Năm 2017 chứng kiến nhiều DN cán mốc doanh thu 1 tỷ USD thậm chí còn vượt hơn rất nhiều. Con số 1 tỷ USD doanh thu nói lên điều gì? Nó chứng tỏ DN đã phát triển đến quy mô lớn.
Về lý thuyết, khi DN đã lớn thì tốc độ phát triển không thể quá nhanh như khi còn ở mức vừa và nhỏ. Nhưng khi đạt doanh thu tỷ USD, DN bước sang ngưỡng khác, với tiềm lực tài chính đủ để có thể triển khai những dự án lớn. Tầm vóc và tư duy của DN sang trang.
Tại Tập đoàn Hòa Phát, năm 2015, Tập đoàn cán mốc doanh thu 1,2 tỷ USD. Sang năm 2017, doanh thu đã đạt 2 tỷ USD và với lợi nhuận tích lũy làm vốn đối ứng, HPG vay thêm vốn ngân hàng 50% để đầu tư đại dự án Khu liên hợp Dung Quất. Với dự án này, Hòa Phát kỳ vọng có thể tăng gấp đôi doanh thu khi hoàn thành vào 2020.
Năm 2018, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng đặt doanh thu kế hoạch xấp xỉ 1 tỷ USD và kế hoạch phát triển giai đoạn 10 năm tới thì riêng doanh thu ở thị trường ngoại sẽ đạt 1 tỷ USD. Trong khi đó năm 2017, Coteccons đã đạt doanh thu 1,3 tỷ USD và trong tầm nhìn giai đoạn tới, doanh thu cán mốc 2-3 tỷ USD không phải quá xa vời.
Có thể nói nhóm DN sản xuất và xây lắp là đại diện điển hình cho sản xuất công nghiệp nói chung. Tầm nhìn doanh thu tỷ USD của nhiều DN đã đạt hoặc sắp đạt, nhường chỗ cho mục tiêu mới lớn hơn. Ðiểm khác biệt so với cách đây 5 năm là DN Việt tự tin hơn khi công bố các mục tiêu tỷ USD, mới chứ không e dè như mốc ban đầu. Nếu Việt Nam ngày càng có thêm nhiều DN tầm cỡ tỷ USD thì vị thế TTCK Việt Nam sẽ khác, thứ bậc của TTCK cũng sẽ khác.
Nhìn vào khu vực tài chính, ngân hàng, bất động sản thì nhà đầu tư có thể lạc quan hơn. Hàng loạt thương vụ gọi vốn khủng năm nay xác nhận định giá thị trường của các ngân hàng, DN bất động sản vượt quy mô 1 tỷ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đặt mua tổng cộng 1,2 tỷ USD cổ phần trong đợt chào bán trước niêm yết của VPBank và sau hơn 1 tháng niêm yết ngân hàng này đã phát hành riêng lẻ cho 3 nhà đầu tư 164,7 triệu cổ phần thu về 6.424 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên 15.706 tỷ đồng.
Thương vụ chào bán thứ cấp không thể không nhắc tới là 415 triệu cổ phiếu VRE được bán cho nhà đầu tư ngoại với tổng giá trị 16.849 tỷ đồng. Cùng với đó, các nhà đầu tư ngoại đã chi hơn 6.800 tỷ đồng để mua cổ phần HDbank. Sau đợt phát hành này vốn điều lệ HDbank đạt 9.800 tỷ đồng, thặng dư vốn gần 2.100 tỷ đồng.
Theo cam kết, các nhà đầu tư ngoại đều nắm giữ cổ phiếu đã mua trong thời gian dài, tính bằng năm. Trong khi đó TTCK Việt Nam đang điều chỉnh về mức giá hợp lý hơn. Với đà tăng trưởng của các DN Việt trong giai đoạn 5 năm tới thì thị trường điều chỉnh là cơ hội để nhà đầu tư bắt đầu giải ngân cho một chu kỳ đầu tư mới, góp sức và đón cơ hội khi các DN Việt vươn tầm.