Thứ Ba, chứng khoán Mỹ nhận được động lực lớn từ báo cáo tích cực về niềm tin của người tiêu dùng do Conference Board công bố. Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 6 tăng lên mức 127,3 điểm từ mức 120 điểm của tháng trước, mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hơn một năm trước, củng cố kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong quý II.
Ngoài ra, Conference Board lưu ý, người tiêu dùng Mỹ đang quan tâm đến việc mua nhà, một dấu hiệu cho thấy giá nhà sẽ tiếp tục tăng nhanh trong bối cảnh nguồn cung hạn chế hiện nay. Cũng có nhiều người dự định đi du lịch nội địa trong vòng sáu tháng tới, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ và nhiên liệu trong thời gian tới.
Nhà đầu tư đang theo dõi sát sao báo cáo về thị trường việc làm sẽ được công bố vào thứ Sáu, yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến lập trường chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Đáng chú ý trong phiên, cổ phiếu Moderna tăng 5,2% lập đỉnh mới sau khi vắc-xin Covid-19 của hãng cho thấy hứa hẹn có thể chống lại biến thể Delta xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ.
Cổ phiếu Skyworks Solutions tăng 4,5% sau khi các nhà phân tích của Barclays nâng khuyến nghị với lý do đây là một trong những nhà cung cấp cho Apple có thể hưởng lợi từ việc ra mắt iPhone mới. Apple cũng tăng hơn 1,1%.
Morgan Stanley tăng 3,4% sau khi thông báo trả cổ tức cao gấp đôi trong quý III. Tương tự với JPMorgan Chase & Co, Bank of America và Goldman Sachs.
Kết thúc phiên 29/6, chỉ số Dow Jones tăng 9,02 điểm (+0,03%), lên 34.202,29 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,19 điểm (+0,03%), lên 4.291,80 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 27,83 điểm (+0,19%), lên 14.528,34 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng khởi sắc trong phiên ngày thứ Ba sau khi loạt dữ liệu cho thấy chỉ số tâm lý kinh tế được cải thiện mạnh mẽ trong tháng 6, trong khi Adidas kéo chứng khoán Đức với kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ.
Chỉ số tâm lý kinh tế khu vực đồng euro tháng 6 đạt mức cao nhất trong 21 năm khi chương trình tiêm chủng diễn ra ổn định và một số nền kinh tế mở cửa trở lại, Uỷ ban châu Âu cho biết.
Kết thúc phiên 29/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 14,58 điểm (+0,21%), lên 7.087,55 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 136,41điểm (+0,88%), lên 15.690,59. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 9,14 điểm (+0,41%), lên 6.567,43 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản sụt giảm do ảnh hưởng từ đà giảm của các cổ phiếu theo chu kỳ trước nỗi lo biến thể Delta của Covid-19.
Chứng khoán Trung Quốc giảm do lo ngại biến thể Delta lây nhiễm mạnh, trong khi các nhà đầu tư kiềm chế đặt cược lớn trước dữ liệu việc làm của Mỹ.
Chứng khoán Hồng Kông giảm do cổ phiếu năng lượng suy yếu sau khi giá dầu đi xuống và các nhà đầu cũng tỏ ra tư thận trọng trước báo cáo việc làm của Mỹ.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm trước lo ngại rằng biến chủng Delta gây Covid-19 đang lây nhiễm mạnh hơn có thể làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên 25/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 235,41 điểm (-0,81%), xuống 28.812,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 33,19 điểm (-0,92%), xuống 3.573,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 274,20 điểm (-0,94%), xuống 28.994,10 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 15,21 điểm (-0,46%), xuống 3.286,68 điểm.
Giá vàng giảm sâu trong phiên đêm qua trong bối cảnh đồng USD dậy sóng do lo sợ biến thể Delta lây lan rộng, làm chậm lại đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên 29/6, giá vàng giao giảm 17,30 USD (-0,97%), xuống 1.761,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 17,10 USD (-0,96%), xuống 1.763,60 USD/ounce.
Giá dầu ổn định trong phiên ngày thứ Ba khi nhiều hy vọng về sự phục hồi nhu cầu vẫn còn, được thúc đẩy bởi những bình luận từ Tổng thư ký OPEC, làm lu mờ sự bùng phát mới của biến thể Delta rất dễ lây lan.
Nhu cầu vào năm 2021 dự kiến sẽ tăng 6 triệu thùng/ngày, trong đó là 5 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo phát biểu tại cuộc họp hôm thứ Ba của Ủy ban kỹ thuật trực thuộc OPEC+.
Kết thúc phiên 29/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,07 USD (+0,1%), lên 72,98 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,08 USD (+0,1%), lên 74,76 USD/thùng.