệu được biết đến trên toàn cầu.

Thực tế, thương hiệu của doanh nghiệp là một phần tạo nên thương hiệu của quốc gia. Trên thế giới, nói đến Coca-Cola là người ta nghĩ ngay đến nước Mỹ. Nói đến Sony là nghĩ đến Nhật Bản. Nói đến Samsung thì liên tưởng đến nền kinh tế Hàn Quốc…

Nền kinh tế Việt Nam có đặc trưng lịch sử khác các nền kinh tế khác, nên chưa có những thương hiệu đủ mạnh, xác lập vị trí vững chắc trên trường quốc tế. Tuy nhiên, khát vọng, những hạt giống để tạo nên một tương lai như thế có thể thấy rõ trong tâm thế của một gia tộc doanh nhân.

Năm 2011, lần đầu tiên tại Việt Nam, 22 gia tộc có truyền thống kinh doanh đã được ghi nhận, vinh danh “Gia tộc doanh nhân”, gìn giữ “vật báu” dòng tộc, trong đó có gia tộc họ Trần mà người tiếp nối sứ mệnh doanh nhân từ cha mẹ mình là ông Trần Quí Thanh. Đam mê thương trường, mang khát vọng thành công để cống hiến cho xã hội, gia tộc họ Trần được ghi nhận là có những cố gắng vượt bậc, tâm huyết với nghề và nghiệp doanh nhân.

Mùa thu năm 2017, ông tròn 64 tuổi. Khát vọng chinh phục những con sóng đại dương dường như chưa từng ngừng nghỉ khi doanh nhân Trần Quí Thanh chia sẻ, ở Tân Hiệp Phát không có áp lực, chỉ có đam mê và dấn thân với nghề. 23 năm gây dựng Công ty, từ con số 0, Tân Hiệp Phát đã trở thành nơi làm việc của gần 10.000 người lao động, với 4 nhà máy lớn, công nghệ hiện đại, trải dài trên cả nước và sản phẩm đang xuất khẩu đến gần 20 quốc gia trên thế giới.

“Nếu thời khởi nghiệp, 1 năm, Tân Hiệp Phát sản xuất ra khoảng 1 triệu lít sản phẩm thì hiện nay, khối lượng này được sản xuất và tiêu thụ trong nửa ngày”, ông Thanh nói và cho biết, cách để xây nên một doanh nghiệp tầm cỡ như thế là Tân Hiệp Phát đã đặt trọn vẹn tâm mình vào sản phẩm, lắng nghe khách hàng, phục vụ khách hàng tốt nhất, trên nền tảng xây dựng một tổ chức minh bạch, quản trị tiên tiến và cộng hưởng các nguồn lực trong kinh doanh.

Dòng chảy khát vọng

Sau khi đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, đưa Nhà máy Nước giải khát tại Chu Lai với công nghệ Aseptic tối tân nhất thế giới vào hoạt động (tháng 3/2017), gia đình Tân Hiệp Phát tạo nên một dấu ấn bất ngờ khi xuất bản cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh” hồi tháng 6 vừa qua.

Cuốn sách, như tác giả Trần Uyên Phương chia sẻ, viết về cuộc đời ba cô (Dr. Thanh), nhưng là để tặng má - người đàn bà thép, là chỗ dựa lớn nhất trong suốt hành trình gần 30 năm lập nghiệp của Dr. Thanh.

"Chuyện nhà Dr. Thanh" được bạn đọc đón nhận đặc biệt (bán hơn 8.000 cuốn sách sau 6 tuần, đóng góp được 250.000.000 đồng tiền học bổng khuyến học) khi chia sẻ “dấu ấn thành người” của cậu bé mồ côi mẹ hồi 9 tuổi, chịu bao sóng gió dập vùi, vẫn hiên ngang một khí phách, một trái tim yêu cuộc đời, ôm chí lớn, mở đường vươn ra biển cả.

