Chứng khoán Mỹ trượt dốc trong phiên giao dịch cuối tuần sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed), trong một tuyên bố ngắn gọn, cho biết, sẽ để biện pháp nới lỏng tỷ lệ đòn bẩy bổ sung (SLR) hết hạn vào ngày 31/03/2021.
Trước đó, vào ngày 01/04/2020, Fed đã nới lỏng tỷ lệ SLR, cụ thể cho phép các ngân hàng loại bỏ trái phiếu chính phủ Mỹ và tiền gửi ra khỏi công thức tính tỷ lệ SLR. Quyết định này được đưa ra nhằm bình ổn thị trường trái phiếu trước những biến động do đại dịch Covid-19 gây ra cách đây gần 1 năm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng - tài chính giảm mạnh sau thông báo của Fed. JPMorgan Chase & Co. giảm 1,59%, Wells Fargo & Company mất 3%, và Goldman Sachs mất 1,1%.
Mặt khác, lợi trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng lên mức 1,725%, cao nhất trong vòng 14 tháng qua. Lợi suất trái phiếu tăng vọt trong 7 tuần qua đã ảnh hưởng đến cổ phiếu công nghệ và nhóm cổ phiếu được định giá cao dựa trên kỳ vọng tăng trưởng trong tương lai.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhắc lại trong một bài xã luận đăng trên Wall Street Journal hôm thứ Sáu rằng, Fed sẽ cung cấp viện trợ cho nền kinh tế đến “chừng nào còn cần”. Đây cũng là cam kết được ông đưa ra sau cuộc họp định kỳ của Fed vào giữa tuần qua.
Kết thúc phiên 19/3, chỉ số Dow Jones giảm 234,33 điểm (-0,71%), xuống 32.627,97 điểm. Chỉ số S&P 50 giảm 2,36 điểm (-0,06%), xuống 3.913,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 99,07 điểm (+0,76%), lên 13.215,24 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,46%, chỉ số S&P 500 giảm 0,77%, chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,79%.
Chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu sau khi Pháp áp lệnh phong toả mới, dấy lên nhiều lo ngại đà phục hồi kinh tế sẽ bị gián đoạn.
Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 18/3 thông báo 16 vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, bao gồm thủ đô Paris, sẽ áp lệnh phong tỏa trong vòng 4 tuần. Quyết định được đưa ra sau khi chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 bị đình trệ và biến chủng mới lây lan tại nước này.
Kết thúc phiên 19/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 70,97 điểm (-1,05%), xuống 6.708,71 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 154,52 điểm (-1,05%), xuống 14.621,00 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 64,83 điểm (-1,07%), xuống 5.997,96 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,78%, chỉ số DAX tăng 0,82%, chỉ số CAC40 giảm 0,80%.
Chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ trong phiên cuối tuần. Chứng khoán Nhật Bản giảm mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo sẽ chỉ mua các quỹ ETF có liên kết với chỉ số chuẩn Topix.
Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh sau khi cuộc đàm phán song phương Trung - Mỹ có khởi đầu đầy khó khăn.
Chứng khoán Hồng Kông lùi bước với cổ phiếu năng lượng dẫn đầu đà giảm do ảnh hưởng từ việc lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng vọt và khởi đầu căng thẳng tại cuộc đàm phán song phương Trung - Mỹ đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm do ảnh hưởng từ lợi suất trái phiếu Mỹ tăng đột biến đè nặng tâm lý.
Kết thúc phiên 19/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 424,70 điểm (-1,41%), xuống 29.792,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 58,40 điểm (-1,69%), xuống 3.404,66 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 414,78 điểm (-1,41%), xuống 28.990,94 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 26,48 điểm (-0,86%), xuống 3.039,53 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,25%, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,40%, chỉ số Hang Seng tăng 0,87%, chỉ số KOSPI giảm 0,49%.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu đã hồi phục khá mạnh, nhờ đồng USD suy yếu và sự chông chênh trên thị trường tài sản rủi ro.
Kết thúc phiên 19/3, giá vàng giao ngay tăng 11,40 USD (+0,66%), lên 1.732,50 1.743,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 9,20 USD (+0,53%), xuống 1.741,70 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1%, giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 1,27%.
Trong sát về giá vàng tuần này của Kitco với 13 chuyên gia trên phố Wall, có 6 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 4 người cho rằng giá vàng giảm và như vậy có 3 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến với 1.698 người tham gia, 65% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 21% cho rằng giá vàng giảm và 14% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu hồi phục sau phiên giao dịch bất ổn vào thứ Sáu, song vẫn có một tuần "buồn" trong bối cảnh khắp châu Âu xuất hiện làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới khiến hy vọng nhu cầu nhiên liệu sớm phục hồi lung lay.
Trong khi đó, theo Reuters, Iran đã xuất khẩu lượng dầu thô kỷ lục cho khách hàng lớn nhất Trung Quốc liên tục trong những tháng gần đây. Dầu của Iran cũng được bổ sung trong danh mục nguồn nguyên liệu tại các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran được nới lỏng.
Ngoài ra, Goldman Sachs tuần qua tiếp tục đưa ra dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng đáng kể trong những tháng tới, đặc biệt dầu Brent có thể lên 80 USD/thùng vào mùa hè này.
Kết thúc phiên 19/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,42 USD (+2,31%), lên 61,42 USD/thùng, giá dầu thô tăng 1,25 USD (+1,94%), lên 64,53 USD/thùng.
Trong tuần, dầu WTI giảm 6,8%, dầu Brent giảm 7,3%.