Thứ Hai, cổ phiếu các nhóm ngành nhạy cảm về kinh tế như năng lượng, vật liệu và tài chính bị bán tháo trên diện rộng sau khi có số liệu sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng trưởng chậm chạp và không đạt kỳ vọng vào tháng 7 trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại và lũ lụt làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, cổ phiếu chăm sóc sức khỏe, tiện ích và các lĩnh vực phòng thủ tiếp tục củng cố đà tăng của thị trường.
Mặt khác, đà phục hồi kinh tế, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II xuất sắc cùng với chính sách tiền tệ phù hợp của Fed tiếp tục củng cố tâm lý tích cực của giới đầu tư.
Tuần này, thị trường sẽ tập trung tìm kiếm các dấu hiệu về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ với biên bản cuộc họp định kỳ gần nhất được công bố vào thứ Tư (18/8).
Cũng như các quan chức Fed khác đã tuyên bố vào tuần trước, Chủ tịch Fed Boston Eric Rosengren hôm thứ Hai cho biết, nếu ngân hàng trung ương tiếp tục nhận được thêm một báo cáo mạnh mẽ khác về thị trường lao động, tháng 9 là thời điểm sẵn sàng để thắt chặt chính sách.
Báo cáo quý II của các nhà bán lẻ lớn cũng được trông đợi vào cuối tuần này. Ngoài ra, tình hình tại Afghanistan, nơi nhiều người dân đang hoảng loạn chạy trốn khỏi đất nước sau khi Taliban chiếm đóng thủ đô Kabul, cũng là điểm nóng trên thị trường...
Đáng chú ý trong phiên đêm qua, cổ phiếu Tesla giảm 4,3% sau khi các cơ quan quản lý của Mỹ thông báo đã chính thức mở cuộc điều tra đánh giá an toàn đối với hệ thống tự lái Autopilot của hãng xe Tesla sau khi xác định hệ thống này liên quan tới hàng loạt vụ tai nạn.
Kể từ tháng 1/2018, cơ quan quản lý đã xác định được 11 vụ tai nạn mà các mẫu xe Tesla đã đâm vào các phương tiện khác khi gặp đèn chiếu sáng, biển chỉ đường phản quang hay các cảnh báo nguy hiểm.
S&P 500 và Dow Jones đều đóng cửa phiên đêm qua ở mức cao kỷ lục dù ban đầu chìm trong sắc đỏ. S&P 500 đã tăng 100% kể từ đáy vào tháng 3/2020. Nasdaq Composite bị Tesla kéo lùi. Trong khi đó, Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures đang đỏ lửa.
Kết thúc phiên 16/8, chỉ số Dow Jones tăng 110,02 điểm (+0,31%), lên 35.625,40điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,71 điểm (+0,26%), lên 4.479,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 29,14 điểm (-0,20%), xuống 14.793,76 điểm.
Đà tăng kéo dài 10 phiên liên tiếp của chứng khoán châu Âu đã dừng lại vào phiên giao dịch đêm qua sau khi các chỉ số kinh tế của Trung Quốc suy giảm bất giờ, trong đó các cổ phiếu liên quan đến hàng hóa lao dốc mạnh nhất.
Kết thúc phiên 16/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 64,73 điểm (-0,90%), xuống 7.153,98 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 51,71 điểm (-0,32%), xuống 15.925,73 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 57,27 điểm (-0,83%), xuống 6.838,77 điểm.
Chứng khoán châu Á chưa thể khởi sắc trong phiên đầu tuần mới. Chứng khoán Nhật Bản giảm điểm do lo ngại tăng trưởng kinh tế sẽ chậm trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra bởi các biến thể mới.
Chứng khoán Trung Quốc ít biến động trong bối cảnh dữ liệu kinh tế đáng thất vọng làm dấy lên những lo ngại mới về triển vọng của nền kinh tế nhưng kỳ vọng vào sự hỗ trợ chính sách đã giúp thị trường cân bằng hơn.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, chịu tác động bởi dữ liệu yếu trong tháng 7 của nền kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, các bài bình luận của truyền thông nhà nước gây ra những lo ngại mới về quy định của chính phủ trong lĩnh vực công nghệ.
Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch.
Kết thúc phiên 16/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 453,96 điểm (-1,62%), xuống 27.523,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,05 điểm (+0,03%), lên 3.517,34 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 210,16 điểm (-0,80%), xuống 26.181,46 điểm.
Giá vàng đêm qua tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm trong bối cảnh dữ liệu sản xuất của Trung Quốc gây thất vọng, trong khi tình hình chiến sự tại Afghanistan khiến thị trường tài sản rủi ro biến động.
Kết thúc phiên 16/8, giá vàng giao ngay tăng 7,20 USD (+0,40 %), lên 1.786,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 11,6 USD (+0,65%), lên 1.787,60 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên ngày thứ Hai do dữ liệu kinh tế Trung Quốc yếu kém.
Chế biến dầu thô hàng ngày ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, tháng trước cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 khi các nhà máy lọc dầu độc lập cắt giảm sản lượng do hạn ngạch thắt chặt hơn, tồn kho tăng và lợi nhuận giảm.
Tuy nhiên, đà giảm được hãm lại sau khi các nguồn tin từ OPEC+ cho biết, không cần thiết phải cung thêm dầu vào thị trường bất chấp việc Mỹ đang áp lực để nhóm này nâng sản lượng kìm đà tăng của giá dầu.
Dữ liệu mới nhất từ OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng chỉ ra rằng thị trường sắp tới không cần thêm dầu.
Kết thúc phiên 16/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,15 USD (-1,7%), xuống 65,73 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,08 USD (-1,5%), xuống 69,51 USD/thùng.