Nhiều nhà đầu tư săn đất Tây Nguyên để làm homestay, farmstay hay second home. Ảnh: Thành Nguyễn
Sợ “nhỡ tàu”
“Khi người bạn kể về thương vụ chốt lời lô đất mua chung tít tận Tây Nguyên, tôi mới biết mình lỡ một cơ hội tốt”, nhà đầu tư N.T. Thủy (Hà Nội) tỏ vẻ tiếc nuối khi mở đầu câu chuyện với phóng viên.
Theo nhà đầu tư này, cách đây một năm, khi được người bạn rủ đầu tư cùng ở Lâm Đồng, chị còn ỉ ôi chê rằng mua đất đồi ở xứ “khỉ ho, cò gáy” thì bao giờ mới tăng giá, “thế nhưng thị trường đã vận hành theo cách không ngờ nhất khiến tôi phải tiếc nuối” - chị nói.
Cô bạn trước đó rủ chị đầu tư đã góp vốn cùng 2 nhà đầu tư khác (600 triệu đồng/người) mua một mảnh đất gần 1.000 m2 ở Bảo Lộc, Lâm Đồng với 200 m2 đất ở, diện tích còn lại là đất vườn. Mảnh đất khi mua có giá 1,8 tỷ đồng (1,8 triệu đồng/m2). Cách đây ít ngày, nhóm nhà đầu tư này đã chuyển nhượng thành công với giá 2,5 tỷ đồng, một mức lợi nhuận không nhỏ trong thời dịch.
Trường hợp như nhóm nhà đầu tư nói trên không phải hiếm khi bắt được “trend” bỏ phố về quê của nhiều người để tìm kiếm các mảnh đất đẹp làm homestay, farmstay hay second home.
Ở một trường hợp khác, chị Kim Thanh cho hay, thị trường bất động sản không có nhiều nguồn cung mới, khiến nhóm đầu tư của chị vốn quen theo chân các nhà tạo lập tốp đầu thời gian gần đây khó tìm dự án tốt để đầu tư.
Chị Thanh chia sẻ, phân khúc hướng tới là biệt thự, liền kề, shophouse của chủ đầu tư lớn vì đây là các sản phẩm có triển vọng tăng giá tốt. Nhóm chị cũng đã theo sát một dự án quy mô hàng trăm héc-ta ở Hưng Yên từ đầu năm nay, thế nhưng mới đây, đại diện đơn vị bán hàng cho biết dự án đang phải dừng lại, chưa thể ra hàng theo kế hoạch vào quý IV này, nên chị và nhóm bạn phải tìm kiếm dự án khác.
“Quen sản phẩm của chủ đầu tư lớn, nhưng giờ nhiều nơi cũng không có hàng mới nên chúng tôi đang tính tìm sản phẩm của các chủ đầu tư khác thay thế”, chị Thanh nói.
Không khó để nhận thấy điểm chung của những nhà đầu tư như chị Thanh, chị Thủy hiện tại là đều không tìm được dự án ưng ý để “trông giỏ, bỏ thóc”, dẫn tới tâm lý sợ mất cơ hội.
Trở lại câu chuyện ở một thị trường xa ngái như Tây Nguyên, theo ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch Công ty Tư vấn quản lý và Đầu tư Mastery, khác với suy nghĩ của nhiều người, Tây Nguyên đang là khu vực thu hút tốt dòng tiền khi tiềm năng tăng giá đất được đánh giá cao.
“Việc giá đất tăng nhanh là yếu tố chính thu hút nhà đầu tư đến với Tây Nguyên. Hiện tại, biên độ tăng giá đất khu vực này cao hơn đáng kể biên độ tăng trung bình các phân khúc khác. Giai đoạn du lịch phát triển thì khu vực đất ở biển có mức tăng nhanh, rồi đến đất trong các khu đô thị mới, nhưng hiện tại thì các loại đất nghỉ dưỡng, đất để làm nông trại đang có giao dịch rất tốt và giá sẽ còn tăng nữa”, ông Tùng đánh giá.
