Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng
Thứ trưởng có thể cho biết tình hình triển khai Đề án tái cơ cấu DNNN tại các DN trực thuộc Bộ Công thương?
Nhìn chung, kết quả đạt được là đáng khích lệ. Về công tác cổ phần hóa (CPH), đã CPH xong 4/8 DN thuộc Bộ; hoàn thành việc bán đấu giá cổ phần ra ngoài công chúng và bán cổ phần cho NĐT chiến lược của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam; hoàn thành việc bán đấu giá cổ phần ra ngoài công chúng của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và bán cho 2 NĐT chiến lược 120 triệu cổ phần.
Bộ Công thương đang tích cực chỉ đạo các tổng công ty trực thuộc còn lại (Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp) khẩn trương thực hiện CPH trong năm 2015. Ngoài ra, Bộ đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào kế hoạch CPH năm 2015 một tổng công ty thuộc Bộ (Tổng công ty Giấy Việt Nam) và một tổng công ty thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Tổng công ty Phát điện 3).
Các tập đoàn, tổng công ty đã thành lập Ban chỉ đạo CPH đối với tất cả các DN thành viên để chỉ đạo thực hiện việc CPH, đảm bảo đúng quy định và tiến độ, kế hoạch đề ra.
Công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành thì thế nào, thưa Thứ trưởng?
Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh theo hướng chỉ kinh doanh ngành nghề chính và những ngành liên quan phục vụ trực tiếp ngành nghề kinh doanh chính; kiên quyết thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
9 tháng đầu năm 2014, tình hình thoái vốn nhà nước tại các DN trực thuộc Bộ thực hiện tương đối tốt. Các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ đã hoàn thành thoái vốn nhà nước tại 28/96 đơn vị. Trong đó, một số đơn vị thực hiện thoái vốn tích cực như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hoàn thành thoái vốn tại 4 đơn vị, thu về 1.438 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hoàn thành thoái vốn tại 4 đơn vị, thu về 247,7 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành thoái vốn tại 2 đơn vị, thu về 104,7 tỷ đồng...
Tiến trình tái cơ cấu, sắp xếp các DN có gặp khó khăn, vướng mắc gì không?
Quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN của các tập đoàn, tổng công ty, công ty trực thuộc Bộ gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trước hết là do TTCK trầm lắng, kinh tế thế giới và sức tiêu thụ chung của thị trường trong nước chậm phục hồi, khả năng cạnh tranh của DN ít đột phá.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều hạn chế, việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng chưa thuận lợi cho DN, cần phải được cải thiện theo hướng hoàn thiện thể chế thị trường, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính tại một số tập đoàn, tổng công ty đòi hỏi phải có nhiều thời gian để đảm bảo bảo toàn vốn nhà nước và tuân thủ quy định của pháp luật.
Ngoài ra, hiện chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để chủ động giải quyết những khó khăn trong một số lĩnh vực đặc thù như ngân hàng hay bất động sản. Một khó khăn nữa là việc xác định giá trị DN, xử lý công nợ, vướng mắc còn tồn tại để CPH DN khó giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, người đứng đầu một số DN còn tâm lý sợ trách nhiệm, lo ngại thất thoát vốn nhà nước trong quá trình thực hiện thoái vốn.
Vậy Bộ đã có giải pháp gì để khắc phục, thưa Thứ trưởng?
Trước thực trạng khó khăn như vậy, Bộ Công thương đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan.
Cụ thể, đối với các khó khăn, vướng mắc về tài chính, cơ chế của các tập đoàn, tổng công ty trong quá trình CPH, thoái vốn, Bộ chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý để tháo gỡ khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, Bộ tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các tập đoàn, tổng công ty triển khai CPH, thoái vốn theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ.
Để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các DN trong thời gian tới, Bộ có giải pháp gì?
Bộ Công thương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát công tác tái cơ cấu của các DN, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh; chỉ đạo các DN thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, đảm bảo hiệu quả của DN để tạo điều kiện đẩy nhanh việc thực hiện và hoàn thành CPH, thoái vốn nhà nước. Đối với các DN không đủ điều kiện CPH sẽ chủ động thực hiện các hình thức sắp xếp phù hợp như giải thể, phá sản, bán DN.