Tâm lý hoang mang bao trùm giới đầu tư

Tâm lý hoang mang bao trùm giới đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ, Phố Wall giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (6/7) khi nhà đầu tư bắt đầu lo ngại, đà phục hồi kinh tế sau đại dịch đang bước vào giao đoạn chững lại.

Viện Quản lý Cung ứng hôm thứ Ba cho biết, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã giảm xuống mức 60,1 trong tháng 6 từ mức kỷ lục 64 trong tháng 5. Trong khi đó, theo dữ liệu của IHS Markit, chỉ số này giảm xuống mức 64,6 trong tháng 6 từ mức 70,4 trong tháng 5.

Theo giới quan sát, sự sụt giảm trong chỉ số PMI dịch vụ trong tháng 6 làm dấy lên lo ngại về mức độ mạnh mẽ của đà phục hồi kinh tế, đồng thời tình trạng thiếu hụt nhân công và giá cả tăng cao đang trở thành lực cản ngày càng tăng đối với toàn bộ kinh tế.

Mặt khác, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm phiên đêm qua giảm xuống dưới 1,40%, mức thấp nhất kể từ ngày 24/2. Lợi suất trái phiếu là động lực cho nhóm cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng khác nhạy cảm hơn với lãi suất, trong khi gây bất lợi cho nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng. Cả Goldman Sachs và JP Morgan đều ghi nhận giảm trong phiên đêm qua.

Chỉ số biến động CBOE (VIX), chỉ số đo lường trạng thái biến động chung của thị trường tăng 1,37 điểm, đóng cửa ở mức 16,44, mức đóng cửa cao nhất trong hai tuần gần đây, làm nổi bật tâm lý hoang mang của các nhà đầu tư.

Tuần này, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ được công bố vào thứ Tư nhằm tìm kiếm tín hiệu về chính sách của ngân hàng trung ương trong thời gian tới.

Kết thúc phiên 6/7, chỉ số Dow Jones giảm 208,98 điểm (-0,60%), xuống 34.577,37 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 8,8 điểm (-0,20%), xuống 4.343,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 24,32 điểm (+0,17%), lên 14.663,64 điểm.

Chứng khoán châu Âu có phiên giảm mạnh vào thứ Ba khi các nhà đầu tư đổ xô đi mua trái phiếu do lo lắng về rủi ro đối với đà phục của kinh tế toàn cầu.

Doanh số bán lẻ tháng 5 của khu vực đồng Euro tăng cao hơn dự kiến, tuy nhiên, thị trường vẫn lao dốc sau khi báo cáo cho thấy hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ hạ nhiệt vào tháng 6.

Kết thúc phiên 6/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 64,03 điểm (-0,89%), xuống 7.100,88 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 150,59 điểm (-0,96%), xuống 15.51138. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 60,06 điểm (-0,91%), xuống 6.507,48 điểm.

Kết thúc tuần, FTSE 100 giảm 0,18%, DAX tăng 0,27%, CAC 40 tăng 0,82%.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ khi nhóm cổ phiếu lớn SoftBank Group và Fast Retailing phục hồi, mặc dù những lo lắng về đà lây nhiễm Covid-19 hạn chế đà tăng của thị trường.

Chứng khoán Trung Quốc giảm do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và công nghệ khi các nhà đầu tư trong nước vẫn cảnh giác với định giá đã cao của hai nhóm này.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do chịu tác động từ các công ty chăm sóc sức khỏe, khi theo chân các đồng nghiệp ở Đại lục lao dốc.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng điểm dẫn đầu là cổ phiếu công nghệ nhờ kỳ vọng thu nhập khả quan từ Samsung Electronics.

Kết thúc phiên 6/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 45,02 điểm (+0,16%), lên 28.643,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,06 điểm (-0,11%), xuống 3.530,26 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 70,64 điểm (-0,25%), xuống 28.072,86 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 12,00 điểm (+0,36%), lên 3.305,21 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 giảm 0,97%, Shanghai Composite giảm 2,46%, Hang Seng giảm 1,98%, KOSPI giảm 0,64%.

Giá vàng phiên ngày tứ Ba duy trì đà tăng bất chấp đồng USD mạnh lên. Thị trường chứng khoán lao dốc cũng khiến dòng tiền tìm tới kim loại quý.

Kết thúc phiên 6/7, giá vàng giao tăng 9,20 USD (+0,51%), lên 1.796,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 0,1 USD (+0,01%), lên 1.794,40 USD/ounce.

Giá dầu giảm vào thứ Ba sau một phiên giao dịch đầy biến động sau khi các nhà sản xuất OPEC+ hủy cuộc họp trong bối cảnh các nước lớn không thể đạt được thỏa thuận tăng nguồn cung. Sự chia rẽ trong quan điểm của Ả Rập Xê-út và UAE khiến tổ chức này đã phải từ bỏ đàm phán.

Tuần trước, UAE đã không đồng tình với đề xuất gia hạn chương trình cắt giảm sản lượng thêm 8 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc vẫn chưa có thỏa thuận nào được thông qua.

Theo Reuters, một số nguồn tin của OPEC+ cho biết sản lượng dầu sẽ không tăng trong tháng 8, trong khi những nguồn khác cho biết một cuộc họp mới có thể sẽ diễn ra trong những ngày tới và họ tin rằng qua đó sẽ đạt được thỏa thuận tăng sản lượng trong tháng tới.

OPEC+ vào năm ngoái đã thống nhất cắt giảm sản lượng kỷ lục gần 10 triệu thùng/ngày, khoảng 10% sản lượng toàn cầu, khi đại dịch xảy ra. Tuy nhiên, con số này đã dần được nới lỏng và hiện đứng ở mức khoảng 5,8 triệu thùng/ngày.

Nhà Trắng hôm thứ Ba cho biết, họ đang theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán của OPEC+ và được "khuyến khích" sau các cuộc trò chuyện với các quan chức Ả Rập Xê-út và UAE.

Kết thúc phiên 6/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,79 USD (-2,4%), xuống 73,37 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,63 USD (-3,4%), xuống 74,53 USD/thùng.

Tin bài liên quan