Các dự án có quỹ đất sạch đang triển khai rất được quan tâm. Ảnh: Thành Nguyễn |
Dòng tiền chủ động
Trái ngược với lo ngại về sự nguội lạnh của thị trường, trao đổi với phóng viên, đại diện một chủ đầu tư tầm trung ở Hà Nội cho hay, không thể nói rằng dịch bệnh không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản, vì đây vốn là lĩnh vực nhạy cảm với yếu tố vĩ mô. Tuy nhiên, trên thực tế, đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất của dịch bệnh lại không phải là những “khách quen” của thị trường địa ốc.
Theo vị này, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chịu áp lực dòng tiền là có, nhưng chủ yếu là các nhà đầu tư phụ thuộc nhiều vào vốn vay, còn người dùng “tiền thịt” thì cơ bản vẫn ổn định, thậm chí còn tranh thủ cơ hội gom được hàng tốt giá rẻ từ những nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính.
“Ngoài ra, thị trường vừa qua cũng được bổ sung một lượng không nhỏ các nhà đầu tư F0 chốt lời chứng khoán hay rút tiền tiết kiệm tham gia vào bất động sản. Tôi cho rằng, ngay cả ở thời điểm ‘đen tối’ nhất thì bất động sản vẫn là lĩnh vực có sức hấp dẫn mạnh mẽ”, vị này đánh giá.
Cùng chung nhận định, ông Phạm Đức Huy, Giám đốc Kinh doanh BID Group cho rằng, bất động sản luôn là một kênh đầu tư quan trọng và ưa thích của giới đầu tư, các nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn sẵn dòng tiền cho các dự án, nhất là dự án mới. Tất nhiên, ở giai đoạn hiện tại, trước những khó khăn vì dịch bệnh, các nhà đầu tư cũng quan tâm hơn đến việc bảo toàn dòng vốn trước khi nghĩ đến chuyện sinh lời. Do đó, tiêu chí lựa chọn sản phẩm vẫn là các dự án đã hoàn thiện pháp lý.
“Giai đoạn thị trường nóng sốt, đất phân lô bán nền không pháp lý rõ ràng cũng dễ dàng thu hút dòng tiền, nhưng hiện tại, các nhà đầu tư chủ động tìm đến của chủ đầu tư có tên tuổi, dự án đầy đủ pháp lý và được triển khai bài bản. Nhìn chung, dòng tiền vẫn khá chủ động, nhưng tính cẩn trọng cũng nhiều hơn”, ông Huy nói.
Chia sẻ về mức độ sẵn sàng với thị trường, bà Lê Thu Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển đầu tư Hà Nội cho biết, trước đó, bản thân bà cũng e ngại về việc khách hàng sẽ lo sợ dịch bệnh diễn biến phức tạp và đứng ngoài thị trường để bảo toàn dòng vốn. Tuy nhiên, thực tế các dự án do doanh nghiệp bà phân phối phản ánh điều ngược lại, nhiều khách hàng vẫn sẵn sàng bỏ tiền đầu tư với tiêu chí sản phẩm chất lượng, pháp lý tốt và chủ đầu tư uy tín.
“Hiện tại, nhà đầu tư rất tỉnh táo, không bị cuốn theo trào lưu đầu tư ồ ạt vào đất nền thượng vàng hạ cám, thay vào đó, họ lựa chọn các sản phẩm đảm bảo pháp lý, được phát triển bởi các thương hiệu uy tín. Cùng với đó, việc lãi suất tiền gửi giảm, hệ thống ngân hàng tiếp tục bơm tiền mạnh ra thị trường nhằm trợ lực nền kinh tế cũng tạo tâm lý tốt cho nhà đầu tư”, bà Hà nhấn mạnh.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, với những nhà đầu tư có sẵn nguồn vốn hoặc người có nhu cầu ở thực, hiện là điểm thích hợp để “xuống tiền”, nhưng sẽ là rủi ro đối với nhà đầu tư “lướt sóng” ngắn hạn bởi thị trường chưa hồi phục rõ nét, đặc biệt với người sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.