BID “vào hụt” danh mục của 2 quỹ ETF
Kỳ tái cơ cấu quý III/2015 của hai quỹ ETF lần này đã mang lại những diễn biến bất ngờ xoay quanh cổ phiếu BID. “Tiếp bước” FTSE Vietnam ETF, cuối tuần trước, Quỹ VNM ETF công bố sẽ thêm BID vào rổ chỉ số với tỷ trọng 8%, cao nhất trong danh mục, góp phần đưa cổ phiếu này trở thành điểm sáng của cả thị trường, dù các chỉ số chứng khoán chủ chốt tiếp tục diễn biến “lình xình”. Tăng giá trần liên tiếp trong hai phiên đầu tuần, BID đã nhảy vọt lên mức đỉnh cao nhất trong lịch sử với mức thanh khoản kỷ lục hơn 9 triệu cổ phiếu trong phiên 15/9.
Bất ngờ xảy ra khi tối 15/9, VNM ETF đột ngột thông báo sẽ không thêm BID vào danh mục như trong thông báo trước đó và FTSE ETF có động thái tương tự chỉ một ngày sau đó. “Sự cố” hi hữu này đã khiến cổ phiếu BID lập tức giảm giá sàn với lượng dư bán sàn xấp xỉ 10 triệu cổ phiếu.
Việc BID không được thêm vào danh mục trong đợt cơ cấu lần này có lợi cho những cổ phiếu còn lại trong rổ chỉ số của hai quỹ ETF. Thay vì bị bán ra mạnh như dự kiến, những cổ phiếu như VCB, HAG, BVH, STB, KDC, MSN… nhiều khả năng bị bán ra ít hơn, thậm chí được mua ròng trở lại. Điều này đã giúp thị trường có lực nâng đỡ, đối trọng lại tác động tiêu cực từ việc BID giảm sàn.
Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn suy yếu. Sự ngập ngừng của giới đầu tư dường như là để chờ đợi quyết định của Fed đưa ra sau cuộc họp chính sách kết thúc ngày 17/9. Đây là một quyết định quan trọng, không chỉ liên quan đến kinh tế nước Mỹ, mà nó còn có sức ảnh hưởng đến kinh tế toàn thế giới. Nhiều quan điểm của các chuyên gia, định chế tài chính có uy tín được đưa ra xoay quanh câu chuyện Fed chuẩn bị tăng lãi suất USD, nhưng lịch sử cho thấy, dự đoán các quyết định của Fed đều là “mạo hiểm”.
Bên cạnh nền tảng thanh khoản yếu, chỉ đạt trên dưới 80 triệu cổ phiếu/phiên trên sàn HOSE, diễn biến của chỉ số VN-Index cũng không có nhiều khởi sắc khi liên tục dao động trong biên độ hẹp từ 560 - 565 điểm và không phát ra tín hiệu xu hướng rõ ràng. Sự thận trọng khiến dòng tiền không đủ sức mạnh lan tỏa, mà chỉ tập trung tại một số cổ phiếu lớn trong rổ chỉ số của hai quỹ ETF, hoặc các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PVS, PVC nhờ thông tin giá dầu tăng trở lại. Tuy vậy, biến động giá của những cổ phiếu này khá thụ động theo các thông tin đưa ra, hoặc do ảnh hưởng từ diễn biến giá dầu thế giới trong đêm hôm trước.
VN-Index vẫn nằm trong thị trường giá xuống
Chỉ số VN-Index dao động trong khoảng 555 - 575 điểm với thanh khoản giảm về mức trung bình trong hai tuần vừa qua, sau khi phục hồi mạnh từ ngưỡng hỗ trợ 510 điểm. Đồ thị chỉ số dao động quanh các đường trung bình động ngắn hạn như MA5, MA10 hay MA20 đang hội tụ vào nhau và phát ra tín hiệu trung tính cho xu hướng ngắn hạn. Tuy vậy, điểm đáng lưu ý là cận trên của vùng dao động của chỉ số tại 575 điểm chính là kháng cự của đường trung bình động MA200 ngày đang có xu hướng đi xuống. Điều này cho thấy, trong xu hướng trung hạn, VN-Index vẫn đang nằm trong thị trường giá xuống.
Theo chúng tôi, tín hiệu kỹ thuật này đang ảnh hưởng đến quyết định mua vào của nhà đầu tư trong bối cảnh “nhạy cảm” hiện tại. Hy vọng, phản ứng tích cực của TTCK thế giới trước quyết định của Fed sẽ tạo động lực cần thiết để VN-Index có thể chinh phục thành công ngưỡng 575 điểm, xác lập lại xu hướng tăng giá trung hạn. Ngược lại, một tâm lý tiêu cực có thể khiến VN-Index phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 555 - 560 điểm, kéo dài xu hướng giảm điểm. Do đó, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư nên duy trì chiến lược quan sát thị trường cho đến khi những tín hiệu kỹ thuật mới xuất hiện.