Trong chương “Không gì là không thể”, Uyên Phương viết: “Những năm 2012 - 2013, khi hàng loạt quỹ đầu tư đến kỳ xem xét lại danh mục đầu tư và ra quyết định ở lại hoặc thoái vốn khỏi Việt Nam, cả nước mỗi năm có hơn 50.000 doanh nghiệp phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Giữa thời điểm kinh tế còn chưa gượng dậy sau khủng hoảng, nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận đơn thuần, doanh nghiệp sẽ thu hẹp sản xuất vì sức mua giảm sút nặng. Nhưng đây chính là lúc chúng tôi quyết định lội ngược dòng, mở rộng sản xuất, cam kết phát triển bền vững, mang lại việc làm cho hàng ngàn lao động”.

Câu chuyện đi qua được kể trong vài dòng chữ, nhưng sóng gió từ thực tế thì không hề đơn giản. Năm 2014, trong lúc cần tiền nhất để triển khai xây dựng Nhà máy mới thì sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng bung vỡ, Tân Hiệp Phát bị kẹt toàn bộ khoản tiền gửi (gần 5.000 tỷ đồng) và đứng trước nguy cơ khủng hoảng dòng tiền. Tin đồn dồn dập đổ về trong khi người phụ nữ kiên cường nhất ngã bệnh…, cả gia đình chìm trong bóng tối nặng nề.

Nhưng Tân Hiệp Phát đã trụ lại và bước tiếp những nấc thang vững vàng, đầy hào sảng và khát vọng. Khó ai có thể dừng đọc “Chuyện nhà Dr. Thanh” nếu có duyên biết đến cuốn sách này, bởi từng chi tiết đều lung linh giá trị, giá trị từ những câu chuyện chân thật và từ bản lĩnh vượt qua sự thật nghiệt ngã của cuộc đời.

Khi Tòa tuyên án người có trách nhiệm trả cho Tân Hiệp Phát 5.190 tỷ đồng là Phạm Công Danh chứ không phải Ngân hàng Xây dựng, biết rằng toàn bộ số tiền đó đã mất, mẹ của Uyên Phương đã lặng lẽ đến bên chồng và nhẹ nhàng nói đúng một câu: “Ba đừng buồn. Mình sẽ làm lại”. Và Tân Hiệp Phát đã làm lại, vì tiền có thể mất, nhưng đam mê và khát vọng dấn thân trong kinh doanh vẫn còn nguyên vẹn trong gia tộc doanh nhân đặc biệt này.

Mạch nguồn sự sống

Trước thềm sinh nhật thứ 23, Tân Hiệp Phát quyết định tổ chức ngày hội kết nối giao thương, với sự có mặt của hàng trăm nhà cung cấp, khách hàng lớn của Tập đoàn.

Ngày hội được tổ chức cũng xuất phát từ “Chuyện nhà Dr. Thanh” khi trong quá trình thu thập tư liệu, viết cuốn tự truyện này, tác giả Uyên Phương đã thấm thía được triết lý bằng hữu, chia sẻ cơ hội và quyền lợi với các cộng sự, đối tác từ người sáng lập Tập đoàn. Ý chí của người cha là xây dựng Tân Hiệp Phát thành một doanh nghiệp lớn mạnh, vươn tầm ra thế giới, nhưng thực tế, để quản trị được một doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp gia đình lâu bền theo thời gian, là bài toán thậm chí khó hơn nhiều quản trị doanh nghiệp đại chúng.

Trong tư duy của ông Trần Quí Thanh, Tân Hiệp Phát cần quản trị theo hướng quốc tế, chuyên nghiệp và đặc biệt không để cảm tính chen vào. Mọi người trong Công ty đều phải thực hiện các nguyên tắc và chính sách đã đề ra, sự minh bạch mang đến cơ hội cho tất cả và quy luật thị trường sẽ điều tiết các nguồn lực đầu vào, cũng như quyết định sự sống còn của mỗi sản phẩm.

Theo ông Thanh, nơi nào càng minh bạch, càng cạnh tranh thì quyền lợi của khách hàng càng được bảo vệ. Vì thế, ở Tân Hiệp Phát, những chương trình từ 400 triệu đồng trở lên sẽ được đấu thầu mở, đề bài đấu thầu rất rõ cho các đối tác để minh bạch và công bằng.

