Tâm lý tích trữ khiến CPI tháng 7 tăng 0,62%

0:00 / 0:00
0:00
Trong tháng 7/2021, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến người dân có tâm lý tích trữ hàng hóa. Điều này khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,62% so với cùng kỳ.
Tâm lý tích trữ khiến CPI tháng 7 tăng 0,62%

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng trước, tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với tháng 7/2020.

Có mức tăng này, theo Tổng cục Thống kê, chủ yếu là do giá lương thực, thực phẩm tăng tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19. Việc người dân có tâm lý lo ngại thiếu hàng hóa đã tăng cường tích trữ đã đẩy giá lên cao.

Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và giá điện sinh hoạt tăng theo nhu cầu sử dụng trong mùa nắng nóng cũng là nguyên nhân làm CPI tháng 7/2021 tăng 0,62% so với tháng trước.

Tuy vậy, tính chung 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Cụ thể, tốc độ tăng CPI bình quân 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2021 lần lượt là: tăng 1,82%; tăng 3,91%; tăng 3,45%; tăng 2,61%; tăng 4,07%; tăng 1,64%.

Mức tăng thấp của 7 tháng đầu năm nay khiến chúng ta có thêm dư địa điều hành giá cả trong năm nay. Mức tăng 1,64% còn cách khá xa mục tiêu lạm phát cả năm là 4%.

Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường tháng 7/2021, Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm giữ giá ổn định.

Cụ thể, Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, với 2,36%, làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,67%, làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm.

Số liệu thống kê cho thấy, do nhu cầu tích trữ hàng hóa của người dân tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội tăng đột biến nên giá lương thực, thực phẩm tăng. Trong đó, lương thực tăng 0,36%; thực phẩm tăng 0,95%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá cũng tăng giá trong tháng 7/2021, với mức tăng 0,18%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát trong mùa hè tăng cao và do giá thuốc lá tăng 0,43% (do nguồn cung giảm).

Bên cạnh đó, Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; Nhóm giáo dục tăng 0,03%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%.

Ngược lại, có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, bao gồm Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (giảm 0,1%); Nhóm bưu chính - viễn thông (giảm 0,05%); Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép (giảm 0,03%). Riêng nhóm hàng hóa và dịch vụ khác không đổi.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 7/2021 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm nay tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, chỉ số giá vàng tháng 7/2021 giảm 1,39% so với tháng trước; giảm 1,16% so với tháng 12/2020 và tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước.

Còn chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2021 tăng 0,09% so với tháng trước; giảm 0,23% so với tháng 12/2020 và giảm 0,55% so với cùng kỳ năm trước.

Tin bài liên quan