Đài CNBC từng ghi nhận được một câu rất “đắt” của ông Thanh: “Tại Tân Hiệp Phát, mua cái gì cũng bán và bán cái gì cũng mua, miễn là có lời”.

Chỉ cần sự hợp tác có lợi cho các bên và chia sẻ được tầm nhìn về mục tiêu khát vọng. Góp ý cho các bạn trẻ khởi nghiệp thời nay, ông bảo, một doanh nghiệp cần nhiều yếu tố để thành công (vốn, công nghệ, cộng sự, thiết bị, kinh nghiệm…), nhưng nếu bạn chỉ có một yếu tố xuất sắc thì cách đi đến thành công là phải hợp tác để cộng hưởng nguồn lực.

“Giàu vì bạn, sang vì vợ” là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà số phận tưởng thưởng cho doanh nhân Trần Quí Thanh, như bù đắp những thăng trầm ông phải đối mặt khi mang khát vọng gây dựng một doanh nghiệp gia đình vươn tầm ra biển lớn. Bên cạnh mục tiêu về sản phẩm, Tân Hiệp Phát xác định mục tiêu đến năm 2020 đạt doanh số 1 tỷ USD và năm 2027 đạt 3 tỷ USD.

Tâm sự trên trang cá nhân tranquithanh.vn, ông viết: “Giông bão trong cuộc đời có thể làm cho cây cao ngả nghiêng, nhiều khi hãy đổ. Nhưng chính tại nơi thân cây gãy đổ đó sẽ nhú lên những nụ chồi non xanh vô cùng mãnh liệt. Đó là mạch nguồn sự sống, là sự vận động không ngừng nghỉ để đi về phía trước. Nghề kinh doanh cũng vậy, mọi thất bại cho ta bài học kinh nghiệm mà không thể đong đếm bằng tiền. Chỉ có ý chí, nội lực và lòng quyết tâm, biết thay đổi theo hướng tích cực mới có thể vươn tới ngày mai”.

Đất nước cần làm gì cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển?

Trở lại với câu chuyện về sức bật của khối kinh tế tư nhân và thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về việc các tập đoàn hãy đưa ra những vấn đề cần tháo gỡ, để từ tiếng nói này, Chính phủ sẽ tạo khung pháp lý, môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Trong một lần trò chuyện với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Thanh chia sẻ: “Môi trường kinh doanh nước ta có 3 điểm yếu, đó là thiếu tính định hướng, thiếu đầu tư vào nghiên cứu, sáng tạo và thiếu công cụ bảo vệ những thương hiệu được xây nên”.

Định hướng đúng, theo ông, đó chính là giúp mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh vận hành theo quy luật thị trường. Đây là điểm nền kinh tế nước ta yếu nhất, bởi hầu như mới có thị trường sản phẩm, chứ chưa định hình nên thị trường các yếu tố đầu vào cho sản xuất, đặc biệt là thị trường đất đai, thị trường vốn. Điều đáng mừng là Nhà nước đã có định hướng xây dựng và phát triển các thị trường này trong các văn kiện, nghị quyết gần đây.

Nếu các thị trường được hình thành và vận hành một cách hoàn chỉnh hơn, Tân Hiệp Phát tin rằng, sức bật của kinh tế tư nhân sẽ lớn hơn rất nhiều, chứ không chỉ dừng ở 22 gia tộc doanh nhân vào năm 2011 hay khoảng 100 doanh nghiệp tư nhân đang ở mức tầm vóc lớn như hiện nay.

Với các bạn trẻ, để khởi nghiệp thành công, việc đầu tiên bạn phải có là đam mê và khát vọng tạo ra những sản phẩm tốt nhất, giá rẻ nhất cho xã hội. “Trước khi hỏi vốn đâu, kinh nghiệm đâu, ý tưởng đâu, nhân sự đâu thì hãy hỏi Ý CHÍ CỦA TA ĐÂU? KHÁT VỌNG CỦA TA ĐÂU? TA PHẢI LÀM GÌ ĐỂ KHÁC BIỆT VỚI THẾ GIỚI? Khi có ý chí và khát vọng đủ lớn, bạn sẽ tìm ra con đường”.             

Tin bài liên quan